Gần 10 năm sau vụ án Năm Cam chấn động cả nước, người dân Sài Gòn vẫn nhắc về số phận của những người trong gia đình Năm Cam với cái kết buồn của một gia đình lặn ngụp trong cuộc sống giang hồ. Năm Cam chết, vợ đi tù, con đứa đi tù, người đi tu, suốt 10 năm qua, cuộc sống của gia đình Năm Cam đã trải qua không ít sóng gió.
Gặp Trúc “mẫu hậu” trong trại giam Xuân Lộc, thấy người phụ nữ từng lừng lẫy một thời này giờ ốm yếu, khổ sở với đủ các thứ bệnh hành hạ trong người. Kể về chồng và những đứa con của mình, Trúc “mẫu hậu” rơm rớm nước mắt khi nghĩ đến những sóng gió đã đến với gia đình bà trong suốt 10 năm qua. Ở tuổi ngoài 60, ước mơ duy nhất của bà là sớm trở về và quy y nơi cửa phật, thành tâm sám hối để cầu mong sự bình yên sẽ trở lại với gia đình bà.Cuộc sống của “chính cung” mẫu hậu ở trại Xuân Lộc
Trúc “mẫu hậu” hiện đang thụ án tại phân trại 5, trại giam Xuân Lộc. Bà đã được giảm án một lần 9 tháng, nhưng năm nay, do vi phạm nội quy nên bà không được tiếp tục xét giảm. Tuy nhiên, đã nhận thức được lỗi lầm của mình, nên Phan Thị Trúc đã xác định sẽ thành tâm cải tạo để sớm có ngày trở về với gia đình. Hai năm trước, Phan Thị Trúc đã nộp đầy đủ 2,9 tỷ tiền án dân sự mà Tòa án yêu cầu, với hy vọng sẽ sớm được hưởng lượng khoan hồng từ pháp luật. Theo lời cán bộ quản giáo của phân trại 5, thì từ khi vào trại đến nay, Trúc “mẫu hậu” hầu như không vi phạm các quy định của trại.
Những ngày đầu mới đến, Trúc “mẫu hậu” sống trong tâm trạng hoảng loạn, tuyệt vọng. Bà thường xuyên khóc lóc vật vã khi nghĩ đến những sóng gió của gia đình mình. Nhưng sau một thời gian, sự động viên, quan tâm của cán bộ trại cũng như sự giúp đỡ của các phạm nhân khác, Trúc “mẫu hậu” đã dần lấy lại được cân bằng. Bà sống tốt và sống hòa đồng với các phạm nhân khác. Mỗi lần con cái lên thăm nuôi, có nhiều đồ ăn thức uống, bà cũng chia sẻ bớt cho các phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, nên được mọi người yêu quý. Những ấn tượng của phạm nhân trong trại về Trúc “mẫu hậu” – vợ của trùm giang hồ Năm Cam dần dần không còn rõ nét trong suy nghĩ của phạm nhân ở trại giam Xuân Lộc.
Khi được phóng viên hỏi về cuộc sống trong trại giam, bà kể: “Mấy năm vào đây, sức khỏe tôi suy sụp đi trông thấy. Hồi chưa bị bắt, tôi mập mạp, khỏe mạnh và chỉ có vài ba thứ bệnh lặt vặt. Nhưng giờ đây, tôi bị bệnh tiểu đường, bị suy tim, đau phổi, đường ruột và thường xuyên đau đầu, mắt tôi càng ngày càng mờ đục. Những sóng gió và những biến cố quá lớn của gia đình đã khiến tôi lao tâm khổ tứ, hoàn toàn suy sụp rồi đánh mất sức khỏe một cách nhanh chóng. Việc đi lại với tôi bây giờ thực sự là một cực hình. Mỗi lần con cái lên thăm, muốn ra gặp chúng cho đỡ nhớ, nhưng chỉ cái việc đi từ khu giam giữ ra nhà thăm gặp cũng ngày càng trở nên quá sức đối với tôi”.
