Đường hầm cạnh Hồ Tây là “cung điện” của người chết

Jolie

Member
Không phải địa đạo giữ thành thời Cao Biền, cũng chẳng phải động Thông Thiên theo "truyền thuyết" của người dân Quán La, càng không là hầm luyện đan của các đạo sĩ… Đường hầm mà chúng ta thấy dưới đình Quán La bây giờ thực chất là một ngôi mộ Hán…

Duong-ham-canh-Ho-Tay-la-cung-dien-cua-nguoi-che_Tin180.com_001.jpg


Cụ Nguyễn Văn Chinh bên thành hầm mộ.

Hố xuống địa đạo sâu chừng 4m, dẫn thẳng vào hầm chính. Chúng tôi đứng dưới ngăn chính của địa đạo mà thấy rộng thoải mái. Ước chừng, chiều rộng mặt hang khoảng 1,5m, chiều cao hơn 2m. Qua quan sát, cũng như khẳng định của cụ Chinh và cụ Lương, thì qua hàng ngàn năm, đáy địa đạo đã bị bùn đất bồi lấp, nên mới thấp như vậy, chứ thực tế nó phải cao ngót 3m. Ngách phụ ở hai bên tường của địa đạo chính thấp hơn nhiều, đã vậy, lại bị bồi lấp, nên chỉ cao chưa đầy nửa mét, phải nép người sát đất mới bò vào được.
Các địa đạo được xây vòm cuốn, bằng loại gạch to bản, hình múi bưởi. Kiểu xây vòm cuốn giống như cống nước mà các hợp tác xã xây ở cánh đồng mấy chục năm trước.
Nhìn địa đạo này, có thể biết rõ đây là một ngôi mộ Hán, mộ vòm cuốn, hoặc gọi đơn giản là mộ gạch. Một số nhà khoa học thì gọi vui là “cung điện dưới lòng đất” hoặc “cung điện của người âm”, vì nó rất lớn, không khác gì tòa nhà.

Duong-ham-canh-Ho-Tay-la-cung-dien-cua-nguoi-che_Tin180.com_002.jpg


Vòm cuốn của ngôi mộ dưới đình Quán La.

Duong-ham-canh-Ho-Tay-la-cung-dien-cua-nguoi-che_Tin180.com_003.jpg


Vòm cuốn của ngôi mộ Hán dựng ở Bảo tàng Hải Dương.

Sở dĩ tôi dám khẳng định ngay đây là ngôi mộ Hán, vì bản thân đã từng chứng kiến cuộc khai quật một ngôi mộ Hán khổng lồ ở Hải Dương và đã từng nhiều lần cùng ông Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương dạo chơi dưới vòm ngôi mộ Hán khổng lồ hiện nằm trong khuôn viên bị bỏ quên của Bảo tàng Hải Dương. Bản thân đã tận mắt khai quật mộ Hán, nghe chuyên gia mộ cổ kể chuyện và tìm hiểu nhiều tài liệu về loại mộ này, nên tôi dám chắc như vậy.
Địa đạo lớn dưới lòng đất ở gò Thất Diệu, dưới móng đình Quán La chính là một vòm cuốn của ngôi mộ này. Từ vòm cuốn chính, có ngách phụ ở hai bên tả và hữu, chứng tỏ, ngôi mộ này có ít nhất 2 vòm cuốn nữa ở hai bên. Những ngách phụ này giống như cánh cửa và lối đi dẫn đến căn phòng khác trong một tòa nhà. Qua đó, có thể khẳng định, ngôi mộ này có ít nhất 3 vòm cuốn. Ngôi mộ hiện trưng bày ở Bảo tàng Hải Dương cũng có 3 vòm cuốn, là một ngôi mộ Hán khổng lồ, do đó, đây cũng có thể là một “cung điện” khổng lồ dưới lòng đất.
Từ chỗ lên xuống, có thể thấy rõ tường bao của ngôi mộ được xây bằng loại gạch lớn hình chữ nhật, giống như viên gạch xỉ mà một số vùng quê dùng xây tường, xây nhà. Thành mộ xây bằng gạch to bản, khá mỏng, viên nào cũng có hoa văn, họa tiết. Phần vòm cuốn xếp gạch múi bưởi. Hoa văn ở hai mặt của những viên gạch có tác dụng như khe rãnh, tạo ma sát, khiến các viên gạch tự liên kết với nhau mà ko cần vữa, ximăng như thời nay.

