Trong những ngày lang thang ở Thái Bình, đi qua các cánh đồng, các khu chợ, tôi nhận thấy ở vùng quê năm tấn này, có một nghề khá đặc biệt: nghề săn cò.
Tin liên quan
Liệu đàn cò có mãi mãi được trú ngụ ở trang trại này? Ảnh: Nguyệt Diễm.
Việc săn cò khá đơn giản. Người săn cò chỉ việc cắm những que tre như những cái đũa, tẩm nhựa thông thành hàng lối ở bờ ruộng, rồi buộc chân vài con cò mồi ở đó. Khi trên trời xuất hiện đàn cò trắng, lúc đi ăn và lúc về tổ, họ giật giật cho mấy chú cò mồi dưới đất vỗ cánh. Đàn cò trên trời tưởng bạn bè đang kiếm được chỗ nhiều tôm cá liền liệng xuống. Thế là chúng lũ lượt dính bẫy.
Chợ sáng, chợ chiều ở các vùng quê Thái Bình kiểu gì cũng có một vài lồng tre nhốt cò bán. Những con cò bị buộc chặt hai mắt, đứng ủ rũ trong lồng. Một số bị buộc tréo cánh, nằm ngẩn ngơ dưới đất cùng với gà, vịt. Người ta mua về, chỉ 20 ngàn/đôi, đập một phát chết tươi, nhổ lông sạch trụi, đem thui vàng rồi chế biến thành khá nhiều món ăn.
Thậm chí, ở nhiều chợ lớn, như chợ Gú ở thị trấn Diêm Điền, người ta còn thui sẵn hàng trăm con cò, chất thành một đống to tướng. Ai khoái thịt cò, chỉ việc mua về chặt ra xào xả ớt, là nhậu nhẹt tưng bừng. Người Thái Bình đi xa về quê, cũng nhét vài đôi cò trong cốp xe, đem lên Hà Nội thết đãi bạn bè món đặc sản quê nhà.
Anh Bùi Thanh Bẩy đã thiệt hại nhiều tỉ đồng để có chỗ cho cò trú ngụ. Ảnh: Nguyệt Diễm.
Sự săn lùng ráo riết, khiến lượng cò mỗi ngày một giảm. Đàn cò tinh khôn với bẫy, không chịu dính nữa, thì đám thợ săn vác súng hoa cải đi tìm. Loại súng này bắn một phát ra vài trăm viên đại li ti như hạt gạo. Thợ săn tiến đến rừng sú vẹt ven biển, hét lên một tiếng, cả ngàn con cò sợ hãi bay kín đặc bầu trời. Thợ săn nhắm mắt, bóp cò, mấy trăm viên đạn bay ra như vãi trấu, hàng chục cò rơi lả tả.
Anh Huy, cán bộ biên phòng ở đồn Biên phòng Diêm Điền kể, các anh thường khốn khổ với việc truy đuổi mấy ông thợ săn từ tận Hải Phòng, Quảng Ninh về. Họ mặc áo rằn ri, trang bị súng ống hiện đại, có ống nhòm, có xuồng tốc độ cao, truy đuổi đàn chim dọc ven biển rất có nghề. Đám người này đi bắn một ngày, được vài bao cò. Họ mà phát hiện con rang (loài chim quý hiếm, có con nặng đến 10kg, sải cánh dài 2m), hoặc sếu đầu đỏ, thì họ sẽ theo đến cùng, bắn hạ bằng được.
Theo anh Bùi Thanh Bẩy, để bảo vệ được đàn cò, không những phải bảo vệ được chúng khi chúng ở trang trại, mà còn phải bảo vệ được chúng khi chúng đi kiếm ăn. Không vào được trang trại của anh Bẩy để săn cò, đám thợ săn thường đặt bẫy ở xung quanh để đón đàn cò lúc rời trang trại đi kiếm ăn và lúc về trang trại trú ngụ. Đuổi đám săn cò không được, anh đứng ở cạnh chỗ họ đặt bẫy. Hễ thấy đàn cò xà xuống, anh lôi… pháo ra đốt nổ đùng đoàng. Cò hoảng, không dám xuống nữa.
