Những nét tương đồng trong nội dung hoặc cách thể hiện khiến một số phim điện ảnh Việt được gắn mác "phiên bản" của các phim nước ngoài nổi tiếng.
Đối với khán giả nước ta, cụm từ "phiên bản Việt" có lẽ không còn xa lạ. Những bộ phim như Ngôi nhà hạnh phúc hay Người mẫu là ví dụ điển hình cho phim "phiên bản Việt" được mua bản quyền và làm lại ở mảng truyền hình. Còn "phiên bản Việt" ở mảng điện ảnh hiếm được "Việt hóa" đúng nghĩa mà thường do khán giả so sánh, hoặc chính hãng phim tự gắn mác "phiên bản" để dễ quảng bá hơn. Dựa trên nội dung để tìm ra những nét tương đồng với phim gốc đình đám, nhiều phim điện ảnh "phiên bản Việt" được ra đời và nhận đủ khen – chê từ khán giả.
Bộ ba rắc rối – The Hangover
The Hagover là series phim hài cực nổi tiếng, kể về một nhóm bốn người bạn cùng du lịch Las Vegas trước đám cưới của một người trong nhóm. Tuy nhiên, sau một đêm say xỉn, chú rể tương lai đã mất tích nhưng không ai nhớ chuyện gì xảy ra vào tối hôm trước. Ba người còn lại bắt đầu tìm đầu mối để kiếm bạn của mình.
"The Hangover"
Bộ ba rắc rối vừa ra rạp gần đây cũng có mô-túyp như vậy, kể về ba cô gái, sau một đêm nhậu say bí tỉ, lúc tỉnh dậy không biết mình đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra tối hôm qua. Tuy nhiên, so với bản gốc, "phiên bản Việt" có vẻ thất bại trong việc chọc cười khán giả, kịch bản ngô nghê kèm câu chuyện thiếu sức hút khiến nhiều khán giả gọi Bộ ba rắc rối là phiên bản lỗi của The Hangover.
Tình + Tình - Fifty Shades of Grey
Một phim khác cũng vừa ra rạp gần đây: Tình + Tình được quảng bá rầm rộ là "50 sắc thái (Fifty Shades of Grey) phiên bản Việt" để thu hút dư luận. Tuy nhiên, đây lại là một thất bại nữa của điện ảnh Việt.
"Tình + Tình"
Fifty Shades of Grey (50 Sắc Thái) là bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên rất ăn khách. Nội dung xoay quanh chuyện phòng the của tỉ phú Christian Grey và bạn gái Anastasia Steele. Mặc dù thu hút được đông đảo khán giả trên toàn thế giới nhưng khi phim ra mắt đã bị chỉ trích dữ dội, điểm trên trang IMDb cực kỳ thấp, mặc dù vẫn thành công mặt doanh thu. Còn Tình + Tình dù được quảng cáo là "phiên bản Việt" của 50 sắc thái nhưng chẳng giống gì phiên bản gốc ngoài việc có nhiều cảnh nóng và… dở như nhau.
"Fifty Shades of Grey"
Tốc độ & đường cong – Fast & Furious
Không giấu ý định làm một "phiên bản Việt" của series phim đua xe cực nổi tiếng khắp thế giới:Fast & Furious, Tốc độ & đường cong khiến khán giả tò mò muốn xem thử, vì làm phim đua xe không hề dễ, nhất là với điều kiện thiết bị ở Việt Nam.
Một cảnh trong "Fast & Furious 7"
Tuy nhiên, Tốc độ & đường cong vẫn chưa khiến những người đam mê tốc độ hài lòng vì trong phim không xuất hiện nhiều phân cảnh đua xe nghẹt thở. Bù lại, phim được giới phê bình đánh giá cao do nội dung truyền tải tốt, diễn xuất của dàn diễn viên ở khá ổn cùng nhiều cảnh quay đẹp.