Duong-ham-canh-Ho-Tay-la-cung-dien-cua-nguoi-che_Tin180.com_004.jpg



Hoa văn trên gạch xây mộ dưới đình Quán La.

Duong-ham-canh-Ho-Tay-la-cung-dien-cua-nguoi-che_Tin180.com_005.jpg



Hình dáng và hoa văn trên gạch ở ngôi mộ Hán tại Hải Dương cũng tương tự nhau.

Mặc dù ngôi mộ đã bị phát hiện cả ngàn năm nay, ít nhất từ thời Lý (vì đã có sách sử ghi chép), song ngôi mộ còn khá nguyên vẹn. Trông qua ngôi mộ, có thể thấy ý thức bảo vệ của những người trông coi đình Quán La rất cao. Những chỗ bị đục đẽo, đào bới, xâm phạm, đều được xếp gạch lại, trát kỹ bằng vôi cát, hoặc ximăng. Giữa vòm cuốn có bức tường chặn giữa. Theo ông Chinh, bức tường chặn “hầm” này là do các cụ xây bịt lại, để không cho kẻ xấu đột nhập (bức tường xây bịt này có liên quan đến câu chuyện "huyền thoại hóa" về ông Tây bà đầm mất tích cùng con ngựa trong động).

Duong-ham-canh-Ho-Tay-la-cung-dien-cua-nguoi-che_Tin180.com_006.jpg


Dấu vết đào bới, xâm phạm của kẻ trộm cổ vật.

Duong-ham-canh-Ho-Tay-la-cung-dien-cua-nguoi-che_Tin180.com_007.jpg


Có cả kim tiêm chích của dân nghiện vứt lại trong hầm mộ.

Duong-ham-canh-Ho-Tay-la-cung-dien-cua-nguoi-che_Tin180.com_008.jpg


Dấu vết gia cố, tu sửa lại bằng vôi vữa của các cụ già trông coi đình Quán La.

Theo cụ Chinh, từ xưa đến nay, các thủ từ trông coi, hương khói ở đình đều có ý thức rất cao trong việc bảo vệ ngôi mộ này. Hồi sửa sang cung cấm, khi đào móng, sụt lỗ hổng lớn, moi lên nhiều gạch múi bưởi, biết rằng đã phá vào nóc mộ, các cụ liền đổ một lớp bêtông khung sắt trên mặt, nhằm giữ cố định cho vòm cuốn và giảm sức nặng của đình đè lên mộ. Ngay cả móng đình ở chỗ xuống hầm mộ cũng được gia cố chắc chắn.
Về ngóc ngách hai bên vòm cuốn sâu bao nhiêu, cụ Chinh không nắm được. Cụ kể rằng, hồi bé, cụ và bọn trẻ trong làng thường chui vào các ngóc ngách này chơi, nhưng chỉ bò được vài mét, vì càng sâu, vòm càng nông, không chui nổi nữa. Thực tế, không phải do vòm nông, mà do đất cát bồi lấp nhiều, phải moi đất cát ra mới chui vào được.

Duong-ham-canh-Ho-Tay-la-cung-dien-cua-nguoi-che_Tin180.com_009.jpg


Ngách nhỏ dẫn đến vòm mộ khác đã bị đất lấp gần kín.

Duong-ham-canh-Ho-Tay-la-cung-dien-cua-nguoi-che_Tin180.com_010.jpg



Qua ánh đèn có thể nhìn rõ một ngách hầm bị xây bịt kín. Phía sau bức tường xây bịt này có gì vẫn còn nhiều bí ẩn.

Tôi vòng ra phía sau đình Quán La, dạo quanh gò Thất Diệu, thấy mặt gò cao bằng ngôi nhà 2 tầng ở xung quanh. Gò đất thoai thoải, rộng chừng 1.000m2, với mỗi cạnh dài hơn 30m. Nếu mỗi vòm cuốn kéo dài từ đầu gò đến tận cuối gò, thì ngôi mộ này quả là khổng lồ.
Mộ Hán xuất hiện từ thời Tây Hán. Quan lại người Hán sang cai trị vùng An Nam thời Bắc thuộc đã mang theo văn hóa mộ Hán. Khi những ông quan lớn chết thì được an táng trong những “cung điện dưới lòng đất” như thế này.
Loại mộ này có từ những năm đầu thời kỳ Bắc thuộc, kéo dài đến tận thời Lý, Trần. Tuy nhiên, theo ông Tăng Bá Hoành, mộ Hán thời Lý, Trần thường rất nhỏ, không sánh được với thời kỳ đầu Công nguyên.
Để làm được mộ, người ta phải huy động rất nhiều nhân công, đào sâu xuống lòng đất chừng 1-2m, trên một diện tích cả ngàn mét vuông. Sau đó, người ta xây dựng một ngôi mộ hình vuông hoặc hình chữ nhật. Ông quan đó càng lớn, càng giàu có thì mộ càng lớn, càng nhiều vòm cuốn và nhiều phòng.

