‘Timbuktu’: Bi kịch đến từ hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan

KuteJac

Newcaster


 Từ chỗ được mệnh danh là "thành phố vàng bên sa mạc Sahara", Timbuktu nay chỉ còn là một địa danh cằn cỗi, hằn dấu tích của xung đột tôn giáo và sắc tộc.



Với những ai yêu thích lịch sử hoặc du lịch, địa danh Timbuktu hẳn sẽ gợi lên hình ảnh một đô thị cổ kính, huyền bí giữa vùng sa mạc Sahara mênh mông với vô vàn ngôi nhà vuông vắn, phủ màu nâu sồng của đất nung, cùng nhiều đền thờ Hồi giáo mang hình dáng kim tự tháp cổ xưa.



Nhưng nếu không theo dõi tình hình thời sự Bắc Phi – một chủ đề hiếm khi được truyền thông nhắc tới, chắc không nhiều người ngờ rằng Timbuktu ngày nay chỉ còn là một thị trấn cằn cỗi, hoang tàn, hằn dấu tích của xung đột tôn giáo, sắc tộc.



timbuktu-bi-kich-den-tu-he-tu-tuong-hoi-giao-cuc-doan-909763.jpg



Timbuktu do đạo diễn Abderrahmane Sissako thực hiện, từng lọt vào vòng đề cử cuối cùng của hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar 2015.



Chỉ trong vỏn vẹn 5 năm, Timbuktu đã vài lần trở thành chiến địa giữa quân đội chính phủ Mali và phiến quân Hồi giáo cực đoan, những kẻ mong muốn dựng nên nhà nước riêng, được vận hành bởi bộ luật Sharia hà khắc. Bộ phim mang tên Timbuktu của đạo diễn Abderrahmane Sissako người Mauritania khắc hoạ khoảng thời gian buồn đau khi thị trấn cổ rơi vào tay nhóm phiến quân Ansar Dine có nguồn gốc du mục, mang tham vọng “giáo hoá” người dân mọi sắc tộc nơi đây bằng Sharia. Chúng đã tước đi của họ niềm vui được sống và thay vào đó là hàng loạt luật lệ cực đoan, khắc nghiệt, thậm chí vô nhân tính.



Timbuktu mở đầu bằng cuộc đuổi bắt chú linh dương đơn độc giữa sa mạc bởi một nhóm phiến quân Hồi giáo cờ đen. Dù nhanh nhẹn đến mấy, chú linh dương khó lòng đọ lại được tốc độ của chiếc Toyota – dòng xe yêu thích của chủ nghĩa cực đoan, cũng như những khẩu súng AK của nhóm “chiến binh Thánh chiến” muốn dồn sinh vật đáng thương ấy tới đường cùng thay vì bắn hạ nó.



Tiếp đó, cũng bằng chính những họng súng AK ấy, đám phiến quân lấy nhiều bức tượng gỗ đậm nét truyền thống Phi châu ra làm bia tập ngắm. Hai cảnh quay rất ngắn nhưng mang đầy tính biểu tượng sau đó được lặp đi lặp lại trong suốt bộ phim. Kẻ thủ ác vẫn là đám phiến quân cực đoan. Nhưng thế chỗ cho chú linh dương khốn khổ và những bức tượng vô tri vô giác là người dân đầy cam chịu của xứ Timbuktu.



timbuktu-bi-kich-den-tu-he-tu-tuong-hoi-giao-cuc-doan-fa930c.jpg



Cuộc sống người dân Timbuktu cứ thế bị bóp nghẹt từ khi một nhóm phiến quân Hồi giáo cờ đen xuất hiện, đem theo bộ luật hà khắc Sharia.



Tâm điểm của bộ phim là gia đình du mục bao gồm vợ chồng Kidane – Satima, cùng cô con gái dễ thương Toya. Sống cuộc đời du mục dưới mái lều trơ trọi nơi cồn cát trùng điệp, với nguồn sống duy nhất chỉ là vài chú bò gầy guộc, nhưng Kidane, Satima và Toya vẫn vui vẻ tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc giản đơn của cuộc sống. Đó có thể là bát sữa bò buổi sớm, hoặc tiếng đàn guitar của Kidane vang lên lúc hoàng hôn buông xuống.



Nhưng thứ hạnh phúc nhỏ nhoi ấy chẳng thể bền lâu trước bóng ma của đám phiến quân xa lạ – những kẻ ập đến Timbuktu với cái danh “Thánh chiến” để áp đặt mọi người phải sống, phải suy nghĩ, phải hành động theo ý bọn chúng. Cái cách mà gọng dây thòng lọng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan dần siết chặt những mạch sống hiếm hoi còn lại của Timbuktu được bộ phim kể lại qua câu chuyện đắng lòng của gia đình Kidane, qua các lát cắt buồn bã không kém về cuộc đời của nhiều người dân Timbuktu khác. Thật đau lòng khi họ chỉ mong muốn cuộc sống đơn giản với lời ca, tiếng đàn, hay vài trận bóng đá giữa sa mạc hoang vu.



