Đánh số ngõ ngách không quy tắc ở phố Hoa Bằng.
Câu chuyện loạn số nhà ở Hà Nội từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người khi lạc chân vào “ma trận” các dãy số nhà chẵn - lẻ. Ngay cả những người dân sinh sống tại thủ đô đôi khi cũng phải mướt mồ hôi mới tìm được đúng địa chỉ.
Loạn “đao pháp”
Bất chấp quy định về việc đánh số và gắn biển số nhà thì trên thực tế ở Hà Nội những năm gần đây, việc thay đổi và đặt tên đường đang ngày càng trở nên rối rắm. Việc thực hiện vẫn chưa được nghiêm túc dẫn đến tình trạng tùy hứng đánh số nhà, có nhà vừa mang số cũ, vừa mang số mới, có nơi lại đánh ngược với quy định theo thứ tự từ trái sang phải, chỗ thì ngược lại, thậm chí người dân thích số nào lấy số đó, lỡ trùng nhau thì thêm vào sau số chữ cái a, b, c... Thậm chí có gia đình tự ý gắn biển số nhà theo nhu cầu phong thủy dẫn đến tình trạng một con phố có đến vài ba số nhà trùng nhau…
2 cửa hàng nằm chung một ngôi nhà nhưng một bên là 77 Nguyễn Hữu Huân, một bên là 33 Hàng Thùng. |
“Ma trận” nhất có lẽ là đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) dù đã được đổi tên 2 năm nay, nhưng sự khấp khểnh giữa các số nhà vẫn không hề được cải thiện, đang số nhà 14 nhảy lên số 18 rồi lại quay về số 12, rồi lại vọt lên 19-23-29… nhưng đến số nhà 45 lại “vòng” về… 18; bên kia đường từ số 9 nhảy phắt lên số 16, hai số nhà trùng 18 và 36, số lẻ 25 đến số 26.
Đường Trung Kính dãy số nhà chạy tự do từ số 181 - 268 - 101 - 157 - 173 - 147. Con đường mới mở rộng Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy ngoài việc số nhà không tuân theo trật tự từ 42 - 22 - 56 - 36 - 38 - 48 - 68 - hai số 76 - 92 - 90 - 76 - 56 - 118 - 88 - 90 - 92… còn có số nhà kép cũ - mới như trên biển hiệu đánh số 234 bên cạnh số 40, số 238 ở dưới ghi 36, số 246 vẫn giữ số 28…
Đường Nguyễn Khang trên cùng một trục nhưng chia làm hai nhánh, nhánh trong vẫn giữ nguyên số nhà lẻ như cũ, nhưng khi mở rộng thêm một nhánh ngoài lại tự động đánh số chẵn trên cùng nhánh số lẻ từ 219 quay lại số 76 - 68…
Ở đường Lê Văn Lương kéo dài, từ số 1 nhảy cóc qua một số nhà không đánh số lên thẳng số 9 là một quán café, từ số nhà 11 bỏ qua 13 lên 15, tiếp theo có hai số nhà 42, cũng nằm trên con đường mới mở rộng này nhưng riêng Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ Từ Liêm - Hà Nội lại không được đánh số.
Đường Thái Thịnh, xen giữa hai số nhà 99 và 101 là số nhà 358 đường Láng, đi thêm một đoạn ngắn sẽ gặp dãy số nhà nhảy loạn từ số 368 - 259 - 94 - 235 - 219. Đường Hoàng Cầu: 51 - 90 - 74 - 66 - 62 - 56 - 99 - 33 – 97. Đường Đông Tác từ số 9 nhảy lên 197...
