Ân xá Quốc tế: Cuộc vận động chống án tử hình đạt nhiều tiến bộ

T

T$

Guest
Tổng số các vụ hành quyết trong năm ngoái được Hội Ân xá Quốc tế ghi nhận chính thức là 527 vụ.

Tuy nhiên, con số này không bao gồm một số lớn các vụ hành quyết ở Trung Quốc, theo như lời giải thích của Giám đốc Chiến dịch đòi bãi bỏ Án tử hình của Hội, bà Laura Moye.

Bà Moye cho biết: “Rất khó nói trong tình hình thông tin liên quan đến án tử hình được giữ bí mật một cách không thể tưởng tượng được, nhưng qua thông tin mà chúng tôi nhận được, thì chúng tôi tin rằng con số này có thể lên đến hàng ngàn vụ.”

Bất kể con số này, bà Moye cho biết có các dấu hiệu cho thấy có khuynh hướng đi xuống ở Trung Quốc, cũng như ở các nơi khác trên thế giới.

Bà Moye nói: “Dường như ở Trung Quốc đã có xu hướng hạn chế con số các trọng tội bị phạt án tử hình. Một số tội hình sự mà giới có chức quyền vi phạm đã bị hủy bỏ – hoặc ít nhất đã có đề nghị hủy bỏ các tội đó trong danh sách các trọng tội hình sự. Vì thế chúng tôi hy vọng là Trung Quốc cũng có chú ý đến thông điệp của cộng đồng quốc tế và của giới ủng hộ nhân quyền rằng án tử hình bắt đầu có khuynh hướng tiến tới chỗ bị hủy bỏ.”

Hội Ân xá Quốc tế không đưa ra các con số của các nước Á châu khác thi hành các vụ hành quyết, trong đó có Malaysia, Bắc Triều Tiên và Việt Nam.

Đối với các quốc gia mà Hội Ân xá Quốc tế có đề cập đến, thì Iran có số án tử hình được báo cáo cao nhất là 252 vụ, tiếp theo là Yemen với 53 và Hoa Kỳ với 46 vụ.

Nhưng, trong phần thẩm định rằng các vụ hành quyết đang dần dà bớt đi trên toàn thế giới, thì báo cáo nêu ra rằng trong tháng này, tiểu bang Illinois đã trở thành tiểu bang thứ 16 của Hoa Kỳ bãi bỏ án tử hình.

Quốc gia duy nhất được liệt kê trong danh sách các nước bãi bỏ án tử hình vào năm 2010 là Gabon ở Trung Phi.

Hội Ân xá Quốc tế cho biết 139 quốc gia nay đã bãi bỏ án tử hình trong luật pháp hay trên thực tế. Một chiến dịch nhân quyền hiện đang được xúc tiến cho một quốc gia Phi châu khác là Ghana, đề nghị bãi bỏ án tử hình vào lúc nước này duyệt lại bản hiến pháp của họ.

Bà Moye nói rằng Hội Ân xá Quốc tế cũng đang theo dõi sát tình hình bất ổn ở Trung Đông, nơi nhiều nước đang lâm vào cảnh bạo loạn, trong đó có Yemen, Libya và Syria, đã từng nằm trong danh sách 10 nước hàng đầu thi hành án tử hình trong năm ngoái.

Nhưng bà Moye cho biết khu vực này lại cũng gồm các nước thi hành rất ít, hoặc không thi hành một án tử hình nào.

Bà Moye nói tiếp": "Ở Trung Đông, trong khi Iran và Ả Rập Xê-út, chẳng hạn, thường bị liệt vào hàng đầu trong danh sách các vụ hành quyết, thì lại có nhiều quốc gia khác trong vùng Trung Đông và Bắc Phi không thi hành án tử hình trong những năm gần đây. Đó là Algeria, Jordan, Kuwait, Libang, Maroc, Tây Sahara và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng như Tunisia. Vì thế nói chung khu vực này có nhiều dấu hiệu tiến bộ.”

Hồi tháng 12 năm ngoái, một nghị quyết nhắc lại lời kêu gọi của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đề nghị ngưng thi hành án tử hình đã được thông qua với 109 phiếu thuận, 41 phiếu chống và 35 nước không bỏ phiếu. Kết quả này cho thấy có sự gia tăng chút ít về số phiếu thuận so với các cuộc biểu quyết trước về vấn đề này tại Liên Hiệp Quốc trong mấy năm vừa qua.
 
Back
Top