T
T$
Guest
Với nhiều gia đình, chiếc tủ lạnh được xem như chiếc chạn đựng thức ăn. Hậu quả là tủ lạnh trở thành nơi tập kết của vô số vi khuẩn có hại cho sức khỏe gia đình.
Vừa ô nhiễm vừa hại máy
Hàng ngày, đồ ăn thừa sau các bữa ăn được nhiều người để nguyên trên đĩa, bát vừa bày trên bàn ăn và đưa vào tủ lạnh bảo quản cho bữa ăn hôm sau. Thậm chí, nhiều món ăn có mùi, độ mặn như bát nước mắm, đĩa cá kho ăn còn thừa cũng “vô tư” để vào tủ lạnh mà không hề được đậy nắp hay túi bóng bảo quản.
Không những thế, nhiều người có thói quen cho tất cả đồ ăn vào tủ lạnh khi đi chợ về mà không cần rửa hay sơ chế qua. Những túi đồ ăn này dính nhiều chất bẩn được lê la khắp chợ hay nước từ đồ ăn vô hình đã chảy, dính khắp tủ lạnh. Những quả trứng gà, vịt được mua về vẫn còn bám dính vết bẩn từ chuồng nuôi được xếp gọn gàng vào tủ mà không cần phải rửa sạch.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Trung tâm nhiệt lạnh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh là cách làm khoa học. Tuy nhiên, không vì thế mà lạm dụng tủ lạnh, xem nó như chiếc tủ thần kỳ bảo quản gì cũng được. “Với nhiệt độ trong tủ lạnh, vi khuẩn chỉ ngừng hoặc giảm hoạt động chứ không diệt được vi khuẩn. Thậm chí, hiện nay có nhiều loại vi khuẩn ưa lạnh, ở nhiệt độ -20 đến -30 độ chúng vẫn phát triển bình thường. Vì thế, cần bảo quản và vệ sinh đúng cách trước khi đưa đồ ăn ra ngoài và ăn”, PGS Lợi cho biết.
Theo chuyên gia này, tuyệt đối không cho đồ ăn có mùi, độ mặn vào tủ lạnh mà không được đậy kín. “Nếu không được đậy kín, mùi đồ ăn gây ô nhiễm tủ. Chất mặn bay hơi được hút vào hệ thống dàn bay hơi, làm han gỉ quạt và dàn bay hơi. Ngoài ra, đậy thức ăn giúp đồ ăn không bị khô vì độ ẩm trong tủ lạnh chỉ khoảng 19%”, PGS Lợi cho biết.
Bảo quản đồ ăn đúng cách
The PGS Lợi, nên chia ngăn tủ lạnh hợp lý tùy theo điều kiện gia đình để bảo quản đồ ăn đúng cách. Ngăn đá thường có nhiệt độ -10oC để bảo quản đồ ăn đông. Các ngăn dưới đều được phân ra đựng đồ ăn chín và đồ ăn sống, đựng hoa quả.. Ngăn càng gần trên nhiệt độ càng tăng, nên dùng để bảo quản đồ ăn sống, giúp thức ăn được tươi ngon.
Tất cả đồ ăn, hoa quả đều phải cho vào khay, hộp, túi bóng đựng và đậy kín tránh bay mùi, nước nhỏ ra khắp tủ lạnh. “Vi khuẩn từ các đồ ăn chưa được làm sạch, chín sẽ lẫn nhiễm vào các đồ ăn chín khác có trong tủ lạnh. Điều này rất nguy hiểm đến sức khỏe khi đồ ăn chín được đưa ra ăn mà không đun nấu lại. Vì thế, cẩn thận nhất nên đun lại trước khi ăn. Chỉ nấu phần có thể ăn hết, tránh nấu lại toàn bộ vừa tốn năng lượng vừa mất công”, PGS Lợi hướng dẫn.
Đồ ăn trong tủ lạnh không được giữ quá lâu. Nhiều đồ ăn bảo quản được 1 tuần như thịt, cá kho… nhưng cũng có những đồ ăn chỉ bảo quản được 1 ngày như canh, rau xào nếu không xử lý sẽ hỏng, thậm chí gây ra nhiều chất độc hại cho cơ thể. “Nhiều người nghĩ bỏ vào tủ lạnh đến khi nào có cũng được nhưng khi đưa ra ăn lại bị nhiễm độc. Các vi khuẩn vẫn phát triển gây nên nấm mốc, vi sinh chuyển hóa thành các chất gây độc cho cơ thể”, PGS Lợi cho biết.
Đối với hoa quả, rau củ cần lưu ý đến yêu cầu nhiệt độ bảo quản riêng. Ví dụ, hoa quả chưa được chín thực sự không nên để vào tủ lạnh. Hãy bỏ bên ngoài cho chín sinh học rồi mới cho vào, lúc này độ ngọt sẽ tăng thêm. Không để chuối vào tủ lạnh vì có thể gây thâm vỏ chuối. Rau không để sát phía trong tủ vì lạnh sẽ làm cho dễ bị nhũn, hỏng. Nên nhặt sạch rau, cho vào túi bóng trước khi để vào tủ. Khi đưa ra nấu nên rửa lại để loại bỏ các vi khuẩn có thể lẫn nhiễm và nảy nở. Thịt bò, sau khi mua về nên để vài ngày rồi hãy nấu để đủ độ chín sinh học, giúp thịt ngon, mềm hơn.
Để đỡ mất lạnh, tốn điện khi mở ra mở vào hay mất điện, nên để nhiều đồ ăn vào trong tủ. Riêng ngăn đá nên để nhiều đá đã được làm đông, độ lạnh từ đá sẽ giúp tủ tiết kiệm điện. Nếu ít đồ ăn trong tủ, có thể cho các miếng xốp, túi bóng vào kín tủ để giữ 90% nhiệt độ lạnh.
Theo Hiền Dung (KH&ĐS)