Bàng hoàng án mạng từ bạo lực học đường

Jolie

Member
[h=2]Xahoi - Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhoi mà một nữ sinh lớp 9 cầm dao lao vào “ăn thua” với bạn. Một người chết, một đi tù, tất cả chỉ vừa mới bước qua tuổi 15.[/h]
bi-cao.jpg

Bị cáo Lê Thị Hà Trang trước tòa
Từ “oán thù” con trẻ…
Đến giờ, nhiều người dân ở Mỹ Đức, Hà Nội vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến vụ án giết người xảy ra ở trường THCS Đồng Tâm. Cả nạn nhân Phạm Ngọc Ánh (SN 1997) và hung thủ Lê Thị Hà Trang (SN 1997) đều còn rất trẻ, chúng mới chỉ ở tuổi 15 và còn đương ngồi trên ghế nhà trường. Tất cả bắt nguồn từ những mâu thuẫn hết sức vụn vặt của tuổi học trò…
Theo lời khai của Trang thì cô và Trần Thị Hoài (SN 1997, ở Mỹ Đức, Hà Nội) là bạn học cùng hồi lớp 7. Tuy không “cùng hội cùng thuyền”, không “con chấy cắn đôi” nhưng Trang và Hoài cũng chẳng có gì gọi là thù oán.Tất cả mâu thuẫn chỉ bắt đầu nhen lên từ sau một lần cả nhóm chơi bài. Hôm đó, do thua nhiều và phải quỳ liên tục nên giữa Trang và Hoài có xảy ra xô xát. Từ đó, hai người xem nhau như “kẻ thù” và thề “không đội trời chung”.
Thời điểm đó, Hoài vốn chơi thân với nhóm bạn gồm Trần Thị Ngọc Lan (SN 1997), Cao Thị Kiều Loan (SN 1997), Phạm Ngọc Ánh (SN 1997), Lê Thị Ánh (SN 1997), Lương Thị Ngọc Huyền (SN 1998, đều là học sinh lớp 9, trường THCS Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Để tạo nên “phong cách riêng” và muốn thể hiện “sự khác biệt”, nhóm này tự đặt tên cho mình là “Nhóm G6”. Dù đi đâu, làm gì thậm chí cả trong cách ăn mặc, G6 cũng luôn thể hiện sự đồng nhất vì nghĩ rằng, “thế bọn nó mới nể!”. Tuy không đến mức “cắt máu ăn thề”, nhưng G6 luôn coi mâu thuẫn của một người trong nhóm là mâu thuẫn chung và “oán thù thì sẽ cùng nhau trả”. Thế cho nên, chính vì Trang đã “trót” có mâu thuẫn với Hoài và cô nhiều lần bị G6 kiếm cớ gây sự rồi hùa vào đánh hội đồng.
Thậm chí, Hoài có lần còn nhờ cả bạn trai của mình chặn đánh Trang ngay ở cổng trường để dằn mặt “cho bõ ghét” vì cái “tội” dám xinh hơn, sành điệu hơn G6. Sau những xích mích của đám học trò, trường THCS Đồng Tâm đã ra quyết định kỷ luật và yêu cầu gia đình các nữ sinh phải có biện pháp giáo dục, ngăn chặn các cháu không được tái phạm. Đồng thời, nhà trường cũng đã phải chuyển Trang sang học lớp khác nhằm tránh xung đột với nhóm của Hoài, nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy, G6 vẫn không thôi hằn học với Trang.
Sáng ngày 25/5/2012, khi Trang vừa ra đến cổng trường thì bị Nguyễn Văn H (SN 1993, trú tại huyện Mỹ Đức) là bạn của Cao Thị Kiều Loan chặn đánh. Vì lúc đó đúng vào giờ tan học nên nhờ mọi người can ngăn mà Trang chạy thoát. Về đến nhà, cô đem chuyện bị “săn” kể cho anh trai mình là Lê Đình Thắng nghe. Chiều hôm đó, Thắng nhờ người gọi Hoài ra sân nhà văn hóa thôn để nói chuyện nhằm giải quyết mâu thuẫn giúp em mình.Thế nhưng khi hai bên gặp nhau, lời qua tiếng lại, Trang xông vào đánh Hoài.Thấy mình yếu thế, Hoài bỏ chạy. Sự việc không dừng lại ở đó, Trang và nhóm của Hoài sau đó nhiều lần nhắn tin, gọi điện chửi bới xúc phạm nhau, đẩy mối mâu thuẫn ngày một lên cao.
Sáng 30/5/2012, Trần Thị Hoài và Phạm Ngọc Ánh đến trường ôn thi vào lớp 10. Khi đi lên tới cầu thang lên tầng 2, nhóm nữ sinh này bị Trang chặn lại hỏi: "Đứa nào tung tin đồn là tao đi ngủ với trai?". Hoài đáp: "Tao nói đấy!". Hai bên xảy ra cãi vã kịch liệt. Thấy Ánh nói mình là “con nhà không có học", Trang liền lấy con dao nhọn để trong cặp ra đâm bạn. Thấy Ánh ngã ra đất, Hoài xông vào định cứu thì cũng bị Trang đâm một nhát trúng ngực. Quá hoảng sợ, Hoài ôm vết thương bỏ chạy. Sau khi gây án, Trang cầm dao chạy trốn còn Hoài và Ánh được người dân đưa đi cấp cứu. Thế nhưng do vết thương quá nặng, Ánh đã tử vong. Khoảng 16h cùng ngày, Trang được gia đình đưa đến Công an huyện Mỹ Đức đầu thú.
hientruongjpg1369751396.jpg

