T
T$
Guest
Truyền thông trong nước tiếp tục đặt câu hỏi về thời điểm Việt Nam lựa chọn để đăng cai Á vận hội - Asiad 18 với các câu hỏi xoay quanh tính khả thi về tài chính, cơ sở vật chất, chuẩn bị nhân sự trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy.
Hôm 2/12/2012, người đứng đầu ngành văn hóa, thể thao và du lịch của Việt Nam, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã xuất hiện trên một chương trình hỏi đáp với Bộ trưởng của Đài truyền hình Quốc gia để trấn an về lựa chọn được cho là đúng đắn của các quan chức chính phủ ở Việt Nam.
Hôm Chủ Nhật, ông Tuấn Anh giải thích với chương trình 'Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời' của kênh VTV1 rằng việc lựa chọn đăng cai sự kiện thể thao châu Á vào năm 2019 nhằm đáp ứng đồng thời các mục tiêu từ chính trị tới văn hóa, trong đó mục tiêu chính theo ông là "khẳng định và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam."
Ông Bộ trưởng cũng khẳng định đã có kế hoạch và phương án huy động, sử dụng kinh phí đầu tư lên tới 150 triệu đô-la (tương đương 3.000 tỷ đồng VN) tổ chức Á vận hội, cũng như tận dụng các công trình hậu đại hội, theo đó "khoản kinh phí 150 triệu đô-la cho Asiad 18 lấy từ ngân sách nhà nước."
Ngoài ra, theo ông, Ban tổ chức sẽ huy động sự đóng góp từ "các nguồn vốn xã hội hóa" và đóng góp khác của các đoàn tham gia và đưa ra đảm bảo sẽ không chi vượt mức kinh phí đã được dự kiến.
Quan chức đứng đầu ngành thể thao, văn hóa cũng cho hay các nhà tổ chức sẽ dành 568 tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa các công trình hiện có, chi 2 nghìn tỷ đồng để xây dựng một số hạng mục mới và dành 1 nghìn tỷ đồng phục vụ công tác tổ chức.
Trong một trao đổi gần đây với BBC Việt ngữ, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympics Châu Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympics Việt Nam, cho rằng việc giành được quyền đăng cai là một cơ hội "ngàn năm có một" và là một "cú hích lịch sử" với thể thao cũng như với đất nước, con người Việt Nam.
Ông cũng cho rằng Việt Nam tích lũy đủ kinh nghiệm sau khi tổ chức những sự kiện khu vực như giải Sea Games 2003 và được sự tín nhiệm của 45 quốc gia ở khu vực khi được chọn để đăng cai sự kiện 7 năm tới đây.
Về cách thức sử dụng, khai thác quy mô kinh phí, ông Giang nói Việt Nam sẽ "không hoành tráng, không sa hoa" và theo ông Ban Tổ chức sẽ chỉ thực hiện một tổng kinh phí đầu tư cho sự kiện bằng 1/6 hay 1/8 kinh phí mà Trung Quốc đã thực hiện khi tổ chức Á vận hội ở Quảng Châu, với lợi thế mà theo ông đã đáp ứng tới "80% cơ sở vật chất sẵn có" mà không phải xây mới thêm.
Băn khoăn
"Khi đăng cai tổ chức ASIAD, phần lớn các nước chủ nhà đều thua lỗ"
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm nói với Sài Gòn Tiếp Thị
Tuy nhiên, truyền thông trong nước có vẻ vẫn băn khoăn về năng lực đăng cai sự kiện thể thao của Việt Nam. Riêng về mặt kinh phí đầu tư và chất lượng tổ chức, tờ Sài Gòn Giải Phóng gần đây đặt vấn đề:
"Dù đưa ra đề án chỉ dùng có 150 triệu USD để tổ chức Asiad 18, tức là mức thấp kỷ lục trong lịch sử của các đại hội thể thao tầm vóc khu vực trở lên nhưng con số này chưa nói hết tất cả các vấn đề nan giải của nhà tổ chức," tờ báo này nói.
"Con số 150 triệu USD là ngân sách dự chi để tu sửa các cơ sở vật chất hiện có phục vụ Asiad 18, gần như không xây mới chứ trên thực tế, Asiad 2014 sắp diễn ra ở Incheon (Hàn Quốc) dự trù gần 2 tỷ USD. Trước đó, số tiền chi cho Quảng Châu 2010 được cho là lên đến 122 tỷ nhân dân tệ (17 tỷ USD) dù dự chi ban đầu chