‘Những mảnh ghép cảm xúc’ – Đỉnh cao mới của Pixar

KuteJac

Newcaster


Tác phẩm hoạt hình dài thứ 15 từ xưởng hoạt hình lừng danh là điểm sáng đầy khác biệt trong một mùa hè tràn ngập các phim bom tấn hành động, siêu anh hùng, cháy nổ…



“Người ta chỉ có thể nhìn thấy thật rõ bằng trái tim. Cái cốt yếu thì mắt thường không thể nhìn thấy được”. Câu trích dẫn nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết Hoàng tử bé được cụ thể hoá bằng hình ảnh trong Inside Out - bộ phim về những mảnh ghép cảm xúc tồn tại trong mỗi chúng ta.



Phim là tác phẩm tiếp theo của đạo diễn Pete Docter sau Up (2009), kể lại câu chuyện cảm động về một cô bé trưởng thành, phải giã từ những kỷ niệm thời thơ ấu. Với kinh phí sản xuất 91 triệu USD, Inside Out không mấy khó khăn tạo ra cơn sốt khi xuất hiện tại phòng vé Bắc Mỹ trong trung tuần tháng 6.



nhung-manh-ghep-cam-xuc-dinh-cao-moi-cua-pixar-3930e4.jpg



Đạo diễn Pete Docter chọn năm cảm xúc Niềm vui, Nỗi buồn, Giận dữ, Chảnh chọe và Sợ hãi để lý giải cho tâm trí cô bé Riley.



Có nhiều yếu tố giúp câu chuyện của cô bé Riley thu hút không chỉ các em nhỏ mà cả những khán giả trưởng thành. Trên hết, đó là cách kể chuyện giàu cảm xúc của Pete Docter khi mô phỏng “những điều cốt yếu” qua lăng kính của trái tim thấu suốt.



Riley là một cô bé hồn nhiên, phải tạm biệt ngôi nhà cũ, rời xa thành phố tuổi thơ để chuyển đến nơi ở mới cùng gia đình. Trong quá trình thay đổi và thích nghi với cuộc sống mới, cô bé để lạc mất hai nhân tố cảm xúc chủ đạo là Niềm vui và Nỗi buồn. Riley trở nên bất hoà với mọi người, cũng như đánh mất hoàn toàn cảm giác cô đơn, mềm yếu.



Thay vào đó, những cảm xúc cực đoan như giận dữ, chảnh chọe và sợ hãi trong Riley cứ thế lớn dậy, khiến cô bé “xù lông xù cánh” trước mặt cha mẹ, bạn bè. Đến một ngày, Riley quyết định bỏ nhà ra đi với mong muốn tìm lại ký ức tuổi thơ cùng những tháng ngày tươi đẹp quá khứ. Hành trình đưa cô bé đến một cái kết có thể không như mong đợi, nhưng lại trọn vẹn và đầy ý nghĩa ở tuổi trưởng thành.



Ý tưởng của Inside Out chợt nảy ra trong Pete Docter khi nhà làm phim nhìn vào con gái bé bỏng của ông rồi băn khoăn tự hỏi rằng: cô bé đang nghĩ gì trong đầu nhỉ? Từ ý tưởng sơ khai ấy, các trạng thái của con người được cô đọng thành 5 cảm xúc chính: Niềm vui, Nỗi buồn, Giận dữ, Chảnh choẹ và Sợ hãi trong Inside Out. Pete Docter là đạo diễn, nhưng cũng là một người cha muốn lắng nghe, chia sẻ rồi mở cánh cửa bí mật bước vào thế giới tâm hồn con gái thông qua bộ phim hoạt hình dài hơn 90 phút.



nhung-manh-ghep-cam-xuc-dinh-cao-moi-cua-pixar-5220af.jpg



Nhờ nhân vật Bing Bong và nhiều chi tiết khác, Inside Out trở thành một tác phẩm vừa có thể khiến trẻ em cười, vừa có thể khiến người lớn khóc.