"Tốc độ & đường cong"
Tây du ký hậu truyện – Tây du ký
Những phim ăn theo Tây du ký vốn đã có nhiều bởi đây là một tác phẩm quá nổi tiếng đối với khán giả Việt Nam. Trong năm qua, điện ảnh Việt cũng cho ra đời một phiên bản Tây du ký hậu truyệndựa trên các nhân vật trong Tây du ký nhưng ở một thế giới và một câu chuyện khác.
"Tây du ký"
Tây du ký hậu truyện kể về hận thù giữa Bạch Cốt Tinh và Đường Tăng, những ân oán trước lúc Đường Tăng đi thỉnh kinh. Phiên bản Việt này thất bại vì sử dụng quá nhiều yếu tố hài nhảm, đường dây dẫn chuyện yếu, kém thu hút và kỹ xảo làm chưa tốt.
"Tây du ký hậu truyện"
Tèo Em – Due Date
Ngay khi poster và trailer được tung ra, nhiều người đã liên tưởng ngay Tèo em chính là "phiên bản Việt" của Due Date vì cùng một kiểu nội dung: hai người tính cách trái ngược nhau, buộc phải đồng hành trên một quãng đường dài.
Tuy nhiên, nhờ kịch bản được đầu tư kỹ lưỡng, dưới bàn tay đạo diễn của Charlie Nguyễn, cùng dàn diễn viên sáng giá như Thái Hòa và Johnny Trí Nguyễn, Tèo em đã gặt hái thành công lớn về doanh thu, phá vỡ các kỷ lục phòng vé trước đó. Tèo em có lẽ là phim phiên bản Việt thành công nhất.
"Tèo em"
Không nói được – Vị thần tình yêu
Dính nghi án đạo ý tưởng ngay khi vừa tung trailer đầu tiên, nhưng sau đó, phía sản xuất đã xác nhận Không nói được là phiên bản Việt của phim Thái Lan Vị thần tình yêu, sử dụng hợp pháp kịch bản phim gốc và Việt hóa cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
"Vị thần tình yêu"
Không nói được là một phim hài, câu chuyện tuy không quá hấp dẫn nhưng có ý nghĩa. Dù những chiêu gây cười trong phim không xuất sắc nhưng vẫn mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả teen và người không quá khắt khe.
"Không nói được"
Em là bà nội của anh – Miss Granny
Mới đây, thêm một dự án điện ảnh nữa vừa "lộ diện" đã bị nghi ngờ là phiên bản Việt của bộ phim từng gây sốt các rạp chiếu Châu Á năm 2014: Miss Granny (Ngoại già tuổi đôi mươi).
Em là bà nội của anh - ngay từ tên phim đã có sự tương đồng, đến nội dung cũng có phần trùng khớp. Trong Em là bà nội của anh, mối tình tay ba được tiết lộ giữa chàng trai trẻ chơi đàn trong ban nhạc – cô ca sĩ – nhà sản xuất âm nhạc. Cả ba nhân vật này đều xuất hiện trong Miss Granny và có mối quan hệ giống hệt. Tuy nhiên, chi tiết then chốt: cô ca sĩ có phải là bà của chàng nhạc công "hồi xuân" hay không thì chưa được xác định.
Trường hợp của Em là bà nội của anh vẫn chưa thể khẳng định có phải phiên bản Việt của Miss Granny hay không vì thông tin khá mơ hồ. Thế nhưng, nếu có phải thì hi vọng đây sẽ là một phiên bản ra trò.
Kết
Không khó hiểu khi có nhiều phiên bản Việt của các phim đình đám thế giới. Bởi việc tận dụng kịch bản, hướng đi vốn đã được công nhận, có thể giúp các phim phiên bản Việt có cơ hội thành công nhiều hơn hoặc ít nhất cũng thu hút sự chú ý của khán giả từng yêu thích bản gốc.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ít phim thành công mà lắm phim thất bại, nên "phiên bản Việt" không phải "liều thuốc tiên", cứ ăn theo thì được khán giả ủng hộ. Tận dụng tốt những ý tưởng, điểm mạnh của bản gốc, vận dụng khéo léo vào bối cảnh, ứng với văn hóa, con người Việt Nam thì mới có cơ may thành công.
Theo Phong Vân & Trang Duy / Trí Thức Trẻ