“Trong sáng” như bóng đá Việt Nam

T

T$

Guest
140905225705_u19-624body.jpg
Khán giả nán lại khiến các cầu thủ phải chạy một vòng quanh sân cảm ơn


Nếu có một vị khách nước ngoài “đi lạc” đến sân Mỹ Đình tối ngày 5/9/2014, người đó sẽ tưởng rằng sắp có một trận đấu quan trọng của đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Thật ra từ lâu nay, kể cả khi đội tuyển quốc gia thi đấu, sân vận động Mỹ Đình vẫn vắng tanh. Năm ngoái cũng có một trận của đội tuyển rất đông người xem, nhưng đó là vì người hâm mộ bóng đá muốn được tận mắt trông thấy các danh thủ nổi tiếng thế giới của Arsenal.
Trận mở màn giải bóng đá U19 Cup Nutifood còn rất ít chỗ trống, có lẽ ghế thừa là do các tay phe vé không bán được cho ai. Sát giờ bóng lăn họ vẫn “hét” 650 ngàn cho một cặp vé (giá vé thực cao nhất chỉ 200 ngàn một cặp).
Tuy nhiên số lượng chưa chắc đã làm nên không khí của trận đấu. Đã lâu rồi người ta mới thấy háo hức khi đến sân như vậy, khá giống với cảm giác rạo rực mỗi khi có đội tuyển quốc gia thi đấu cách đây 16, 17 năm.
Bất chấp việc U19 Việt Nam vừa thất bại trong trận chung kết giải Đông Nam Á tại Brunei kéo theo những lo ngại về thể lực thua kém khiến kế hoạch tương lai có thể không được như mong đợi; người hâm mộ vẫn tới sân với áo đỏ, cờ, băng rôn, thậm chí cả ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nguyên nhân của sự hâm mộ
Thật khó ở đâu mà tình yêu bóng đá lại vô tư như ở Việt Nam. Trước đây đã có một người hâm mộ lớn tuổi bức xúc trên truyền hình: “Tại sao nước khác đội tuyển thua về bị chửi mắng, đội Việt Nam thua về chúng tôi vẫn ra đón mà tại sao không cho?”
140905225618_u19-624.jpg
Sân Mỹ Đình gần như kín chỗ trong trận này.


Quốc Vượng - cầu thủ dàn xếp tỷ số với lý do “Việt Nam vừa không thua, lại vừa được tiền” đã tâm sự: “Sau khi vào tù mới hiểu, cái người hâm mộ cần không phải là kết quả, mà là các cầu thủ trên sân thi đấu như thế nào”.
Trận đấu gặp Úc hôm qua, đội tuyển của chúng ta rất ít cơ hội tiếp cận khung thành đối phương có thể hình cao to. Nhưng đối với khán giả, điều đó có lẽ không quan trọng lắm, được xem bóng đá sạch, “trong sáng” và giàu nhiệt huyết là đủ. Thế nên chỉ cần bóng tiến đến hơi gần khung thành đối phương là trên sân đã như ngày hội rồi.
Càng trôi về những phút cuối, cơ hội chiến thắng của Việt Nam càng nhỏ do thể lực đã suy giảm. Nhưng việc Australia tấn công nhiều hơn không làm “nản lòng” những người đến sân, họ vẫn hò reo, làm những làn sóng người và hát những ca khúc Cách mạng.
Sự kiên trì đó đã được đền đáp theo một cách khó ai có thể ngờ tới. Khi chỉ còn 2 phút nữa là kết thúc trận đấu, Công Phượng đã đi bóng từ giữa sân rồi tung cú sút ở một góc không dễ để hạ gục thủ môn đối phương. Một cái kết hoàn hảo cho đội bóng fair play và khán giả fair play.
140905232306_624_final.jpg
Các cầu thủ Việt Nam giúp đối phương khi bị chuột rút


Cuối trận có một tình huống cầu thủ đội bạn bị chuột rút, lập tức 2 hậu vệ Việt Nam chạy đến giúp dù trong hoàn cảnh này, càng kéo dài thời gian càng có lợi.
Chính những hình ảnh này đã chinh phục người hâm mộ nước nhà chứ không phải những danh hiệu hay sự kỳ vọng vào một thế hệ có tài năng vượt trội.
Sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, rất nhiều người vẫn nán lại khiến các cầu thủ phải chạy một vòng quanh sân cảm ơn – hành động như trong các trận đấu chia tay hoặc sau khi đội đoạt chức vô địch.
Đội tuyển quốc gia thi đấu bết bát (bị loại ngay từ vòng bảng 2 năm liên tiếp ở 2 giải đấu quan trọng nhất: AFF Cup 2012 và Sea Games 27), giải vô địch quốc gia chỉ toàn bạo lực và dàn xếp tỷ số.
Bóng đá Việt Nam có lẽ đang ở thời điểm chạm đáy của sự thất vọng và hoài nghi. Thật khó có thể nói bóng đá Việt Nam đang “trong sáng”.
Nhưng bỗng dưng nổi lên một tia sáng giữa bóng tối đang bao trùm. Một đội tuyển trẻ “chơi đẹp” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, người hâm mộ đam mê và tin tưởng trở lại. Với nhiều người Việt Nam, có lẽ cũng không đòi hỏi gì thêm nữa. Cứ cháy với tình yêu bóng đá, thế là đủ!


Theo BBC Vietnamese
 
Back
Top