‘Cô dâu 8 tuổi’ suýt bị cấm chiếu

KuteJac

Newcaster





Kể từ lúc chính thức lên sóng kênh Colors TV của Ấn Độ ngày 21/7/2008, phim "Balika Vadhu" (tựa gốc của "Cô dâu 8 tuổi") xác lập kỷ lục phim truyền hình dài tập nhất tại Ấn Độ.



Theo nhật báo Times of India, suốt bảy năm qua bộ phim nói về nạn tảo hôn ở vùng nông thôn hẻo lánh bang Rajasthan, tây bắc Ấn Độ, vẫn tiếp tục thu hút một lượng khán giả của riêng nó.



Với 1.928 tập và vẫn đang còn tiếp diễn, Cô dâu 8 tuổi trở thành phim truyền hình dài tập nhất tại Ấn Độ khi vượt qua kỷ lục 1.833 tập trước đó của phim truyền hình Kyunki… Saas Bhi Kabhi Bahu Thi.



Thế nhưng ít ai biết Cô dâu 8 tuổi từng bị yêu cầu cấm chiếu vì cho rằng đã vi phạm Hiến pháp Ấn Độ khi đưa lên màn ảnh câu chuyện về tình trạng tảo hôn.



co-dau-8-tuoi-suyt-bi-cam-chieu-909f41.jpg



Dàn diễn viên của Cô dâu 8 tuổi. Ảnh: Hindustantimes.



Theo báo ExpressIndia, vào năm 2009 chủ tịch Đảng Janata Dal là ông Sharad Yadav từng đề xuất cấm Cô dâu 8 tuổi nhưng Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Ấn Độ lúc bấy giờ là bà Ambika Soni nhấn mạnh rằng chính phủ Ấn không ngăn cản “quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt” của người dân.



Sau đó, Quốc hội Ấn Độ vẫn quyết định cho phép Cô dâu 8 tuổi lên sóng. Sự việc này vô tình khiến bộ phim lại càng thu hút dư luận hơn.



Theo thống kê của trang Wikipedia, trong bốn năm liên tiếp kể từ thời điểm phát sóng đầu tiên (2008-2011), Cô dâu 8 tuổi nhận được các giải thưởng lớn trong lễ trao giải Indian Telly Awards thường niên dành cho các chương trình truyền hình đặc sắc nhất tại Ấn Độ.  



Cảnh báo về sự… “nhạt”



Tuy nhiên báo Hindustantimes cũng ghi nhận thực tế khác với những năm đầu khi Cô dâu 8 tuổi mới lên sóng, các khán giả trung thành có thể miệt mài kiên nhẫn theo dõi hành trình lớn lên của cô bé Anandi với ba diễn viên tham gia đóng, thì nay hình như “sự đeo đuổi” này đã bớt phần nồng nhiệt.



Gần đây khi bộ phim tiếp tục được phát triển theo hướng con gái của Anandi cũng sa vào cảnh ngộ tảo hôn giống hệt mẹ, nhiều khán giả Ấn cho rằng cách đi của cốt truyện phim như thế chẳng khác nào kiểu “bình mới rượu cũ”.



co-dau-8-tuoi-suyt-bi-cam-chieu-631ed3.jpg



Tỉ lệ người xem Cô dâu 8 tuổi tại Ấn Độ có giảm đi vào cuối những năm 2000 nhưng tăng trở lại vào cuối năm 2013. Ảnh: Hindustantimes.



Trong một bài viết, báo Hindustantimes cho rằng nhiều khán giả quen thuộc của phim truyền hình trong nước nói họ có cảm giác những bộ phim truyền hình dài tập "hình như không bao giờ có điểm kết thúc".



Các tập phim nối tiếp năm ngày một tuần, hơn 50 tuần một năm và rồi năm nọ nối tiếp năm kia cả thập kỷ khiến nhiều người dân Ấn bảo họ xem phim truyền hình vì thói quen hơn là sở thích.



Ngoài Cô dâu 8 tuổi, những bộ phim truyền hình kéo dài hơn bốn năm tại Ấn Độ còn có phim Taarak Mehta Ka Ooltah Chashmah (chiếu sáu năm với 1.500 tập), phim Diya Aur Baati Hum vừa đạt mốc 1.000 tập đã lên sóng suốt bốn năm qua và phim Yeh Rishta Kya Kehlata Hai dài 1.650 tập phát sóng trong sáu năm.



Không phải ngẫu nhiên mà báo Hindustantimes thẳng thắn đề nghị “nhà đài” nên cân nhắc việc chấm dứt năm seri phim truyền hình được cho là “thử thách lòng kiên nhẫn quá mức” của người xem là các phim: Qubool Hai (phát sóng từ năm 2012), Balika Vadhu (tức Cô dâu 8 tuổi - từ 2008), Yeh Rishta Kya Kehlata Hai (từ năm 2009), CID (từ 1998) vàSaath Nibhaana Saathiya (từ năm 2014).



Theo đánh giá của Hãng nghiên cứu truyền thông TAM tại Ấn Độ, trong số năm bộ phim nói trên, Cô dâu 8 tuổi hiện có số khán giả theo dõi thấp nhất theo bảng xếp hạng điều tra thị hiếu người xem.



co-dau-8-tuoi-suyt-bi-cam-chieu-26a559.jpg



Bảng xếp hạng năm bộ phim báo Hindustantimes cho rằng nên chấm dứt vì quá dài của TAM. Ảnh: Hindustantimes.



Theo D. Kim Thoa/Tuổi Trẻ 











 
Back
Top