Nhà sản xuất của Timbuktu là Sylvie Pialat, người vợ goá của cố đạo diễn Maurice Pialat từng giành giải Cành cọ vàng. Sinh thời, Maurice Pialat được biết tới qua các bộ phim đượm buồn, xoay quanh những số phận ham muốn được sống nhưng lại bị đè nặng bởi xung đột nội tâm. Nhưng cái chất buồn rất Pháp ấy của Maurice Pialat có lẽ khó lòng sánh được với bi kịch nghẹt thở ở vùng sa mạc của Timbuktu. Đạo diễn Abderrahmane Sissako đã thành công trong việc truyền tải sự tuyệt vọng đến người xem qua cả những câu chuyện được kể trực diện, lẫn nhiều cảnh quay mang đầy tính biểu tượng, đẹp nhưng buồn đến nao lòng.



timbuktu-bi-kich-den-tu-he-tu-tuong-hoi-giao-cuc-doan-9c5601.jpg



Những niềm vui nhỏ nhoi trong cuộc sống của đôi vợ chồng Kidane – Satima, hay nhiều người dân Timbuktu khác, bị tước đi đầy vô lý và bất nhẫn, mà nguồn gốc chính là hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan.



Một cảnh quay như thế là trận bóng không-có-bóng của đám nhóc tì Timbuktu luôn mơ có ngày được trở thành “Zidane mới”, “Messi mới”. Không có bóng bởi đám người bịt mặt cho rằng bóng đá là một thứ tội lỗi, là “haram” trong đạo Hồi. Không cần biết tới thực tế rằng chính huyền thoại sân cỏ Zinedine Zidane cũng là người Hồi giáo, những kẻ tôn sùng chủ nghĩa cực đoan luôn lăm lăm AK và đòn roi để tước đi trái bóng khỏi chân lũ trẻ Timbuktu, buộc chúng phải chơi, phải “ăn mừng”, phải tự tưởng tượng ra trái bóng vô hình để thay thế niềm vui đang bị đánh cắp.



Những cảnh quay đẹp, chứa đựng đầy chất ẩn dụ như vậy được trải đều suốtTimbuktu, xen kẽ giữa hàng loạt mẩu chuyện đơn giản nhưng hàm chứa đầy nỗi buồn. Chẳng hạn như chuyện về người phụ nữ bán cá bị bắt phải đeo găng tay dài “theo đúng phép tắc Hồi giáo”. Thật nực cười thay, bởi chẳng loại vải vóc nào có thể tránh được mùi tanh tưởi của cá mú ở một nơi thiếu nước liên miên như sa mạc.



Tuy đôi lúc mạch phim trở nên đứt đoạn bởi sự xen kẽ liên tiếp, cách kể chuyện và dựng phim của Sissako thực sự giúp người xem hiểu được sự bất nhẫn của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, sự tuyệt vọng của những nạn nhân vô tội, và cùng với đó là nỗi buồn của mảnh đất Timbuktu – nơi từng có thời là niềm tự hào của châu Phi.



timbuktu-bi-kich-den-tu-he-tu-tuong-hoi-giao-cuc-doan-b465ab.jpg



The English Patient từng khiến khán giả ấm lòng vì tình người. Nhưng tình người trongTimbuktu bị tàn phá và không hề có lối thoát.



Bối cảnh sa mạc trong buổi loạn lạc của Timbuktu vô tình khiến người ta nhớ tới một tác phẩm xuất sắc khác, cũng xoay quanh sự vô nghĩa của bạo lực làThe English Patient (Bệnh nhân người Anh) của đạo diễn Anthony Minghella năm 1996. Tuy nhiên, nếu The English Patient vẫn khiến khán giả cảm thấy ấm lòng vì cái cách con người khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo có thể xích lại gần nhau, thì ở Timbuktu, tình người lại bị tàn phá đến tận cùng. Đáng buồn thay, đó không phải bởi bất đồng ngôn ngữ, không phải bởi bất đồng tôn giáo, mà chính bởi sự mù quáng đến khó tin của nhóm người nhân danh đức tin và tôn giáo để thực thi tham vọng, tính toán cá nhân, bất chấp nỗi đau đồng loại.



Hồi đầu năm 2015, trong cuộc đua giành tượng vàng Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, Timbuktu thuộc hàng “cửa dưới” do câu chuyện hay đề tài ít được truyền thông quan tâm như Leviathan của Nga hay Ida của Ba Lan. Rốt cuộc, tác phẩm mang đề tài diệt chủng trong Thế chiến thứ II làIda đã giành chiến thắng​ như dự đoán của nhiều người.



Tuy nhiên, lúc này đây, ngay sau những gì mà thành phố Paris, nước Pháp mới phải trải qua, khán giả sẽ cảm nhận được sâu sắc hơn thông điệp mang tính thời đại của Timbuktu, hay hiểm họa mà chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan có thể gây ra cho toàn thế giới. Bản thân tôn giáo ​chưa bao giờ có tội. Nhưng sự cuồng tín và cực đoan trong bất cứ thứ tín ngưỡng nào là điều không thể chấp nhận​. ​Và thành phố Timbuktu hẳn là một trong những nạn nhân cảm nhận rõ nhất điều đó.



Theo Zing









 
Back
Top