T
T$
Guest
AP
Image caption
Đài Loan cũng có tranh chấp chủ quyền với Nhật và Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông
Đài Bắc tuyên bố không công nhận phán quyết trọng tài vụ xử tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa Philipines và Trung Quốc, hãng thông tấn Central News Agency (CNA) của Đài Loan loan tin.
Chính phủ Đài Loan hôm thứ Bảy 31/10 nói sẽ không có chuyện họ thừa nhận hay chấp nhận phán quyết của cơ quan trọng tại quốc tế hiện đang xem xét đơn kiện của Philippines.
Lý do, theo Bộ Ngoại giao Đài Loan, là bởi Philippines đã không mời Đài Bắc tham gia trong quá trình tranh tụng, và tòa trọng tài cũng đã không chú ý tới quan điểm của Đài Loan.
Do đó, Đài Bắc giữ quan điểm là phán quyết sẽ không tác động tới Đài Loan "bằng bất kỳ cách nào", trong lúc Đài Loan cũng "không thừa nhận hay chấp nhận" các nội dung phán quyết đó, Bộ Ngoại giao nói.
Tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Đài Loan thể hiện quan điểm cứng rắn hơn so với những phản ứng ban đầu họ đưa ra trước đó một hôm, khi Đài Bắc khẳng định chủ quyền của Đài Loan đối với chuỗi bốn hòn đảo ở biển Đông là không có gì phải tranh cãi, và rằng họ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ kiện, và sẽ có những biện pháp thích hợp.
Image copyright
AP
Image caption
Philippines đã đệ đơn kiện đối với đường chủ quyền chín đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, của Trung Quốc tại biển Đông.
Tòa Trọng tài Thường trực đặt tại The Hague, Hà Lan, hôm 29/10 phán quyết rằng họ có đủ thẩm quyền để xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới Biển Đông.
Tòa đã bác luận điểm của Trung Quốc rằng đây là tranh chấp về chủ quyền và vượt ra ngoài thẩm quyền của tòa.
Trước đó, Trung Quốc nói vụ kiện vốn được Việt Nam ủng hộ là 'không có tính pháp lý'.
[h=2]'Sẵn sàng hợp tác'[/h]Biển Đông là nơi nhiều quốc gia trong khu vực, gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan, cùng tuyên bố chủ quyền.
Hiện Đài Loan đang kiểm soát một đảo ở quần đảo Pratas Islands (mà Trung Quốc và Đài Loan gọi là quần đảo Đông Sa) và một trong những đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa là đảo Thái Bình (mà Việt Nam gọi là đảo Ba Bình).
Trong một tuyên bố gồm bảy điểm, Bộ Ngoại giao lặp lại quan điểm của Đài Loan rằng xét từ khía cạnh lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế thì một số quần đảo ở biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa, cùng các vùng nước xung quanh là "phần lãnh thổ và lãnh hải được kế thừa" của Đài Loan.
Bộ Ngoại giao cũng nói rằng các quần đảo trên biển Đông đầu tiên là do người Hoa phát hiện, đặt tên và sử dụng, đồng thời đưa vào thành một phần lãnh thổ quốc gia.
Đài Loan hiện chưa tham gia Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, giới chức nói các bên trong tranh chấp biển Đông cần tôn trọng các điều khoản và tinh thần của công ước, và nói Đài Loan "sẵn sàng hợp tác với các bên có liên quan để nhằm cùng đảm bảo hòa bình, ổn định" cho vùng biển này, đồng thời để "bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên", tuyên bố của Bộ Ngoại giao viết.
Theo BBC Vietnamese