Xử lý cảnh nóng không đơn thuần mô tả lại việc sinh hoạt tình dục trên màn ảnh, để cảnh ấy thực sự điện ảnh phải cần đến tay nghề, trình độ thẩm mỹ, cảm xúc và rất nhiều yếu tố.
Những ngày qua, báo chí rầm rộ tranh cãi và bình luận về chuyện cảnh nóng nên để 5 giây, hay lâu hơn thế? Tôi đã từng trả lời về sự việc này, rằng, đứng từ góc nhìn của tôi – một người cũng có mặt tại buổi hội thảo, tôi cho rằng, báo chí đã tiệm cận vấn đề một cách thiếu khách quan và thiếu thiện chí.
Cảnh nóng của Johnny Trí Nguyễn và Ngô Than Vân trong Bẫy rồng.
Ngay tại buổi hội thảo, ông Duy Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh đã nói, sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của tôi về dung lượng cảnh nóng và sẽ chỉnh sửa cho phù hợp. Chưa có bất kỳ quyết định nào được đưa ra. Tất cả mới chỉ là dự thảo, chưa ban hành.
Nhưng dường như chuyện này đã bị lờ đi trên các báo?
Cảnh nóng trong điện ảnh nhờ thế cũng được mang ra bình luận, mổ xẻ rất ồn ào và chi tiết.
Cảnh nóng trong điện ảnh tất nhiên không chỉ đơn thuần là một sự miêu tả lại việc sinh hoạt tình dục trên màn ảnh, để cảnh ấy thực sự “nóng”, thực sự “điện ảnh” phải cần đến rất nhiều yếu tố cộng hưởng, trong đó có trình độ của đạo diễn, tính thẩm mỹ, cảm xúc, góc máy, tay nghề của quay phim…
Nếu là một cảnh nóng dung tục, phản cảm, chỉ một giây thôi cũng là… quá lâu và quá nguy hiểm. Nếu là một cảnh nóng đẹp, giàu thẩm mỹ, giàu ẩn ý, giàu ngôn ngữ, thì 30 giây cũng là quá ngắn, quá nhanh.
Tôi cho rằng, cụm từ “cảnh nóng” đó là sự tương hỗ giữa người sáng tác (đạo diễn) và người thưởng thức, cảm nhận (khán giả). Cảnh nóng càng mang tính gợi mở, kín đáo, ý nhị, tinh tế càng có ý nghĩa, càng có sức mạnh khơi gợi, thấu hiểu với những biên độ khác nhau trong từng người xem khác nhau. Cảnh nóng càng… cụ thể, phô diễn, tục tĩu sẽ càng giảm biên độ cảm nhận trong mỗi người xem.
Trình độ của người làm phim càng cao, và trình độ thưởng thức của khán giả càng cao, cảnh nóng sẽ càng được hiểu theo những ngôn ngữ tính tế, đẹp đẽ.
Đạo diễn kỳ cựu Thanh Vân.
Xử lý một cảnh nóng đòi hỏi rất nhiều thứ ở người đạo diễn. Tôi đã từng làm phim Trái tim bé bỏng, bộ phim kể về một cô gái quê, vì số phận đưa đẩy đã phải trở thành gái bán hoa. Cô ấy sinh ra trong một gia đình nghèo, thường rất thích ăn kem, và mỗi khi mua được một que kem phải chạy cả chặng đường dài, qua bãi cát nóng mênh mông để đưa được kem về nhà.
Khi quay cảnh lần đầu tiên phải “bán hoa”, tôi đã để cho cô ấy nằm trên một vũng kem đang tan chảy đầy màu sắc. Cảnh nóng trong phim của tôi chỉ là vậy, tôi muốn người xem tự thưởng thức, tự hiểu, tự cảm nhận theo những cách của riêng mình. Nếu khán giả hiểu được đúng ý đồ của đạo diễn, đó là điều quý nhất. Nhưng nếu khán giả không hiểu theo ý đạo diễn, thì ít ra, cảnh nóng đó cũng không thô tục, không phản cảm.
Trong Trái tim bé bỏng tôi cũng để một cảnh tắm của nhân vật khá dài, trước khi cô ấy phải đi khách. Tôi yêu cầu quay phim phải quay thật trong, thật đẹp. Để khán giả có thể thấy hết được sự trong trẻo, thuần khiết của nhân vật, trước khi cô ấy sa chân vào bùn lầy.
Đã là đạo diễn (không kể những kẻ mạo danh đạo diễn) ai cũng muốn phim đẹp trong từng cảnh quay. Trong đó những cảnh nóng sẽ càng phải đầu tư, chăm chút.
Chính vì thế, không nên quy định về dung lượng cho cảnh nóng. Cảnh nóng dài hay ngắn không nằm ở 3 giây, 5 giây, hay 30 giây, 1 phút. Cảnh nóng dài hay ngắn nằm ở vẻ đẹp, tính thẩm mỹ và giá trị trong ngôn ngữ kể chuyện của tác phẩm điện ảnh.
Câu chuyện về cảnh nóng có lẽ cũng nên khép lại ở đây như vốn đã được khép lại ngay tại buổi hội thảo (về các dự thảo) của Cục Điện ảnh. Họ đã tiếp thu, đã chỉnh sửa một cách thiện chí. Vậy tại sao chúng ta lại không thể thiện chí với họ?
Theo Zing