Hiện trường vụ án
… Đến nỗi đau của cả cộng đồng
Mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa Lê Thị Hà Trang ra xét xử về tội giết người. Trước tòa, Trang đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Trang bảo, lúc đó cũng chỉ vì quá uất ức do bị đánh, lại bị xúc phạm đến gia đình, bố mẹ nên cô không kiềm chế được nên mới gây tội ác. Lý giải về con dao gây án, Trang khai rằng trên đường đi học thì nhặt được, chứ cô không có ý chuẩn bị từ trước. Đồng thời, ông Lê Văn M, bố ruột của Trang cũng không giấu nổi bức xúc khi cho rằng, con gái mình phạm tội là do “tức nước vỡ bờ”, do bị “áp bức” quá nên “con giun xéo mãi cũng phải quằn”.
“Thời gian đó, Trang nhiều lần bị các bạn "đánh hội đồng" đến thâm tím khắp người. Thậm chí, nhiều hôm nhóm học sinh kia còn kéo theo bạn mang cả hung khí đến tận nhà tôi định gây chuyện. Lắm lúc lo cho con, tôi còn phải “mật phục” ở cổng trường rồi cả trên đường đi học về để ngầm bảo vệ cho cháu. Trước đấy, tôi cũng đã gặp nói chuyện với phụ huynh của “nhóm G6”, nhưng vẫn không hóa giải được mâu thuẫn. Hết năm lớp 8, thấy Trang hay bị bạn bè tìm đánh, tôi đã xin cho cháu sang lớp khác để tránh hậu họa sau này. Cứ tưởng như thế rồi mọi việc sẽ yên, tuổi trẻ “mau giận, nhanh quên”, nào ngờ cháu vẫn liên tục bị các thành viên trong nhóm này rủ bạn bè về chặn ở cổng trường đánh. Sợ quá, cháu Trang còn bảo tôi: “Hay bố xin cho con sang trường khác, chứ còn học ở trường này thì không yên với nhóm đấy đâu!”.Tôi cũng đã tính khi cháu vào lớp 10, sẽ cố gắng xin cho cháu vào học trường ở xa. Thế nhưng, chưa kịp xin thì đã xảy ra chuyện rồi!”, ông M chia sẻ.
Khi ông M vừa nói dứt lời, không khí phiên tòa trở nên căng thẳng. Các bậc phụ huynh hai phía liên tục đổ lỗi cho nhau vì không biết giáo dục con mình nên mới để xảy ra hậu quả đau lòng. Chỉ duy nhất có một người đàn bà quấn khăn tang ngồi khóc lặng lẽ suốt phiên tòa, đó là mẹ của nữ sinh Phạm Ngọc Ánh, nạn nhân trong vụ án này. Mỗi khi nghe tòa gọi hỏi, bà nặng nhọc vừa ôm tấm di ảnh của con gái, vừa đề đạt nguyện vọng mong tòa đưa ra một phán quyết đúng người đúng tội, thấu tình đạt lý.