Mượn thế giới trẻ thơ để kể câu chuyện của người lớn là những gì Pete Docter đã thành công với Up cách đây 6 năm. Ông lặp lại điều tương tự vớiInside Out. Câu chuyện về những mảnh ghép cảm xúc, trên phương diện nào đó sẽ mang đến tiếng cười cho khán giả nhí khi nó minh hoạ và lý giải sinh động chuyện tại sao chúng ta cáu gắt khi bị bố mẹ ép ăn, tại sao chúng ta hoảng hốt mỗi khi làm điều có lỗi…



Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, bộ phim còn mang đến cả những giọt nước mắt cho khán giả lớn hơn, khi mô phỏng lại cuộc chia tay với “người bạn tưởng tượng”, với những dòng nhật ký… bởi ai rồi cũng phải lớn lên.



Một điểm bất ngờ của Inside Out là sự chuyển vai nhịp nhàng giữa hai nhân vật cảm xúc chính Niềm vui và Nỗi buồn. Nếu như ai cũng cho rằng Niềm vui là nhân tố cảm xúc quan trọng nhất, được săn đón nhất trong thế giới tinh thần, thì ở phần kết phim, các nhà làm phim lại chỉ ra một sự thật hoàn toàn khác. Nỗi buồn mới chính là hạt nhân của mọi cảm xúc, là lăng kính để chúng ta nhìn ra thế giới, là thước đo cho sự trưởng thành.



nhung-manh-ghep-cam-xuc-dinh-cao-moi-cua-pixar-4c5967.jpg



Niềm vui là cảm xúc ai cũng muốn có, nhưng Nỗi buồn cũng quan trọng không kém.Inside Out đã lý giải đầy thuyết phục cho luận điểm đó.



Tình huống bộ phim đặt ra gợi nhiều suy nghĩ cho người xem: liệu chúng ta có thể sống tốt hơn hay không khi trong tâm trí chỉ toàn là niềm vui, còn nỗi buồn thì tan biến? Chúng ta có thể quậy phá vui vẻ, nhưng điều gì sẽ khiến mỗi người cảm thấy nhớ nhà, thấy cô đơn hoặc cần một nơi chở che? Điều đó giúp Inside Out chinh phục đối tượng khán giả người lớn, những ai từng có thời là trẻ con, từng đi qua và cảm nhận ý nghĩa của sự mất mát.



Bởi vậy mà nhân vật có tạo hình ấn tượng nhất trong phim là Nỗi buồn. Cặp kính tròn, ánh mắt ủ rũ, thân hình ục ịch, chậm chạp và đặc biệt là màu da xanh đặc trưng của cô hẳn là những gì khán giả nhớ nhất sau khi phim khép lại. Niềm vui, Giận dữ, Chảnh choẹ và Sợ hãi, mỗi nhân vật cũng được cá tính hoá bằng cách khoác lên mình những sắc màu đại diện khác nhau. Tuy nhiên, so với Nỗi buồn, tạo hình của nhóm “đồng đội” chưa để lại nhiều ấn tượng.



Người bạn tưởng tượng Bing Bong, cậu bạn trai lý tưởng, chú hề gớm ghiếc cũng là các nhân vật cá tính và đáng yêu mà nhiều bạn nhỏ hẳn sẽ thích thú khi bắt gặp trong Inside Out. Trong khi đó, trường đoạn mô tả giấc mơ tại trường quay vô thức của Riley có thể khiến nhiều người lớn khoái chí, bởi họ được chứng kiến cách giấc mơ thành hình hệt như một bộ phim.




Trailer bộ phim 'Inside Out'



Hướng đến khán giả thuộc mọi lứa tuổi là tinh thần chung của Disney trong những năm gần đây. Dẫu vậy, một bộ phim dùng chính các nhân vật cảm xúc để lý giải cảm xúc trong mỗi cá nhân như Inside Out vẫn là một sự sáng tạo hiếm thấy. Câu chuyện về Riley và hành trình trưởng thành cùng những cảm xúc có thể chỉ dừng lại ở một cột mốc nào đó trong cuộc đời cô bé. Nhưng “những điều cốt yếu” đã được nhìn thấy bằng trái tim thì sẽ mãi khiến ta rung động, dù ở bất cứ độ tuổi nào.



Zing.vn đánh giá: 5/5



nhung-manh-ghep-cam-xuc-dinh-cao-moi-cua-pixar-63c468.jpg



Inside Out (tựa Việt: Những mảnh ghép cảm xúc) khởi chiếu trên toàn quốc từ 21/8.



Theo Zing









 
Back
Top