“Ant-Man”, “The Walk”, “Nhiếp Ẩn Nương”, “Crimson Peak”, “Inside Out”… là các bộ phim có poster quảng bá bắt mắt khán giả nhất trong năm qua.
Ant-Man: Siêu anh hùng Người Kiến lần đầu tiên bước lên màn ảnh rộng trong mùa hè 2015 và còn khá xa lạ với công chúng. Thế nên, loạt poster của Ant-Man có nhiệm vụ kết nối nhân vật với nhóm Avengers và hướng khai thác của đội ngũ sản xuất là rất tinh tế. Ngoài ra, lời đề tựa “Không khiên. Không giáp. Không vấn đề” cũng lột tả hoàn hảo sự hài hước của toàn bộ tác phẩm.
Mission: Impossible – Rogue Nation: Có lẽ không có cách quảng bá nào tốt hơn cho tập phim Nhiệm vụ bất khả thi mới nhất bằng một pha hành động mạo hiểm do Tom Cruise đích thân thực hiện. Không chỉ xuất hiện từ trailer đầu tiên hay nhiều đoạn phim hậu trường, cảnh tài tử đu mình trên chiếc máy bay quân sự ở độ cao 1.500 m thậm chí còn được đặt thẳng lên poster phim. Đó có vẻ là nước đi đúng đắn khi Rogue Nation giờ đã thu hơn 682 triệu USD.
Minions: Không chỉ cố gắng thu hút sự chú ý từ trẻ nhỏ, bom tấn hoạt hình Minions còn muốn lôi kéo khán giả lớn tuổi tới rạp. Đó là lý do Illumination Entertainment tung ra loạt poster giễu nhại hàng loạt các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trong lịch sử nhân loại. Chúng đồng thời minh họa cho chi tiết trong trailer, rằng các sinh vật tiểu quái da vàng đã xuất hiện suốt từ thời cổ đại cho tới tận ngày nay.
Star Wars: The Force Awakens: Những tấm poster của series Chiến tranh giữa các vì sao thường rực rỡ đầy màu sắc, với sự xuất hiện của đầy đủ các nhân vật chính trong phim. The Force Awakens nối tiếp truyền thống đó với không một chút sai sót và được đông đảo lượng fan loạt phim đón nhận.
Black Mass: Tấm poster đầu tiên của bộ phim tiểu sử về ông trùm Whitey Bulger là nước đi táo bạo đến từ Warner Bros.: không lệ thuộc vào gương mặt ngôi sao Johnny Depp! Thay vào đó, công chúng chỉ được trông thấy cơ thể của một nạn nhân dưới tay tên trùm xã hội đen từng làm mưa làm gió tại bang Boston, Mỹ trong cuối thế kỷ 20. Nó giúp người ta phần nào mường tượng được sự tàn khốc của Whitey Bulger, hay chính toàn bộ tác phẩm.
Ex Machina: Hình ảnh không hoàn chỉnh của mẫu robot khiến người ta không khỏi tò mò về bộ phim khoa học viễn tưởng độc lập ra mắt hồi đầu năm. Nó được hỗ trợ hiệu quả bằng lời đề từ gợi mở: “Xóa bỏ ranh giới giữa loài người với máy móc cũng là làm mờ ranh giới giữa loài người với chúa trời”. Liệu điều gì sẽ xảy ra khi con người tạo ra cỗ máy sở hữu vóc dáng, trí tuệ và ý thức hệt như chúng ta?
Tangerine: Poster của Tangerine mang màu sắc ấn tượng, gây tò mò cho công chúng nhờ bóng của hai cô gái và hàng loạt các lời khen tặng mà giới phê bình dành cho bộ phim độc lập có kinh phí siêu thấp. Tuy nhiên, người xem sẽ cảm thấy bất ngờ khi biết toàn bộ Tangerine được quay bằng ba chiếc điện thoại iPhone 5s, còn hai nhân vật chính trong phim là hai cô gái chuyển giới da màu.
The Hunger Games: Mockingjay – Part 2: Tấm poster với hình Katniss Everdeen (Jennifer Lawrence) rất đẹp, nhưng có lẽ nó không thể gây ấn tượng bằng hình ảnh bàn tay với biểu tượng Húng Nhại. Đây chỉ là bức hình đơn giản, nhưng nó cho thấy sự đoàn kết của người dân 13 quận tại Panem trong cuộc nổi dậy chống lại chính phủ thối nát của Tổng thống Snow (Donald Sutherland).