Còn bà T, mẹ của Trang, cũng không giấu nổi nỗi đau khi con gái mình sa vào vòng lao lý. Từ đầu đến cuối phiên tòa, bà chỉ khóc. Bà bảo: “Vợ chồng tôi vất vả, lam lũ cả đời chỉ mong con ăn học nên người. Nào ngờ mới đến lớp 9 mà chúng nó đã đổ đốn chia bè kết phái để làm khổ người lớn thế này cơ chứ! Mấy hôm đó thấy con về mặt mày thâm tím, tôi đã gặng hỏi rồi khuyên cháu thôi tạm ở nhà một thời gian, nhưng cháu bảo phải đến trường để học ôn, chứ không thì vào cấp 3 khó lắm. Thậm chí cháu còn dọa nếu trượt cháu sẽ tự tử, sợ con mình làm thật, tôi đành cho cháu đến trường. Vả lại hôm trước cụ ngoại cháu mới mất, nên gia đình còn bận lo việc tang gia, không chú ý gì đến cháu nên mới xảy ra chuyện…”.
Khi được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, Trang nghẹn ngào: “Chỉ vì quá tức giận khi bị xúc phạm, không biết kiềm chế bản thân nên bị cáo mới gây nên tội. Nay bị cáo đã biết lỗi của mình rồi, chỉ mong HĐXX mở lượng khoan hồng cho bị cáo cơ hội làm lại cuộc đời…”.
Cho rằng để xảy ra vụ án đau lòng này cũng có một phần lỗi của bị hại, còn bị cáo thành khẩn khai báo, bản thân chưa có tiền án tiền sự, lại gây án khi chưa đủ tuổi vị thành niên nên HĐXX tuyên phạt Lê Thị Hà Trang 9 năm tù. Khi chủ tọa phiên tòa vừa mới dứt lời, Trang gục xuống vành móng ngựa khóc như mưa. Phải nhờ đến khi các chiến sỹ Công an làm nhiệm vụ áp giải cô mới nặng nề cất bước, bàn tay cố chìa ra cho mẹ nắm. Người mẹ già nua khắc khổ vội vã tìm tay con, chiếc làn đựng đồ tiếp tế rơi xuống, hoa quả lăn lông lốc.
Chứng kiến cảnh đó, rất nhiều người đã không cầm được nước mắt.Họ tiếc xót cho những nữ sinh vừa mới 15 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất đời người. Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhoi cộng với sự bồng bột mà những con người ấy tự đẩy mình và người thân vào bi kịch. Cũng có rất nhiều câu nói “giá như” đằng sau phiên tòa đẫm nước mắt này. Giá như các bậc phụ huynh quan tâm, chăm chút đến con cái mình hơn; giá như nhà trường với chính quyền địa phương có hành động, biện pháp kịp thời trong việc ngăn chặn, giải quyết triệt để những “ân oán” học đường, thì sự việc đâu đến nỗi? Có lẽ, vụ án này sẽ là bài học cho tất cả mọi người.




 
Back
Top