Một góc trang trại cò. Ảnh: Nguyệt Diễm.
Hầu như không ai được vào khu "rừng", nơi cò trú ngụ. Ảnh: Nguyệt Diễm.
Có lần, đám săn cò tức quá, tố cáo công an việc anh Bẩy đốt pháo lậu. Không dám đốt pháo, anh lôi xoong nồi, xô chậu, thúng mủng ra gõ. Hễ cò định xuống bẫy, anh lôi những thứ có sẵn ra gõ um tỏi. Đám thợ săn không kiếm ăn được, nên đành phải tháo lui.
Tuy nhiên, không phải ai cũng giữ được vườn cò kiên trì như người nông dân Bùi Thanh Bẩy, không phải ai cũng có tình yêu vô bờ bến với cò như anh Bẩy. Đã không ít người xúi anh Bẩy rằng, sao không mở một cái nhà hàng đặc sản chim cò mà làm giàu. Vừa được xem cò, lại được thưởng thức thịt cò, có mà khách đông nườm nượp.
Tôi đã từng lạc vào đồi cò Ngọc Nhị rộng tới 4ha ở Ba Vì (Hà Nội) ngắm nghía hàng vạn cánh cò trắng muốt, để rồi đau đớn nhận ra một sự thật: hằng đêm, người ta vẫn mò vào rừng cò, dùng cái thòng lọng kéo cổ từng con cò béo nẫn xuống, nhốt vào lồng, để thực khách là những ông háo của lạ lựa chọn. Nói không ngoa, mấy ông bụng to chán chê món ăn phố phường, cũng đứng chỉ trỏ, chọn lựa cò, y như chọn… cave vậy. Thực khách ngồi đợi, từ lúc nghe thấy tiếng đập cò “óp, óp”, chỉ vài phút sau, đủ các món đặc sản cò nướng, cò quay, cò tần, chả cò… đã bày biện trước mắt. Mùa đông thì có thêm món lẩu cò nghi ngút khói.
Để không “xơi” sạch đàn cò, khiến chúng bỏ đi (chúng mà đi hết, thì làm gì còn du lịch sinh thái ngắm cò và xơi cò nữa), ông chủ đồi cò này phải liên hệ với các chủ đồi cò ở nơi khác nữa. Bằng chứng là bà Khiêm, người mẹ già cả đời chăm lo, hy sinh cho đàn cò ở ngọn đồi Trầm Sai (thôn Dừa Lẽ, Hải Lựu, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đã kể với tôi, lên án rằng, cái ông chủ đồi cò Ngọc Nhị đã mấy lần lên gặp bà gạ gẫm bà cung ứng cò thịt cho nhà hàng đặc sản của ông ta.
Tôi đã từng gặp ông Đặng Đình Quyển, chủ vườn cò Đào Mỹ (Lạng Giang, Bắc Giang), người đã có 30 năm nuôi cò vạc, từng được Giải thưởng môi trường và rất nhiều bằng khen, giấy khen trong việc bảo vệ đàn cò hàng vạn con. Ông Quyển cũng kể rằng, cái anh chủ đồi cò Ngọc Nhị cũng không ít lần gặp ông ra giá: cò bợ 8 ngàn, cò trắng 10 ngàn, cò lửa 15 ngàn… Tất nhiên là ông Quyển từ chối. Làm sao ông nỡ làm thịt những con cò đã sống với ông suốt 30 năm trời? Làm sao ông nỡ kiếm lời trên lưng cánh cò lam lũ?
Anh Trần Duy Quỳnh đã phải bán trang trại vì... cò về đậu. Ảnh: Nguyệt Diễm.
Hiếm có ai yêu cò, thương cò suốt mấy chục năm nay như bà Khiêm. Ảnh: Nguyệt Diễm.