Duong-ham-canh-Ho-Tay-la-cung-dien-cua-nguoi-che_Tin180.com_011.jpg


Bước tường xây bằng những viên gạch lớn ở đầu vòm cuốn này là tường bao của ngôi mộ hay chỉ là đoạn tường mới được xây để lên xuống mộ còn là điều bí ẩn chờ các nhà khoa học giải đáp.

Mỗi vòm cuốn như một hang động chạy dài, được ngăn chia thành một hoặc nhiều phòng. Hầm nhỏ dẫn đến các phòng. Có thể các phòng thông nhau, cũng có thể bị xây bịt kín lại.
Căn phòng chính, lớn nhất, nằm ở trung tâm là nơi đặt quan tài người chết. Những phòng khác thường chứa đồ vật như dao, kiếm, cung nỏ, áo giáp và các loại đồ dùng hàng ngày của người sống. Có thể có một vài căn phòng riêng chứa vàng bạc, châu báu. Tỳ thiếp, người hầu có bị chốn sống theo hay không thì chưa rõ. Tuy nhiên, trong các ngôi mộ Hán kiểu này khai quật ở bên Trung Quốc thường có rất nhiều cổ vật, châu báu. Có ngôi mộ thu được cả trăm thùng châu báu. Người Hán xưa kia quan niệm, người chết cũng cần tài sản để chuẩn bị cho cuộc hành trình về thế giới bên kia, nên đã chôn theo người chết rất nhiều tài sản.
Sau khi xây xong mộ, đặt người chết vào trong, ngôi mộ được bịt kín lại, rồi hàng ngàn nhân công đào đất lấp mộ. Để lấp kín được mộ, người ta cần nhiều vạn khối đất. Thậm chí, phải đào những cái hố lớn như hồ, hoặc đào vùng đất cạnh mộ thành một con sông, mới đủ đất đắp mộ. Khi đắp xong, ngôi mộ to như quả núi. Trải mưa nắng mài mòn gần 2.000 năm qua, gò đất vẫn lớn như vậy, đủ biết, xưa kia, ngôi mộ này vĩ đại như thế nào. Qua đó, cũng có thể mường tượng ra cảnh mồ hôi, nước mắt, thậm chí xương máu con dân người Việt đã phải đổ nhiều ra sao bên những ngôi mộ này.

Duong-ham-canh-Ho-Tay-la-cung-dien-cua-nguoi-che_Tin180.com_012.jpg


Qua gần 2.000 năm mưa nắng mài mòn, mà ngôi mộ còn cao bằng ngôi nhà 2 tầng, rộng cả ngàn mét vuông, đủ biết, gần 2.000 năm trước, ngôi mộ này to lớn như thế nào.


Vậy câu hỏi đặt ra là liệu trong lòng ngôi mộ này có còn cổ vật, châu báu hay không? Câu trả lời thường là chả còn gì. Trông qua phần đầu vòm cuốn, có thể thấy ngôi mộ đã bị xâm phạm nhiều lần. Theo ông Tăng Bá Hoành, hàng ngàn năm qua, không ít lần xã hội loạn lạc, đất nước chiến tranh, nên hầu hết các ngôi mộ Hán khổng lồ như thế này đã bị đào bới, xâm phạm và bị lấy hết tài sản từ hàng ngàn năm trước rồi.
Dù ngôi mộ đã bị đào bới, xâm phạm, song đây vẫn là ngôi mộ cực kỳ nguyên vẹn, quý hiếm. Một ngày không xa, khi đất nước có đủ điều kiện bảo tồn, khai quật, các nhà khảo cổ bóc gò đất, mở ngôi mộ này ra giữa thanh thiên bạch nhật, để người dân tham quan tìm hiểu, các nhà khoa học nghiên cứu, thì tuyệt vời biết bao! Những công trình kỳ vĩ dưới lòng đất như mộ Hán, vẫn còn là một loại di sản đầy bí ẩn ở Việt Nam.
Phạm Ngọc Dương (theo vtc)​
 
Back
Top