Ai soạn diễn văn cho ông Ôn Gia Bảo?

T

T$

Guest
(ThuVienBao.com) -
110305030250_wen_jiabao_226x283_ap.jpg
Bản báo cáo của ông Ôn Gia Bảo phải được sự thông qua của giới lãnh đạo Trung Quốc.


Bản báo cáo hàng năm trước quốc hội của Thủ tướng Ôn Gia Bảo mất chừng vài giờ là trình bày xong, nhưng việc chuẩn bị soạn thảo tốn thời gian gấp bội.

Ông Ôn Gia Bảo là người trình bày phần nội dung, nhưng bản báo cáo là tổng hợp các quan điểm và ý kiến rộng khắp từ nhiều đối tượng.

Bản báo cáo, có nội dung phân tích các sự kiện năm trước và dự đoán tương lai, là kết quả của nhiều tháng nghiên cứu, mặc cả và biên soạn.

Bản dự thảo cuối cùng phải được sự đồng ý của tất cả các nhà lãnh đạo chóp bu.

"Trung Quốc theo hệ thống độc đảng, nhưng không phải là hệ thống một người", ông Zheng Yongnian từ Đại học Quốc gia Singapore nói.

"Trước khi có thể phát biểu trước công chúng, quý vị phải đạt được sự đồng thuận giữa giới lãnh đạo, bởi vì bản báo cáo không thể hiện ý kiến của một người mà thể hiện quan điểm của giới lãnh đạo."

Diễn văn thường niên là văn kiện quan trọng nhất một chính trị gia Trung Quốc có thể trình bày, có tầm quan trọng tương tự diễn văn Toàn Liên bang của các Tổng thống Hoa Kỳ.

Thường diễn văn này được chia thành hai phần: nhìn lại các sự kiện của năm trước và lên kế hoạch cho năm tới.

Theo ông Zheng, giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Singapre, công tác chuẩn bị bản báo cáo được bắt đầu từ vài tháng trước ngày đọc.

Toàn bộ các bộ thuộc trung ương, các tổ chức nghiên cứu và các lãnh đạo các tỉnh thành đều đóng góp ý về việc cần đưa những nội dung gì vào bản báo cáo, và theo truyền thống thì tài liệu này thường được đọc trong ngày khai mạc phiên họp hàng năm của quốc hội Trung Quốc.

Đại biểu quốc hội Peter Wong, từ Hong Kong, đã xem một số tư liệu của bản báo cáo năm nay cách đây vài tuần.

Ông sau đó đã gửi một bản ghi nhớ cho Thủ tướng Trung Quốc, thông qua văn phòng liên lạc của quốc hội đặt tại Hong Kong, nêu chi tiết các đề xuất và sửa đổi của riêng mình.

Cách đây ít tuần, ông nói với BBC: "Phần góp ý của tôi tập trung vào những gì đã không được thực hiện và cần phải được xử lý, đặc biệt là việc cần làm chặt chẽ hơn hệ thống pháp luật để tăng cường tính hiệu lực của các quy định pháp luật."

Ông hy vọng đề xuất của ông sẽ được đưa vào nội dung bản báo cáo.

Ông Wong nói năm nay, giới lãnh đạo Trung Quốc đã thu thập và tìm kiếm các ý kiến đóng góp rộng khắp hơn bao giờ hết.

Tìm sự chấp thuận

Tháng trước, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, đã công bố một bài viết về cách thức ông Ôn Gia Bảo mời một nhóm "dân thường" tới tòa nhà của giới lãnh đạo quốc gia tại Bắc Kinh và lắng nghe quan điểm của họ về việc nên đưa những nội dung gì vào bản báo cáo.

Lắng nghe ý kiến nhân dân sẽ giúp chúng ta biết được các chính sách của chính phủ đang được thực hiện ra sao ở cấp cơ sở, và biết được là người dân đang đối mặt với những khó khăn gì.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo


Trong nhóm này có một lao động ngoại tỉnh, một bác sĩ và một nhà nông.

Họ đã đề xuất một loạt chủ đề từ việc cần đầu tư nhiều hơn nữa vào các dự án nước sạch nông thôn, hỗ trợ thêm cho người cao tuổi và bảo vệ nhiều hơn nữa đối với công nhân nhập cư.

Tân Hoa xã trích lời ông thủ tướng nói: "Lắng nghe ý kiến nhân dân sẽ giúp chúng ta biết được các chính sách của chính phủ đang được thực hiện ra sao ở cấp cơ sở, và biết được là người dân đang đối mặt với những khó khăn gì."

Điều này có thể được xem như là một màn kịch do chính phủ dàn dựng, một chính phủ vốn không cho phép công dân của mình hưởng quyền tối thượng trong việc có ảnh hưởng đến chính sách thông qua quyền bỏ phiếu.

Nhưng ít nhất thì các quan chức Trung Quốc cũng cần thể hiện rằng họ rất muốn lắng nghe để biết nhu cầu và ý kiến của nhân dân - và họ cũng đang cố gắng thể hiện điều đó.

Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tổ chức một cuộc thăm dò trực tuyến để tìm hiểu xem mọi người muốn quốc hội thảo luận về những chủ đề gì.

Giá cả tăng cao là một trong những mối quan tâm lớn, đó là lý do tại sao chính phủ là rất quan ngại về mức lạm phát cao hiện nay.

Những gì chính phủ đang muốn tìm kiếm là đạt được sự đồng thuận, và đó là những gì ông Ôn Gia Bảo được hy vọng sẽ đạt được thông qua bản báo cáo năm 2011 của mình.

Năm ngoái, bản báo cáo đã được 2.836 trong số 2.909 đại biểu quốc hội chuẩn thuận. Năm nay, ông thủ tướng sẽ muốn đạt được kết quả tương tự.


Theo BBC Vietnamese
 
Back
Top