The Walk: Tấm poster của The Walk miêu tả hoàn hảo sự chênh vênh và nguy hiểm dành cho Philipe Petit (Joseph Gordon-Levitt) khi ông thực hiện màn trình diễn nghệ thuật táo bạo “dạo bước qua những đám mây”, đi dây qua khoảng không giữa hai tòa tháp đôi World Trade Center tại New York, Mỹ vào năm 1974. Đây cũng là bối cảnh chính của bộ phim do đạo diễn Robert Zemeckis thực hiện.
Macbeth: Không thực sự đột phá, nhưng mẫu poster của Macbeth thành công lột trần những suy nghĩ phức tạp của nhân vật trong phim: sự ám ảnh với ngôi báu, người vợ, những cuộc giao tranh liên miên… Cách phối màu đem đến một bức hình đẹp, mang đầy nét bí ẩn chờ được người xem khám phá.
Crimson Peak: Nhà văn Edith Cushing (Mia Wasikowska) trong sắc đỏ, toàn bộ tòa lâu đài bí ẩn đượm sắc xanh. Tấm poster của bộ phim kinh dị Crimson Peak khai thác hiệu quả sự đối lập giữa hai tông màu nóng – lạnh đối lập. Cách sắp xếp bố cục thậm chí khiến người ta cảm thấy đây giống như một bức tranh 3D, đồng thời cho khán giả biết phim mang đề tài ma quái và lấy bối cảnh thời gian là thời kỳ Victoria thế kỷ XIX.
The Visit: M. Night Shyamalan tự bỏ tiền túi để thực hiện bộ phim kinh dị The Visit. Tấm poster của bộ phim được nhiều chuyên gia marketing đánh giá là chiêu bài thành công, gây tò mò cho người hâm mộ. Có ba quy tắc dành cho hai đứa trẻ khi đến thăm ông bà: tận hưởng quãng thời gian bên người thân, ăn nhiều hết mức có thể, và không bao giờ được rời khỏi phòng sau 21h30. Dĩ nhiên là con trẻ luôn tò mò và khán giả sẽ muốn biết tại sao lại có quy tắc thứ ba quái quỷ ấy.
The Hateful Eight: Không có ngôi sao nào xuất hiện, nhưng tấm poster của bộ phim mới nhất đến từ đạo diễn Quentin Tarantino đủ gây ấn tượng cho người hâm mộ bằng bối cảnh tuyết trắng miền Viễn Tây. Liệu tám nhân vật trong phim là ai, khi “không có ai đến đây với lý do tốt đẹp”? Những vết máu điểm xuyết trên tuyết đồng thời cho thấy Quentin Tarantino sẽ tiếp tục theo đuổi phong cách bạo lực thường thấy trong sự nghiệp lẫy lừng của ông.
Inside Out: Bom tấn hoạt hình Pixar hưởng lợi nhờ nhóm nhân vật đầy màu sắc, đại diện cho năm cảm xúc chính bên trong tâm trí cô bé Riley 11 tuổi. Loạt poster nhân vật bằng tiếng Trung Quốc tiếp tục khai thác điều đó, đồng thời nâng cao tính nghệ thuật khi cho Vui, Buồn, Giận, Chảnh, Sợ xuất hiện cùng ký tự Hán ngữ là tên chúng. Kết quả chính là những mẫu poster giống như sự kết hợp hoàn hảo giữa phương Tây và phương Đông.
Nhiếp Ẩn Nương: Nhiếp Ẩn Nương – The Assassin là một trong những bộ phim đẹp nhất trong năm, nên không ngạc nhiên khi tác phẩm cũng sở hữu tấm poster cực kỳ quyến rũ. Đây thực chất là một cảnh trong phim, sau đó được đội ngũ thiết kế tinh chỉnh sao cho giống tranh vẽ. Qua tấm poster đa sắc, khán giả có thể phần nào thấy được nhân vật của Thư Kỳ là một sát thủ tài ba nhưng chất chứa nhiều uẩn khúc trong lòng.
Theo Zing