Đức Giáo Hoàng 'không hề bảo thủ'

T

T$

Guest
(ThuVienBao.com) -
130211150057_ratzinger_464x261_ratzinger_nocredit.jpg
Giáo sư Joseph Ratzinger tin chủ nghĩa Marx là 'độc ác, độc đoán'

Đức Giáo hoàng Benedict XVI là hiện thân của một nhà lãnh đạo tôn giáo "có đầu óc cải cách" mà không hề "bảo thủ" như một số quan điểm và việc ông tuyên bố từ chức đã chứng tỏ điều đó, theo Giáo sư thần học Nguyễn Đăng Trúc.
Bình luận sự kiện Đức Giáo loan báo sắp từ chức với BBC từ Pháp, Giáo sư Trúc tin rằng Đức Giáo hoàng là một người "rõ ràng" và không có lý do gì khác đứng sau việc ông từ chức ngoài lý do "sức khỏe".
Nhà thần học cũng cho hay tuy số lượng các vị chức sắc tôn giáo có thể tham gia chọn lựa để bầu Giáo hoàng lên tới khoảng 120 vị, việc một vị Hồng y nào được chọn để trở thành Giáo hoàng còn do "ơn riêng của Chúa" quyết định.
Ông Trúc nói: "Trong lịch sử của Giáo hội 600 năm rồi, chưa có một Giáo hoàng nào đã từ chức trước khi ngài lâm chung..."
"Thường thường khi một Đức Giáo hoàng chết, có những cuộc bầu cử lại Giáo hoàng mới, thì cũng có dư luận này khác nói rằng người này trong tương lai sẽ thành Giáo hoàng, vị kia như vậy.
"Nhưng thực ra tin này đi ra ngoài sự tiên đoán của mọi người, ngay cả các Đức Hồng Y cũng không biết trước việc này.
"Thực ra trên phương tiện đức tin của người Kitô hữu, vấn đề lựa chọn một vị lãnh đạo của Giáo hội người ta gọi là ơn riêng của Chúa. Nó không phải là một sự sắp đặt có tính chất chính trị hay là khôn ngoan, luôn luôn có những cái bất ngờ."
Đề cập tới cuộc gặp gần đây khi Giáo hoàng tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nghiên cứu cho rằng Vatican tiếp tục kiên định đối sách của mình đối với quốc gia cộng sản, nhưng không vì một số vấn đề nhất định, được hiểu như Việt Nam bắt bớ giáo dân, mà xem nhẹ quan hệ dài hạn, tương lai.
Tuy nhiên, Giáo sư Trúc tin rằng chắc chắn Giáo hoàng đã có thông điệp nhất định trong "một khúc" gặp riêng và trao đổi riêng với ông Nguyễn Phú Trọng, liên quan tới tương lai của cộng đồng giáo dân ở Việt Nam, mà một bộ phận được cho là đang chịu nhiều vụ bắt bớ, xách nhiễu và xử án nặng nề gần đây bởi chính quyền.
"VN tiếp tục áp dụng chính sách có tính cách đi ngược lại với tiến trình chung, làm tôi ngạc nhiên, nhất là sự cứng rắn. Ở Pháp chẳng hạn, nếu nói tù 10 năm trở lên, người ta không hiểu được, trừ tội giết người thôi..."
Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc


Giáo sư Trúc nói Đức Giáo hoàng là một người có sức thu hút cao khi trong nhiệm kỳ của mình lượng giáo dân tới Vatican nghe ngài trực tiếp diễn giảng còn cao hơn cả thời của cố Giáo hoàng John Paul II.
"Chúng tôi đến để nhìn Đức Giáo hoàng John Paull II, nhưng mà chúng tôi đến để nghe Đức Giáo hoàng Benedict XVI nói," ông trích lời của giáo dân và bình luận rằng đương kim Giáo hoàng đã đem đến cho các giáo dân "một độ sâu" và "một khuôn mặt mới của Đức Kitô."
Giáo sư Trúc cho rằng cuộc gặp giữa Đức Giáo hoàng và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, có vai trò trong việc giải quyết một số vấn đề trong quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Hà Nội như hai nhà nước.
Tuy nhiên, ông cho rằng trong thời kỳ Giáo hoàng Benedict XVI cầm cương tại Vatican, Việt Nam là một trong số các quốc gia có số lượng giáo dân công giáo bị bắt bớ, xách nhiễu vào mức độ nhiều, phổ biến và 'nghiêm trọng'.
Ông nói: "Việt Nam tiếp tục áp dụng chính sách có tính cách đi ngược lại với tiến trình chung, làm tôi ngạc nhiên, nhất là sự cứng rắn. Ở Pháp chẳng hạn, nếu nói tù 10 năm trở lên, người ta không hiểu được, trừ tội giết người thôi...
"Việt Nam dễ quá, một cái tội khi nói lên ý kiến của mình mà 12, 15 năm tù, thì cái đó đối với thế giới và đối với lương tâm, không phải chỉ lương tâm công giáo, mà lương tâm nói chung, nó khó chịu."
130122130815_nguyen_phu_trong_pope_304x171_ap_nocredit.jpg
Cuộc gặp cuối cùng của hai giáo sư, một ngành thần học, một ngành 'xây dựng Đảng Cộng sản'

Song những việc này, theo nhà nghiên cứu thần học, không quyết định hoàn toàn sách lược và chiến lược quan hệ ngoại giao của Vatican. Ông nói:
"Đối với Giáo hoàng này, trước mắt, theo tôi nhận xét, thiết lập quan hệ ngoại giao không phải bằng bất cứ giá nào.
"Nhưng cái đó ngài xét cần thiết để có thể đi đến một cuộc đối thoại hai bên làm cho tất cả cuộc bất công đó được giải quyết liền và có thể trong tương lai êm đẹp hơn. Có lẽ tính toán vì tương lai nhiều hơn..."
Tuy không cho biết chi tiết về khả năng cuộc tiếp của Giáo hoàng với ông Nguyễn Phú Trọng có thể để lại một tác động chiến lược mang tính chất bước ngoặt nào cho Việt Nam và Đảng Cộng sản hay không, Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc tin rằng cuộc gặp riêng chỉ giữa hai nhà lãnh đạo có thể có một thông điệp đặc biệt.
Ông nói:
"Hai người lãnh đạo có những chìa khóa để mở trong tương lai là hai người trong tương quan có trách nhiệm giải quyết vấn đề sinh hoạt tôn giáo và chính trị ở Việt Nam...
"Cho đến bây giờ, khi ông Nguyễn Phú Trọng đi về, chúng ta thấy vẫn chưa có những dấu hiệu cho thấy về những lời các ông bàn cái gì với nhau đằng sau, nhưng mà tôi nghĩ rằng khi đã nói riêng với nhau, tách rời ra khỏi phải đoàn, thì chắc chắn hai bên đã nói riêng với nhau một vài cái gì đó."


Theo BBC Vietnamese
 
Back
Top