Nhưng rồi, đột ngột, một hôm, tôi nghe tin từ một đồng nghiệp ở báo Bắc Giang rằng, ông giáo Quyển đang có ý định đăng báo bán vườn cò với giá 700 triệu đồng. Đã có nhiều nhà báo tìm lên tận nơi, nhưng chả ai trách cứ vợ chồng ông Quyển được điều gì cả. Vườn cây cổ thụ không thu được gỗ, vườn vải mấy héc-ta không thu được quả nào. Mấy mươi năm nay, đại gia đình ông phải sống trong cảnh hôi tanh, mất ăn mất ngủ vì tiếng kêu của cò, vì tiếng súng bắn cò. Thậm chí, vợ chồng ông đã không ít lần không nhìn mặt nhau chỉ vì đàn cò.
Trách vợ chồng ông Quyển sao được. Chỉ biết thương xót cho phận cò!
Cũng ở Thái Bình, giữa dòng sông Hồng cuộn sóng, đoạn chảy qua xã Vũ Vân, Vũ Thư, có một bãi bồi mênh mang với lau lách ngập cổ. Giữa bãi bồi ấy, xuất hiện một chàng trai đầu trọc, râu rậm kín cằm, từng đi lao động ở Nga về. Chàng trai ấy là Trần Duy Quỳnh. Anh thả hàng trăm con bò cho chúng gặp sạch cỏ, hàng vạn con vịt bơi trắng ngoài sông, rồi trồng mấy ha chuối, trồng đủ các loại cây, có cả cây cối có nguồn gốc từ châu Âu nơi anh gắn bó bao kỷ niệm.
Nhưng rồi, một ngày, đàn cò kéo về rợp trời, đậu trắng toát cả vườn chuối. Anh Quỳnh hào hứng khó tả, yêu cò khôn xiết. Anh làm cả một cây cầu treo ra bãi giữa sông Hồng cho khách đến xem, rồi ôm ấp bao ước vọng biến khu bãi giữa thành khu du lịch hoành tráng.
Thế nhưng, hai năm sau, trở lại vườn cò ở bãi giữa sông Hồng, tôi không còn thấy vườn chuối, cánh cò và Robinson Quỳnh đâu nữa. Người dân ở đây bảo, Quỳnh yêu cò lắm, nhưng vì yêu cò mà sự nghiệp làm giàu của anh đổ bể. Cò mang lại cho anh tình yêu thiên nhiên, nhưng nó không mang lại tiền bạc gì cả, thậm chí, cái thứ phân tanh ngòm, rất mặn, đã tiêu diệt hết các loài cây cỏ anh trồng. Thế là trắng tay. Anh đã bán bãi giữa. Tội nghiệp đàn cò.
Trở lại với câu chuyện ở vườn cò ven biển thuộc xã Thụy Liên của lão nông Bùi Thanh Bẩy. Anh Bẩy bảo, anh chưa đến mức kiệt quệ vì cò, nhưng sớm muộn, đàn cò sẽ cướp đi tất cả của anh. Cả một trang trại rộng tới 7ha, đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền của, mà không thu hoạch được gì nhiều vì cò kéo về ở.
Anh Bẩy đang tìm giải pháp cho vườn cò và cuộc sống riêng của mình, song chưa thành công. Cho không chính quyền để bảo tồn, nhưng không cơ quan nào nhận, vì chả tội gì “ôm rơm nặng bụng”, còn cho không hoặc bán cho cá nhân nào đó, thì anh chả yên tâm rằng họ sẽ yêu cò như anh. Anh chỉ mong, có đại gia nào đó, yêu thiên nhiên, mà đầu tư bảo tồn vườn cò, rồi phát triển nó thành khu du lịch, tham quan, để tạo được nguồn thu, để có tiền tiếp tục trồng cây, bảo tồn, chăm sóc đàn cò.
Nhưng, mơ ước của anh Bẩy khó lắm thay. Có ai dại dột làm cái việc lỗ nhiều, lời ít như anh chứ. Không biết khi nào thì “người cha” Bùi Thanh Bẩy sẽ rao bán hàng vạn “đứa con” của mình!
Nguyệt Diễm