Trước khi trở thành diễn viên chuyên nghiệp, họ từng phục vụ trong ngành cảnh sát xứ Cảng thơm.
Mã Đức Chung (1968)
Anh tốt nghiệp trường Thiếu niên cảnh sát hoàng gia, từng gia nhập đội PTU, PSU (cảnh sát đi tuần) và VIPPU (đội bảo vệ nhân chứng). Mã Đức Chung từng bảo vệ một vài nhân vật trong chính quyền, một số quan chức cấp cao Trung Quốc, thậm chí cả cựu tổng thống Singapore – Lý Quang Diệu, Thái tử Charles và cố công nương Diana của Anh quốc.
Mã Đức Chung chia sẻ: “Thời điểm đó, tôi muốn giúp đỡ gia đình và cảnh sát là nghề thu nhập ổn định. Ngoài ra tôi cũng muốn đóng góp cho xã hội, sau 2 năm được đào tạo, tôi tốt nghiệp và trở thành sĩ quan cảnh sát. Tôi nghĩ công việc này giống như những gì chúng ta xem trong các bộ phim về cảnh sát và kẻ cướp, nhưng ngoài đời, tôi chưa gặp phải bất kỳ trường hợp nào như vậy, thậm chí nó khá yên bình”.
Mã Đức Chung trong phim Phi hổ.
Năm đầu tiên khi làm cảnh sát, Mã Đức Chung đã đuổi theo một tên trộm và anh phải mặc bộ đồng phục gần 5 kg. Sau một năm, anh chuyển qua làm cảnh sát có trách nhiệm giải quyết các cuộc biểu tình. Anh gia nhập G4 (bảo vệ nhân chứng) khi chỉ mới 20 tuổi.
Sau khoảng 4 năm làm tại G4, Mã Đức Chung đã thay đổi công việc trở thành người mẫu. Sau đó, anh gặp một người ở TVB được trả thù lao 9.000 HKD và có thu nhập thêm tại các show cho nghệ sĩ, trong khi đó thu nhập từ lương cảnh sát là 12.000 HKD. Vì vậy anh đã quyết định ký hợp đồng với TVB.
Mã Đức Chung cũng từng tham gia các phim về cảnh sát như Trí dũng song hùng, Đấu trí, Phi hổ 1 và 2…
Lâm Bảo Di (1965)
Anh từng làm lính cứu hỏa trước khi chuyển sang PSU khoảng 4 năm. Lâm Bảo Di tiết lộ, khi anh vào vai cảnh sát, anh cảm thấy tự tin hơn những vai luật sư hay bác sĩ. Anh còn chia sẻ rằng mình là người thích thay đổi môi trường nên khi làm cảnh sát, anh mơ làm ca sĩ và khi làm ca sĩ, lại muốn trở thành diễn viên.
Lâm Bảo Di trong phim Độc tâm thần thám.
Công việc đầu tiên trước khi vào lĩnh vực giải trí là biên tập chương trình âm nhạc truyền hình. Năm 1999, anh ra mắt album Natural và được đánh giá cao. Sau đó, anh chuyển sang làm diễn viên của đài TVB. Sau khi đã có tên tuổi ở Hong Kong, anh chuyển sang Trung Quốc phát triển sự nghiệp.
Phim cảnh sát Lâm Bảo Di từng tham gia như Truy tìm bằng chứng, Đội tình báo CIB, Trí dũng song hùng, Đội cứu hộ trên không, Độc tâm thần thám…
Vương Hỷ (1967)
Năm 1986, anh làm việc tại trạm cảnh sát sân bay, năm 1989 anh chuyển sang làm PTU. Ngày 24/7/1989, khi Vương Hỷ đang điều tra vụ án cố ý phóng hỏa, anh đã dũng cảm cứu sống 2 đồng nghiệp. Sau đó, anh được Sở cảnh sát Hong Kong tuyên dương là một trong 10 tấm gương anh hùng và còn được viết thành sách.
Vương Hỷ chia sẻ: “Thời đó, thể lực rất tốt, có thể chạy một mạch từ tầng trệt lên lầu 10. Trong lúc cứu đồng đội, tôi vốn nhìn không rõ nên cữ ngỡ kéo được áo, nào ngờ đó lại là mảnh da đối phương. Khi cứu được một người, tôi bước xuống lầu, nghĩ thầm không thể nào chỉ có một người đi tuần tra, thế là tôi lại xông lên lầu để cứu người còn lại”.
Vương Hỷ trong phim Cuộc chiến với lửa 3.
