“Dù gió có thổi” – Tôi nhìn thấy gia đình mình trong đó...

Jolie

Member
Câu chuyện xoay quanh các mối quan hệ trong gia đình đã được Dù gió có thổi kể bằng một cách rất khác - bình thường, dung dị nhưng sâu sắc. Mâu thuẫn đưa đến do phong cách, quan niệm sống của các thế hệ “lệch pha” với nhau, xen lẫn những khác biệt về văn hóa vùng miền, cùng với sự đa dạng trong việc xây dựng tính cách nhân vật, từng tập phim đem lại cho người xem một cảm giác quen thuộc - “Đâu đó trong đại gia đình vẫn yên vui qua nhiều sóng gió ấy, tôi nhìn thấy chính mình…”
DSCN1741.JPG


Phim giả, gia đình thật
Không khí buổi quay phim nghiêm túc nhưng vẫn không thiếu vắng tiếng cười, mọi người trong ê-kíp như những thành viên trong một gia đình, không chỉ đạo diễn, diễn viên, ngay cả nhân viên hóa trang hay các anh bảo vệ, lái xe,… đều rất thân thiết, vui vẻ trong khi làm việc. Điều này, theo Quý Bình, là động lực rất lớn cho diễn viên có thêm nghị lực và tin tưởng để đi tiếp vai diễn của mình. NSƯT Kim Xuân cũng cho biết: “…Kỉ niệm thì nhiều lắm, như hiện giờ, tụi cô không gọi là anh Phúc, cô Thiện hay Lê Khánh, Bình Minh,… mà gặp nhau thì chào: Dạ, con chào má chồng con mới đến, rồi Chào ông xã em mới tới hoặc là Hoài Biệt (diễn viên Quý Bình) thì cứ gọi cô: Má, con nói này má nghe! Đó không chỉ là quan hệ giữa những người đồng nghiệp với nhau mà còn là một tình cảm lớn hơn, mạnh hơn. Chính bộ phim đã nối những sợi dây thân tình rất quý…”.
“Gia đình thật” còn thể hiện trong cảm xúc của người diễn viên khi nhập vai, bởi những tình huống trong phim bình thường và quen thuộc như chính cuộc sống của họ.
“Những tình tiết đời thường nhưng rất sâu sắc, ai xem cũng sẽ thấy có mình trong đây, và có mình một cách hợp lý. Như một đoạn Hoài Tậu ngồi sửa quạt, rất đơn giản, nhưng Bích Phượng nhìn chồng và ngưỡng mộ như chồng mình là một vị anh hùng và anh ta đang ra tay làm một việc to lớn lắm. Bởi, “hồi trẻ cô cũng như thế, mặc dù mình chỉ thấy chồng sửa cái bóng đèn, bắt lại cái vít,… nhưng đối với mình thì đó lại là một niềm vui rất lớn và giống như chồng mình là nhất vậy!”. Đó chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng cô tin rằng nó thực tế, và người ta sẽ rất đồng cảm.” Ngoài ra, NSƯT Kim Xuân còn chia sẻ: “Giới trẻ ngày nay e ngại khi bước vào sống trong một gia đình lớn, bản thân cô nghĩ rằng: Nếu như đó là một gia đình không thương yêu nhau, bà nội chồng thì khó chịu, mẹ chồng lúc nào cũng xét nét, một người chú chồng, cha chồng hay các em chồng luôn đưa mình ra phán xét, như vậy thì chẳng nên sống làm gì. Còn nếu đó là một gia đình mà từng thành viên quan tâm đến nhau, mặc dù sự quan tâm đó không phải bao giờ cũng tích cực, nhưng quan tâm, là để người ta sống tốt hơn. Một gia đình đông người, nhưng lại yêu thương và chăm sóc cho nhau như thế, chính những người trải qua cuộc sống đó - khi ra đời sẽ là người biết quan tâm đến người khác nhiều hơn…”
DSCN1696.JPG