Do sức khỏe ốm yếu, lại tuổi đã cao, nên theo chính sách của Đảng và Nhà nước, Trúc “mẫu hậu” được Ban Giám thị trại tạo điều kiện cho sống trong một căn phòng nhỏ với hai phạm nhân khác cùng cảnh ngộ bệnh tật. Phan Thị Trúc cũng không phải lao động hay tham gia các hoạt động của trại mà chỉ tập trung vào việc uống thuốc, điều trị bệnh để tránh suy giảm sức khỏe: “Tôi ốm yếu quá, nên đến việc tự chăm lo vệ sinh cá nhân cũng trở nên khó khăn. Mỗi lần tắm rửa, chỉ việc múc nước cũng khiến tôi không thở được. Mỗi lần đứng lên ngồi xuống thì lại thấy xây xẩm mặt mày. Cũng may ở trong này, tôi được chị em bạn tù giúp đỡ nhiều. Người giúp giặt quần áo, người giúp lấy hộ phần cơm, người chăm sóc tôi lúc đau yếu nên tôi cũng đỡ được phần nào. Điều khiến tôi lo lắng nhất là sức khỏe của tôi ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu. Dù Ban Giám thị trại đã tạo điều kiện cho tôi đi chữa bệnh ở bệnh viện ngoài, nhưng cũng không có nhiều dấu hiện thay đổi. Tôi chỉ mong mình có thể cải tạo thật tốt, sớm được giảm án, hi vọng sống được đến ngày trở về, để khỏi mang tiếng chết trong tù cho con cháu đỡ tủi”.
Được giam cùng trại giam với Hải Bánh nhưng khác phân trại, Trúc “mẫu hậu” cho biết bà vẫn gặp Hải Bánh trong những lần Hải Bánh xuống phân trại dưới này để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ: Ở trong trại Xuân Lộc, Hải Bánh rất sôi nổi tham gia các hoạt động của trại. Là người có nhiều tài, năm ngoái, Hải Bánh có đưa đoàn cờ người của phạm nhân xuống các phân trại biểu diễn. Khi gặp Trúc “mẫu hậu”, Hải Bánh cũng qua chào đòi đàng hoàng.
Trúc “mẫu hậu” kể: “Năm trước Hải Bánh có đưa đoàn cờ người xuống nên tôi có gặp cậu ta. Dù Hải Bánh là người đã khai ra chồng tôi, tôi vẫn cố gắng vui vẻ với anh ta, vì tôi nghĩ thời gian đã lâu rồi, không nên đào bới chyện gì. Tôi cũng dặn con cháu tôi là mình sai thì mình chịu, đừng trách người ta, hãy chôn chặt những hận thù, bỏ qua mọi thứ để sống cho tương lai và chỉ nghĩ về tương lai”.
Chuyện về người con gái đi tu
Ngày Năm Cam bị tuyên án tử hình, nhiều người vẫn không thể quên hình ảnh cô con gái thứ 4 của Năm Cam – người đã xuất gia đi tu từ nhỏ - khóc ngất đi phía bên ngoài phiên tòa. Ai cũng cám cảnh và thương cảm cho người con gái hiền lành của Năm Cam sớm đã gửi thân nơi cửa phật, xa lánh bụi trần mà vẫn phải chịu những sóng gió của gia đình.
Kể về người con gái đã xuất gia của mình, Trúc “mẫu hậu” ứa nước mắt. Bà gọi cô con gái đã đi tu của mình là sư cô, chứ không gọi là con, vì người đã xuất gia là người đã không còn thờ cha mẹ, chỉ còn thờ phật. Con gái bà đã không còn là con của bà nữa, mà trở thành người của nhà chùa. Bà bảo trong nhà, bà thương sư cô nhất, cũng xót xa cho sư cô nhất, bởi sư cô là người chịu nhiều tổn thương nhất trong bi kịch của cả gia đình.
Dù khi Năm Cam còn sống, Trúc “mẫu hậu” đã từng làm mưa làm gió, khiến bao nhiêu người khổ sở, khiếp hãi, nhưng ở vị trí một người mẹ, bà vẫn hiền dịu và yêu thương các con, vẫn đau đáu mong mỏi các con có được một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Cho nên khi thấy các con mình cũng bị ảnh hưởng bởi những sai lầm của bố mẹ, lương tâm của người mẹ đã khiến Trúc “mẫu hậu” ngày đêm không thể ăn ngon, ngủ yên.
Bà kể: “Trong những đứa con của tôi, sư cô là hiền lành và ngây ngô nhất. Hồi còn bé, sư cô cũng như bao đứa trẻ bình thường, cũng thích vui đùa, nghịch ngợm và đôi khi có thể làm bố mẹ bận lòng về những trò nghịch phá của mình. Thế nhưng càng lớn, tính cách của sư cô càng hiền lành, kín đáo. Sư cô thường trầm ngâm, không biểu lộ tình cảm nhiều và e ngại giao tiếp với xã hội bon chen bên ngoài. Dù là mẹ, nhưng lúc đó tôi đã luôn cảm thấy lo lắng, vì phát hiện ra con mình có điều gì đó rất khác so với những đứa trẻ bằng tuổi, cái điều đó tôi không cắt nghĩa được.