Năm 1992, qua sự giới thiệu của bạn bè, anh rời ngành cảnh sát chuyển qua làm MC. Năm 1995, anh nhận công việc dẫn chương trình cho một tiết mục của TVB và quản lý cấp cao Tăng Lệ Trân đã nhờ thư ký gọi điện thoại hỏi anh có muốn đóng phim không.
Năm 1996, Vương Hỷ chính thức trở thành diễn viên với bộ phim đầu tay Đội chống buôn lậu. Năm 2000, Vương Hỷ đạt giải thưởng Thị Đế của TVB với bộ phim Cuộc chiến với lửa 2.
Phim cảnh sát anh từng tham gia Đội chống buôn lậu, Đội tình báo CIB, Cuộc chiến với lửa 1,2,3…
Đằng Lệ Minh (1976)
Từng đảm nhận công việc trong đài Trung tâm cảnh sát 999, tuy nhiên, sau khi tham dự một cuộc thi đơn ca do TVB tổ chức, cô được mời tham gia lớp đào tạo diễn viên và chính thức ký hợp đồng.
Đằng Lệ Minh bắt đầu nổi tiếng với vai cảnh sát Trần Tam Nguyên trong Lực lượng phản ứng.
Đằng Lệ Minh trong phim Lực lượng phản ứng.
Bộ phim Lực lượng phản ứng đã se duyên mối tình 9 năm giữa cô với Ngụy Tuấn Kiệt. Tuy nhiên, đến năm 2007, họ chia tay và năm 2013, Đằng Lệ Minh đã kết hôn cùng Chu Kiến Côn tại Thái Lan.
Huỳnh Trí Hiền (1967)
Từ nhỏ Huỳnh Trí Hiền rất tự ti và sống trong gia đình nghèo, vì phụ cha buôn bán nên đồng phục đi học lúc nào dũng dính dầu mỡ và mùi thịt quay. Đến năm 14 tuổi, anh mới được vào học nội trú tại trường đào tạo cảnh sát thanh thiếu niên.
Huỳnh Trí Hiền khi là cảnh sát và trong phim Lôi đình tảo độc.
Tốt nghiệp Trường thiếu niên cảnh sát hoàng gia khóa 21, phục vụ trong ngành 3 năm và làm việc trong lực lượng PSU và PTU. Năm 1989, anh bắt đầu gia nhập làng giải trí bởi làm diễn viên mới là ý nguyện của Huỳnh Trí Hiền từ nhỏ.
Phim cảnh sát anh từng tham gia như Lôi đình tảo độc, Giải mã nhân tâm 2, Tiềm hành truy kích (đoạt giải Nam diễn viên phụ xuất sắc của TVB 2011).
Trương Gia Huy (1967)
Trương Gia Huy tốt nghiệp Trường thiếu niên Cảnh sát hoàng gia và Học viện cảnh sát Hong Kong. Anh từng làm nhiệm vụ ở PSU. Sau 5 năm hoạt động trong lĩnh vực này, vì muốn xin chuyển sang làm việc tại CID nhưng bị từ chối, cuối cùng anh đã từ bỏ nghề cảnh sát, chuyển sang theo đuổi sự nghiệp diễn xuất.
Trương Gia Huy khi làm cảnh sát (trái) và khi đóng phim.
Trương Gia Huy chia sẻ: “Hồi đó, tôi làm cảnh sát mặc cảnh phục, nhưng trong thâm tâm chỉ thích làm cảnh sát chìm, có thể đi điều tra, phá án. Thời điểm đó, Cục cảnh sát Hong Kong thiếu nhân viên, nên đã không cho tôi chuyển tới bộ phận điều tra. Lúc ấy còn trẻ, suy nghĩ bồng bột, tôi cảm thấy bực mình và quyết định bỏ nghề. Sau đó, tôi học diễn xuất để trở thành diễn viên”.
Lâm Gia Hoa (1957)
Là học viên khóa đầu Trường thiếu niên cảnh sát hoàng gia, sau đó, Lâm Gia Hoa có cơ hội làm MC trong các chương trình truyền hình của cảnh sát. Nhờ đó, nhà đài TVB đã mời Gia Hoa về đóng phim.
Lâm Gia Hoa trong vai cảnh sát.
Sau thời gian chuyên đóng những vai phụ, ông đã chuyển sang đài HKTV để tìm kiếm những cơ hội lớn hơn.
Phim cảnh sát ông từng tham gia là Cuộc chiến với lửa, Phi hổ…
Theo Zing