Tiếp nối thành công của “Cảnh sát hình sự”, “Câu hỏi số 5” – phần mới của loạt phim này tiếp tục cuốn hút khán giả truyền hình với nội dung ly kỳ, hấp dẫn.
Câu hỏi số 5 có góc máy quay đa dạng, kỹ xảo hoàn hảo, diễn viên diễn xuất sinh động – những yếu tố làm nên thương hiệu của loạt phim này.
Cảnh trong phim Cảnh sát hình sự – Câu hỏi số 5.
Câu hỏi số 5 bắt đầu từ thời điểm thượng úy Phong, nhân vật trong phim, được thăng chức đội trưởng đội trọng án sau khi bắt sống ông trùm Quý “bố già”, triệt phá băng đảng tội phạm khét tiếng Thiên Cơ. Đúng lúc này, anh phải đối đầu một vụ án khó khăn nhất từ trước đến nay: truy bắt một kẻ giết người hàng loạt. Bốn án mạng liên tiếp xảy ra và có điểm chung là hung thủ luôn để lại một câu hỏi tại hiện trường.
Trong quá trình điều tra và đến với Câu hỏi số 5, Phong dần phát hiện những vụ án này chỉ là kế dương Đông kích Tây, đánh lạc hướng nhân viên điều tra để các phần tử tàn dư của băng đảng Thiên Cơ có cơ hội giải thoát cho đại ca của chúng đang trong trại giam. Vụ án càng thêm khó khăn hơn với Phong khi trong những người liên quan còn có cả Thủy – người mà anh đem lòng yêu mến. Bên cạnh đó, những đàn em của Quý “bố già” như Linh “lam”, Linh “công tử” liên tiếp có các thủ đoạn tàn độc khiến cuộc đấu tranh của lực lượng cảnh sát hình sự ngày càng cân não.
Trong mỗi tập, bộ phim cứ thế tung ra những tình tiết ly kỳ, thu hút sự tò mò và khuấy động cảm xúc của khán giả. Ở Câu hỏi số 5, đạo diễn Bùi Quốc Việt đã thể hiện theo lối làm phim hình sự của Mỹ, từ tạo tình huống, các pha hành động đến tiết tấu, nhịp độ trong từng phân đoạn. Cấu trúc tuyến tính với một số đoạn hồi tưởng giải thích cho tình tiết đang và sắp diễn ra khiến bộ phim hấp dẫn ở cách các nhân vật lần giở từng nút thắt – mở tiếp nối trong các vụ án.
Phim còn tạo lập một số không gian kinh dị nhằm tăng ép-phê cho câu chuyện mà ở các phần trước của Cảnh sát hình sự chưa đạt đến. Những hình ảnh khám nghiệm tử thi, thi thể nằm trên vũng máu được đạo diễn đưa vào phim vừa đủ và chân thực. Ngoài các diễn viên, lực lượng cảnh sát, bác sĩ giỏi nghề được mời tham gia phim để quay những phân đoạn cần chuyên môn cao.
Làm nên thành công của Câu hỏi số 5 không thể không nói đến phần diễn xuất của diễn viên. Số lượng nhân vật đông đảo nhưng phần chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn và khả năng sáng tạo của dàn diễn viên đều đem lại sức sống động hiếm thấy cho các nhân vật, từ vai diễn lớn đến vai diễn nhỏ.
Tiến Lộc, Kiều Thanh, Chí Nhân – những diễn viên đang “làm mưa làm gió” trên màn ảnh nhỏ – đã gây thêm ấn tượng với khán giả qua vai Phong, Linh “lam”, Linh “công tử”. Khả năng diễn xuất của những diễn viên này đã tạo nét riêng biệt không thể nhầm lẫn ở bất kỳ bộ phim nào. Họ luôn có những tạo hình mới mẻ cho nhân vật của mình.
Sau thành công với bộ phim Chạm tay vào nỗi nhớ, Tiến Lộc được đạo diễn Bùi Quốc Việt tin tưởng giao vai nam chính trong Câu hỏi số 5. Trong phim, Tiến Lộc đảm nhận vai Phong – đội trưởng đội trọng án, là một cảnh sát mẫu mực và tài năng. Nhân vật Phong và Minh trong “Chạm tay vào nỗi nhớ” đều là những vai chiến sĩ cảnh sát chính trực, thẳng thắn của Tiến Lộc. Để nhân vật mình đảm nhận nổi bật, Tiến Lộc không ngừng cố gắng tạo nên sự khác biệt giữa Phong và Minh.
Cùng với vai Kiều Loan trong phim Khi đàn chim trở về 3, đang phát sóng trên VTV1, khán giả tiếp tục gặp Kiều Thanh với một vai phản diện mới trong Câu hỏi số 5. Đó là Linh “lam” – một phụ nữ sắc sảo, thủ đoạn. Chia sẻ về vai diễn, Kiều Thanh cho biết chị đã phải học rất nhiều kỹ năng, kể cả cách sát thủ bằng dao lam.
Một trong những gương mặt khác cũng khá “hot” gần đây là Chí Nhân. Để đảm nhận vai Linh “công tử” xuất sắc trong phim, anh đã phải lột xác về mặt tạo hình nhân vật. Chí Nhân không còn là anh chồng có phần nhu nhược khi vướng mắc vào chuyện ngoại tình của Hôn nhân trong ngõ hẹp mà trở thành dân xã hội đen thực thụ hung hăng, đầy mưu mô, thâm hiểm.
Bộ phim đã đi được nửa chặng đường nhưng độ ly kỳ, hấp dẫn trong từng tập đang tăng lên và ngày càng cuốn hút khán giả. Câu hỏi số 5 đang ghi thêm điểm cộng cho dòng phim hình sự của Việt Nam.
Theo Quỳnh Ly/ Người lao động