Sau đó, thiên hướng của sư cô bắt đầu bộc lộ ngày một rõ rệt. Sư cô đã biết theo người ta lên chùa từ những năm 7, 8 tuổi. Cứ đi học ở trường thì thôi, về nhà là sư cô lại lên chùa, giúp đỡ các nhà sư và ngồi nghe giảng kinh phật, đôi khi sư cô lên đó chỉ để ngồi ngắm nhìn và cảm nhận khung cảnh tĩnh mịch và yên bình trong chùa. Sư cô không còn chơi với những đứa trẻ cùng tuổi nữa mà thường chìm trong những ưu tư, trầm mặc không ai hiểu được. Tất cả những biểu hiện đó đều không giống với những biểu hiện bình thường của những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Ngay từ lúc đó, vợ chồng tôi đã bắt đầu lo lắng và lờ mờ cảm nhận được những suy nghĩ và sự lựa chọn của con gái mình. Nên mỗi lần sư cô đi chùa về, chồng tôi đều mắng và tìm mọi cách hạn chế con gái, vì theo ông ấy, hướng thiện là tốt, nhưng một đứa trẻ lên 8 thì chưa cần hướng thiện như thế.
Nhưng sự ngăn cản của vợ chồng tôi chẳng ngăn được ý chí của đứa con gái đã hướng cái tâm mình theo nhà phật. Năm sư cô lên 9 tuổi, sư cô về nhà nói với vợ chồng tôi, xin phép vợ chồng tôi cho được xuất gia tu hành. Chồng tôi sôi lên sùng sục, quát tháo ầm ĩ, cấm không cho con gái đi tu. Ông ấy còn dọa: Con mà đi tu thì đừng trách bố. Nhưng sư cô không sợ. Sư cô nhờ người nấu cơm chay cho ăn trong suốt hai năm trời, để gột rửa mọi bụi bẩn, muộn phiền của trần thế. Hai năm sau, sư cô lên chùa, xin được làm người tu hành.
Ngày sư cô đi tu, chồng tôi vẫn đang thụ án trong trại giam sau vụ gây lộn với một nhóm giang hồ vì bênh anh rể. Ông ấy không có mặt để chứng kiến con gái mình xuất gia đi tu, gửi thân nơi cửa phật, nhưng tôi thì có mặt. Tôi nhớ hôm đó ngoài con gái tôi còn có một cô nữa cũng quyết định xuống tóc đi tu. Cô kia thì đi tu vì thất tình, bị người yêu ruồng bỏ, nhưng con gái tôi thì hoàn toàn chưa nhuốm bụi trần, chưa trải qua các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời.
Sau này tôi nghĩ nó sinh ra có lẽ là để trở thành người của nhà chùa, sinh ra để sống một cuộc đời xa lánh trần tục. Con gái tôi đã mang căn tu trong người, nên đó là con đường duy nhất mà nó lựa chọn, con đường nó nhất định phải đi, không thể nào khác. Ngày hôm đó, tất cả mọi người có mặt ở đó đều khóc thương nó, tiếc cho nó. Tôi cũng không cầm được nước mắt. Chỉ mong con gái mình sẽ nghĩ lại. Nhưng nó không khóc. Mắt nó ráo hoảnh. Nó nhìn tôi rồi vái lạy tôi lần cuối, bảo là sau này con thành người tu hành rồi, bố mẹ có mất con cũng chẳng được vái lạy nữa. Đó là lần cuối cùng nó vái lạy tôi, lần cuối cùng nó gọi tôi là mẹ, lần cuối cùng nó xưng con. Từ ngày hôm sau, trở thành người tu hành, nó gọi tôi là cô, gọi bố là chú. Pháp danh của con gái tôi là Diệu Quang. Và kể từ ngày hôm đó, tôi cũng gọi con gái mình là sư cô Diệu Quang”.
Sau khi sư cô Diệu Quang trở thành người nhà phật, Năm Cam đi tù về, thấy con gái mình đã xuất gia, dù rất đau lòng nhưng biết không thay đổi được gì, Năm Cam cũng chỉ còn biết cắn răng chấp nhận sự thật. Trúc “mẫu hậu” kể thỉnh thoảng bà và Năm Cam vẫn lên chùa nơi sư cô Diệu Quang tu hành để thăm nom sư cô, nhưng cả hai vợ chồng không còn được phép thể hiện tình cảm của bố mẹ dành cho con cái với sư cô Diệu Quang nữa. Trước mặt các tăng ni phật tử, hai vợ chồng ông trùm Năm Cam –Trúc “mẫu hậu” vái lạy sư cô Diệu Quang theo đúng lệ của nhà chùa. Nhưng Trúc “mẫu hậu”, bà không vái lạy bản thân con gái bà, mà vái lạy cái áo phật mà sư cô Diệu Quang đang mặc trên người