Giống như “Daredevil”, series truyền hình mới của Marvel Studios mang phong cách đen tối, có không khí hoàn toàn khác biệt so với các tác phẩm điện ảnh siêu anh hùng của họ.
Sau thành công của các phim điện ảnh như The Avengers (2012) hay Captain America: The Winter Soldier (2014), Marvel Studios bất ngờ tuyên bố hợp tác với kênh Netflix. Theo thỏa thuận, hai bên cùng nhau sản xuất năm series làDaredevil, Jessica Jones, Luke Cage, Iron Fist và The Defenders.
Tất cả đều thuộc Marvel Cinematic Universe và đây được cho là chính sách quan trọng giúp Marvel chống lại sự độc quyền của đối thủ DC trên sóng truyền hình. Sau Daredevil hồi tháng 4, Jessica Jones là series thứ hai trình làng người hâm mộ trong thời gian qua.
Jessica Jones là series truyền hình mới nhất của Marvel Studios, được phát sóng trên kênh Netflix.
Jessica Jones - góc nhìn mới lạ về thế giới siêu anh hùng
Giống như Daredevil, Jessica Jones đem tới góc nhìn mới lạ về thế giới siêu anh hùng Marvel. Bên dưới tòa tháp Avengers hùng vĩ là thành phố New York đầy góc khuất. Đó là New York với những hang ổ dơ bẩn của lũ tội phạm hàng ngày đục khoét cuộc sống của người dân vô tội, là chốn náu thân của đám con nghiện vật vờ trong làn khói thuốc. Tại đó, những siêu anh hùng đường phố như Daredevil hay Jessica Jones phải tự thân hoạt động, không được chính phủ hay S.H.I.E.L.D. hỗ trợ.
Trái với nhiều phim siêu anh hùng khác, Jessica Jones có cách tiếp cận phi tuyến tính. Ngay từ tập đầu tiên, nhân vật chính đã sở hữu siêu năng lực, còn nguồn gốc của nó được giải thích dần bằng những cảnh quay đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Lối kể chuyện ấy đòi hỏi người xem phải tập trung, ghi nhớ các tình tiết để hiểu được trọn vẹn câu chuyện.
Sở hữu siêu sức mạnh nhưng Jessica Jones (Krysten Ritter) lại chọn cuộc sống lặng lẽ của một thám tử tư. Trong lúc tìm kiếm một cô gái mất tích, Jones vô tình giáp mặt kẻ thù cũ là Kilgrave (David Tennant) – siêu ác nhân có năng lực điều khiển người khác. Cùng người chị em nuôi Trish Walker (Rachael Taylor) và người tình Luke Cage (Mike Colter), Jessica Jones phải chiến đấu chống lại cả Kilgrave lẫn nỗi ám ảnh trong quá khứ.
Jessica Jones tiệm cận tuýp nhân vật anti-hero (phản anh hùng). Đây là điểm mới mẻ đối với Marvel Studios.
Cách phát hành kiểu tung ra 13 tập cùng lúc của Netflix giúp các series đến từ họ thoát khỏi khuôn mẫu phim truyền hình. Thay vì phải nhồi nhét chiêu thức câu kéo lượng người xem ở mỗi tập phim, nhà làm phim Melissa Rosenberg có cơ hội thoải mái sáng tạo và đảm bảo tính liền mạch của toàn bộ tác phẩm. Kết quả là 13 tập phim Jessica Jones chỉn chu như một tác phẩm điện ảnh kéo dài 12 tiếng.
Qua hàng loạt phim điện ảnh và truyền hình, Marvel Studios ngày một thu hút nhiều người hâm mộ hơn nhờ sự đa dạng trong phong cách. Nếu như Captain America: The Winter Soldier giống phim điệp viên hiện đại, thì Guardians of the Galaxy lại như cuộc phiêu lưu ngoài không gian trên nền nhạc thập niên 1980. Còn nếu Daredevil mang màu sắc phim tội phạm, thì Jessica Jones lại mang âm hưởng của thể loại trinh thám.
Một số cảnh quay trong Jessica Jones khiến người ta có thể liên tưởng đến tác phẩm kinh điển Chinatown (1974), khi cả hai nhân vật chính đều là thám tử tư, chuyên đi soi mói cuộc sống kẻ khác. Cũng như Jack Gittes, Jessica Jones bề ngoài là kẻ lõi đời và ngạo mạn, nhưng bên trong lại chứa chất nhiều uẩn khúc. Cô mất đi cả gia đình trong một tai nạn xe hơi. Sau khi được nhận làm con nuôi, Jessica Jones phải sống dưới cái bóng của người chị em Trish Walker, cũng như hứng chịu sự ghẻ lạnh từ mẹ đẻ của Trish. Đó là chưa kể đến nỗi ám ảnh trong quãng thời gian cô bị Kilgrave khống chế.
Chuyện tình giữa Jessica Jones và Luke Cage có nhiều chuyển biến hấp dẫn, logic.
Bước đột phá của nữ chính Krysten Ritter
Sinh năm 1982, Krysten Ritter sở hữu nét đẹp bí ẩn, pha chút ma mị, gần giống như minh tinh Eva Green. Series Jessica Jones được xem là bước đột phá trong sự nghiệp của cô sau gần 15 năm tìm kiếm vận may ở Hollywood. Từng đóng vai cô bạn gái nghiện hút của Jesse trong Breaking Bad, Krysten Ritter không khó thể hiện nhân vật có nội tâm đầy phức tạp.