“Bố”Cần – NSƯT Nguyễn Văn Phúc chưa cần vận dụng nhiều kĩ năng diễn xuất, bởi trong phim, ông chỉ cần là chính mình: “Tôi rất thích vai diễn này, vì nó rất gần gũi với cuộc sống của tôi, của khán giả, của mọi người. Kịch bản gốc của Hàn Quốc, nhưng tôi thấy nó dễ hòa nhập vào cuộc sống của người Việt Nam và tôi đóng rất thoải mái.” Trong Dù gió có thổi, “ông Cần” là người phải rất mẫu mực – vừa có hiếu với mẹ, vừa thương yêu vợ và trách nhiệm với các con: “Thực tế trong cuộc sống hôm nay, mấy ai làm được điều đó. Nhất là cả một đại gia đình như thế sống chung, không lúc nào là không có gió! Bản thân mình, tôi luôn quan niệm rằng: cuộc đời chẳng có một mẫu sẵn nào cả, mỗi chúng ta phải tự điều chỉnh với nhau để mà sống thôi.”
Đạo diễn Phương Điền - trước câu hỏi: “Những nhân vật trong phim, như vai Dương của Hiền Mai, có phải là mẫu người hiền lành thái quá và thiếu yếu tố thực tế không?” - anh cho biết: “Đó là một sự cam chịu – một người tốt nghiệp Đại học, nhưng chấp nhận ở nhà lo việc bếp núc, mẹ chồng nói sai cũng không dám phản kháng, chồng nói thì chỉ biết im lặng nghe… Trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, vẫn có những người như vậy. Chúng tôi đặt ra vấn đề đó, để người xem đánh giá – có thể họ sẽ không cho nhân vật Hiền Mai 10 điểm, có thể họ đồng ý hay không đồng ý, nhưng khi tuyến nhân vật phát triển, họ sẽ suy nghĩ và lý giải được tại sao lại có sự cam chịu ấy. Ở những tập sau, Dương cũng “vùng lên”, ra ngoài đi làm, nhưng rồi những lo toan, tranh chấp, cũng làm cô ta quay trở về vị trí của mình để chu toàn cho gia đình. Điều đó thể hiện một sự an phận, nhưng thực tế cuộc sống là vậy. Hoặc như nhân vật Hoài Khắc (Đức Thịnh đóng), là một trưởng phòng bình thường, lúc nào anh ta cũng mơ ước trở thành giám đốc – được kí những hợp đồng hàng chục tỉ, đến nỗi cầm cố nhà cửa để kinh doanh – tuyến nhân vật này không an phận mà có sự phản kháng mạnh, nhưng thực tế rồi cũng sẽ quăng anh ta trở về đúng vi trí cũng như sở trường của anh ta”
DSCN1682.JPG


Dù gió có thổi, gió sẽ tan…
“Hoài Biệt” rất khác so với những vai diễn trước đây của Quý Bình – đó là một anh chàng copywriter vui tính, hoạt bát và những nét tính cách này đã giúp suy nghĩ của Quý Bình thay đổi rất tích cực: “Bình đã là người rất ít nói và một chuyện nhỏ nhặt cũng có thể khiến mình suy nghĩ suốt ngày. Mà làm nghệ thuật, tinh thần tốt là điều rất quan trọng, nên Bình nghĩ là mình không nên hay buồn bực nhiều như vậy nữa, cái gì rồi cũng sẽ qua hết, một phần cũng là nhờ vai diễn này.”
Còn Vân Trang – với vai diễn nhà báo Hương Giang, một cô gái bản lĩnh, gai góc – Trang cũng nhận thấy mình đã trưởng thành nhiều hơn qua thời gian tham gia bộ phim: “Hương Giang hơn Trang gần mười tuổi, ngoài đời, suy nghĩ và tâm lí của Trang khác cô ấy lắm, nhưng khi diễn xuất, Trang đã cố gắng rất nhiều để có thể sống thật với nhân vật. Và nếu gặp một hoàn cảnh tương tự như vậy, Trang nghĩ là Trang đã sống được như Hương Giang trong phim thì Trang cũng sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ tình yêu của mình như vậy!”
DSCN1664.JPG


Những điều có thể bạn chưa biết
Bộ phim chuyển thể từ phiên bản Hàn Quốc. Theo đạo diễn Phương Điền, kịch bản đã được chỉnh sửa đến khoảng 60% để phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Đây là phim truyền hình đầu tiên áp dụng công nghệ mới – quay theo kiểu “daily drama” (câu chuyện hàng ngày), khác với thể loại sitcom (kịch truyền hình) – những vấn đề, mâu thuẫn mang tính chất xuyên suốt, không yêu cầu phải giải quyết ngay trong một tập phim…
Ê-kíp vừa quay phim, vừa chờ phía Hàn Quốc chuyển kịch bản - hầu như chỉ biết trước diễn biến trong 20 tập kế tiếp, nên đây cũng là lần đầu làm việc mà cả đạo diễn và diễn viên đều… “không biết số phận mình sẽ đi về đâu”. Điều “lạ” nữa so với các ê-kíp làm phim khác, khi lần đầu tiên, họ phải tham gia vào các buổi đọc kịch bản (định kì sau khoảng 10 tập phim) – mọi người sẽ ngồi lại và góp ý kiến cho nhau về lời thoại, bối cảnh cũng như diễn xuất, chính công việc này góp phần đảm bảo cho Dù gió có thổi vừa đảm bảo được tiến độ, vừa có thể hoàn thiện nội dung.
NSƯT Nguyễn Văn Phúc (vai ông Cần) đã làm nghề nhiều năm, nhưng chưa bao giờ ông vào vai “con” của một người mẹ - “bà nội” (NSƯT Lê Thiện đóng) lại ít tuổi hơn mình! Bộ phim này cũng là cơ hội đầu tiên của diễn viên Anh Tuấn, vai chú Mẫn là một mảng màu lạ trong bức tranh của gia đình tứ đại đồng đường – một ông chú lỡ duyên, xây dựng nhân vật phản diện nhưng những nét hài hước, vui nhộn trong diễn xuất đã đem lại cho người xem nhiều thích thú.
Minh Tuyết
 
Back
Top