Đường Khuất Duy Tiến, dân tranh thủ những khu nhà tập thể ngay mặt đường mở cửa hàng và vô tư đánh số theo ý của chính chủ: 101.D1 - 102.D1 - 101.D2 - 102D2… Còn nếu đi từ phía cầu vào thấy bên đường Khương Trung mới có 3 số nhà đánh số 22, nhìn sang đường Khương Hạ lại tiếp tục thấy 1 số nhà 22 nữa, nhảy lên 35 rồi lại xuống số 5 - 35 - 7/35 - 23 - 23 - 3 số nhà 47/35 - 2 số nhà 71 - 2 số 73 - 71a - 71b - 2 số 73…
Có 4 địa chỉ đánh số 23 Lê Thánh Tông. |
Ở phố cổ cũng tồn tại việc loạn số nhà, trên biển hiệu shop thời trang đánh 77 Phạm Hữu Huân, quán bên cạnh ghi 23 Hàng Thùng, đường Lý Thường Kiệt có 2 số nhà 12, đường Lê Thánh Tông nắm bắt được diện tích mặt đường khu tập thể, người dân tự phát mở cửa hàng đều đánh số 23…
Những con phố đánh đố người tìm
Tình trạng nhiều số nhà trùng nhau hoặc nhảy số ở Hà Nội như đã nêu trên thường xảy ra trên các tuyến phố mới mở rộng, đường làng lên phố, nhưng vẫn có những con phố lâu đời tồn tại số nhà bay. Đi tìm nguyên nhân giải thích cho “đặc sản Hà Nội” này có nhiều ý khác nhau, với chủ nhân ngôi nhà thì họ cũng có cái lý của riêng mình khi thay đổi số nhà kéo theo cả loạt thủ tục phải thay đổi từ sổ hộ khẩu, sổ đỏ, chứng minh thư, làm visa… nên ngày này qua tháng nọ, các khổ chủ vẫn mặc nhiên chấp nhận để con số mới chồng lên số cũ đang mọc rêu theo thời gian.
Anh Bùi Văn Chung (chạy xe ôm ở bến Mỹ Đình) kể lại câu chuyện ngày mới vào nghề của mình: “Khách lần đầu ra thủ đô, mình thì phố xá cũng chưa thông thạo như bây giờ. Theo địa chỉ khách nói, chạy đến đường Tam Trinh cả mình lẫn khách đều hoa lên vì có đến ít nhất 4 số nhà đánh số 30. Ở phố không giống như ở quê cửa giả mở rộng để hỏi thăm, mỗi lần đến một địa chỉ đánh số 30 thì vị khách lại chạy xuống bấm chuông rồi đợi người ra mở cửa xem có phải anh em không và phải đến lần thứ tư thì mới đến đúng nhà cần tìm”.
Tồn tại 2 số nhà 19 một cũ, một mới cạnh nhau trên cùng một con phố Trần Thái Tông. |
Những người làm nghề bưu tá, chuyển phát nhanh, giao hàng tận nhà, bán bảo hiểm… đều trong tình trạng mướt mồ hôi mới hoàn thành được công việc. Anh Thủy - Bưu điện Cầu Giấy - có thâm niên 16 năm làm bưu tá ở khu vực này, nhưng cũng nhiều phen chóng mặt với các số nhà. Anh Thủy chia sẻ: “Người nhanh phải mất ít nhất hơn 6 tháng đến 1 năm mới quen được với các địa chỉ ở khu vực mình phụ trách. Làm nghề này mỗi người phải có một mẹo riêng để nhớ số nhà. Có anh mới vào nghề loay hoay như gà mắc tóc, đi cả buổi sáng cũng không giao được bưu phẩm cho khách hàng”. Kinh nghiệm bản thân anh Thủy là cứ theo địa chỉ cũ sẽ lùng ra được địa chỉ mới, tự làm cho mình một tấm bản đồ riêng trong trí nhớ.
Không chỉ có khách thập phương phải chấp nhận bó tay khi lạc vào mê hồn trận số nhà ở Hà Nội, mà ngay cả những người sinh ra và lớn lên tại đây nhiều khi cũng chịu cảnh dở khóc dở cười với chính số nhà của mình. Anh Vũ Văn Đại (ở trong ngõ 145 Cổ Nhuế) có số nhà trùng số nhà với hàng xóm là giáo viên cấp 2 dạy thêm ngoại ngữ, nhưng đi từ đầu ngõ vào thì số nhà anh trước. Bằng giọng hài hước xen cả mệt mỏi, anh Đại kể: “Có hôm mình đang bận làm việc trên phòng tầng ba, nghe tiếng chuông reo chạy xuống, hỏi ra mới biết người ta nhầm nhà. Có ngày chạy ra chạy vào, chạy lên chạy xuống vài lần cũng đứt hết cả hơi, nhưng đổi số nhà phức tạp quá nên đành chịu”.