Sự đau khổ trong quá khứ biến Jessica Jones thành kẻ gan góc, trải đời. Có thể xem cô là nhân vật đầu tiên trên màn ảnh của Marvel Studios tiệm cận khái niệm anti-hero (phản anh hùng). Cá tính ngang tàng của nhân vật thể hiện qua những câu nói đốp chát, hành động bất cần, và cả nhiều pha làm tình điên dại với người tình Luke Cage. Cả hai ban đầu bị thu hút vào nhau bởi bản năng. Nhưng khi câu chuyện tiến triển, họ thực sự phát triển tình cảm và dành lòng nể phục cho nhau.
Series Jessica Jones có tiết tấu chậm rãi, đôi lúc tới mức rề rà. Kịch tính chỉ được đẩy cao từ khi nhân vật Kilgrave lộ mặt. Gã có khả năng kiểm soát người khác nhờ loại virus tiết ra từ chính cơ thể, rồi điều khiển họ bằng giọng nói. Với khả năng diễn xuất tài tình của tài tử Doctor Who David Tennant, nhân vật là một trong những kẻ phản diện đa chiều nhất của vũ trụ phim ảnh Marvel.
Kilgrave là vai diễn lột xác của ngôi sao Doctor Who.
Cũng phải trải qua bi kịch thời thơ ấu như Jessica Jones, nhưng Kilgrave lại trở thành kẻ bệnh hoạn về mặt tâm lý. Thay vì dùng năng lực để trở thành tỷ phú hay ông trùm, hắn có sở thích quái đản là hành hạ những cô gái trẻ. Điều khủng khiếp nhất là các nạn nhân của Kilgrave hoàn toàn ý thức được việc mình làm, nhưng họ vẫn phải theo tuân theo mệnh lệnh của hắn trong cơn tuyệt vọng. Cách Kilgrave thản nhiên bảo người khác tự sát hay nụ cười khoái lạc của hắn mỗi khi thỏa mãn dục vọng có thể khiến khán giả không khỏi rùng mình.
Ở một khía cạnh nào đó, có thể xem mối quan hệ giữa Jessica Jones – Kilgrave giống như Batman – Joker, một người hùng trong bóng đêm và một tên tội phạm tâm thần. Cả hai là kẻ thù không đội trời chung, nhưng dường như có một sợi dây vô hình nào đó gắn kết họ với nhau. Cách Kilgrave bày tỏ lòng khao khát được chiếm hữu Jessica Jones cũng đầy ám ảnh, hệt như khi Joker nói với Batman rằng: “Tao biết làm gì đây khi không có mày? Mày hoàn thiện con người tao”.
Bên cạnh hai nhân vật chính, dàn diễn viên phụ cũng để lại không ít ấn tượng. Có đất diễn nhiều nhất là Rachael Taylor trong vai Trish Walker, người chị em nuôi của Jessica Jones. Bị lôi kéo vào trận chiến của em nuôi, Trish không hề nhu nhược mà luôn tỏ ra mạnh mẽ, thậm chí có phần cứng đầu. Trong phần hai, cô nhiều khả năng trở thành nữ anh hùng Hellcat như ở nguyên tác truyện tranh.
Nhân vật nữ luật sư Jeri Hogarth của nữ diễn viên Carrie-Anne Moss thì gần như dẫn dắt mạch truyện độc lập. Nhà làm phim Melissa Rosenberg rất khéo léo khi biến một nhân vật nam trong truyện tranh thành phái đẹp, rồi chăm chút cho mối tình đồng tính của Jeri Hogarth chẳng kém gì cặp Luke Cage – Jessica Jones. Tất cả đều diễn ra tự nhiên, không hề gượng ép, khéo léo nêu cao tinh thần nữ quyền.
Trước khi tham gia Jessica Jones, Carrie-Anne Moss (trái) nổi tiếng với vai Trinity trongThe Matrix (1999).
Điểm trừ chấp nhận được
Nếu có điểm trừ nào dành cho Jessica Jones thì đó là phần hành động mới chỉ ở mức chấp nhận được. Vì quá nghiêng về tâm lý, loạt phim ít có những pha chiến đấu, và chúng vẫn thiên về lối cắt cảnh nhanh truyền thống. Khán giả từng hâm mộ những đúp quay dài mãn nhãn của Daredevil sẽ có chút thất vọng khi không được gặp lại chúng trong Jessica Jones. Bên cạnh đó, một số tình tiết còn thiếu logic, như cách hành xử của Jeri Hogarth trong tập 9 và 10, hoặc việc các nhân vật mãi đến gần cuối mùa mới nghĩ ra cách đối phó với Kilgrave.
Là tác phẩm thuộc Marvel Cinematic Universe, Jessica Jones chứa đựng không ít tình tiết liên quan đến truyện tranh hoặc các tác phẩm trước của Marvel Studios. Song, chúng đều được tiết chế ở mức vừa phải, không gây cảm giác bị phô. Tông màu u tối kiểu neo-noir, những trận làm tình cuồng dại và nhiều màn tra tấn tâm lý là điểm nhấn của toàn bộ loạt phim. Với Jessica Jones, Marvel Studios đã gặt hái thêm một thành công nữa trong lĩnh vực truyền hình và cho thấy họ hoàn toàn đúng đắn với lối đi táo bạo ấy.
Theo Zing