Chuyện đặt tên phim, tên sách, tên kịch luôn là đề tài nói mãi không hết. Các nhà sản xuất luôn lấy ý kiến nhiều người trước khi quyết định, nhưng không dễ làm hài lòng mọi người.
Một người dùng Facebook mới đây đưa lên status (dòng trạng thái) phản ứng gay gắt về tên phim Em là bà nội của anh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh). Không cần trích nguyên văn status này bởi nó khá cực đoan. Tuy nhiên, status đã có 195 người like (thích) và rất nhiều comment (bình luận).
Bức xúc trước thái độ đó, một bạn khác có nick là Andy Phan đã comment: “Phim được dựa theo kịch bản gốc của Hàn Quốc với tựa đề tiếng Anh làMiss Granny. Bây giờ lấy tựa đề Em là bà nội của anh thì có sao đâu?”.
Một cảnh trong phim Em là bà nội của anh. Ảnh: ĐPCC.
Đây không phải là lần đầu tiên những cái tên bị đem ra tranh cãi. Còn nhớ cuốn sách Xin lỗi em chỉ là con đĩ của nhà văn Tào Đình khi được chuyển thể thành kịch đã phải bỏ đi chữ cuối, chỉ lấp lửng Xin lỗi em chỉ là… Dự án phimLưu manh đầu bếp khi chuẩn bị phát hành cũng phải đổi thành một cái tên nghe khá “trớt quớt” là Xui mà hên.
Khi làm phần hai của Để Mai tính, các nhà làm phim đã đặt tên dự án là Để Hội tính, thế nhưng khi sắp phát hành, nghe nói chữ Hội dễ gây hiểu lầm (?) nên cuối cùng phim được đặt là Để Mai tính 2.
Dự án Scandal của đạo diễn Victor Vũ cũng không mang cái tên thuở ban đầu mà khi phát hành có thêm một cái đuôi dài: Scandal – Bí mật thảm đỏ. Kịch bản ban đầu của Âm mưu giày gót nhọn vốn có cái tên đơn giản: 6 inches.
Trong những cuộc trò chuyện bên lề các buổi chiếu phim, nhiều nhà sản xuất chia sẻ, khi đặt tên cho dự án phim mà họ chuẩn bị sản xuất, họ luôn làm “test” (lấy ý kiến) phản ứng của khán giả với tên phim theo các mức độ yêu thích, bình thường hoặc không thích.
Lựa chọn trên tiêu chí đó giúp cho những nhà sản xuất yên tâm phần nào khi thực hiện các công đoạn tiếp theo. Nhưng đó cũng chỉ là một phần, bởi có khi khán giả thích đấy nhưng vì nhiều lý do “nhạy cảm”, tên phim sẽ không còn giữ được như mong muốn, thậm chí phải thay tên đổi họ ở phút cuối cùng.
Chắc nhiều người khó quên cái tên phim rất dài có lẽ là đặc biệt nhất: Hot boy nổi loạn hay câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt. Lương Mạnh Hải, tác giả kịch bản này, khoái chí nhớ lại: “Tại vì trước đó có phimCông chúa teen và ngũ hổ tướng ăn khách nên mới nghĩ là tên phim cũng quan trọng với chuyện ăn khách đây.
Tên phim phải hot, thời thượng nữa, thế là có Hot boy nổi loạn. Nhưng đạo diễn Vũ Ngọc Đãng lại viết 20 trang Thằng cười cô gái điếm và con vịt nên ghép vào. Mà cô gái điếm thì có vẻ hơi nhạy cảm nên cũng suy nghĩ không biết đổi thành… cô gì bây giờ. Lúc đó nghĩ thôi cứ tạm đặt thế nhưng sau để luôn vì thấy cũng ấn tượng. À, khi ấy các diễn đàn điện ảnh cũng nháo nhào tranh cãi. Mà giờ thì thành mốt”.
Nguyễn Hoàng Điệp – đạo diễn đang sở hữu hai tên phim rất “điệu” là Đập cánh giữa không trung cùng Câu chuyện buồn nhất thế gian (dự án) – lý giải: “Tôi luôn thích những cái tên dài và có âm điệu. Nên tôi cố tìm cách để cái tên Đập cánh được kéo dài ra thành Đập cánh giữa không trung. Cái tên này cũng lạ.
Sau này khá nhiều bài phê bình nước ngoài cũng nói rằng dường như ý tưởng của phim đã nói chính xác trong tên phim. Và quả là tôi có mong muốn đấy thật. Còn Câu chuyện buồn nhất thế gian ư?
Tôi thích Người chết trôi đẹp nhất thế gian của Gabriel García Márquez – một cái tên ám ảnh. Mà tôi thích phim sau sẽ có tên dài, có cảm giác buồn bã, có tính kể chuyện bên trong nên mới thành Câu chuyện buồn nhất thế gian!”.
Trở lại chuyện tranh cãi về tên phim Em là bà nội của anh, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh – người đã “bàng hoàng” khi đọc dòng status nói trên – chia sẻ: “Tên phim này xuất hiện tình cờ, tôi thấy nó vừa buồn cười vừa gây tò mò “vì sao “em” mà có thể là “bà nội” của anh được”, nhưng nó cũng rất tình cảm, lãng mạn, kiểu những người yêu nhau thường gọi nhau bằng những biệt hiệu nghe có vẻ rất dữ dội nhưng thật ra rất thắm thiết, như “em là sư tử Hà Đông của anh”, “em là con lợn nái sề của anh” hay “em là bà nội của anh”.
Tôi cũng ý thức được đây là một tựa phim gây tranh cãi, bởi tôi đặt tên phim trên quan điểm nghĩ rằng đối tượng khán giả của phim cũng như mình, là những người hài hước, cởi mở, lãng mạn để thấy đây là một tựa phim dí dỏm, dễ thương, gần gũi và thú vị. Nhưng cùng lúc, nếu người tiếp nhận là người quá nghiêm túc, khó chịu, họ sẽ thấy đây là tựa phim vớ vẩn, kệch cỡm, hỗn xược.
Tôi nghĩ chiều lòng tất cả mọi người vốn là chuyện bất khả thi. Tôi chọn tựa phim cho những người vui vẻ, lãng mạn và nếu khán giả là người quá nghiêm túc, không thể mở lòng chấp nhận điều ấy thì mình cũng đành chịu”.
Đúng là cái tựa phim chưa thể nói lên điều gì, phim hay hay dở phải chờ xem rồi mới biết. Nhưng tranh cãi về tên phim có lẽ cũng giống việc tranh cãi đặt tên cho… con mình thế nào, ra sao. Con mình thì mình có quyền quyết định, thế mà nhiều khi cái tên riêng còn bị “ném đá” thì sá gì một cái tên phim!
Theo Cát Khuê/Tuổi Trẻ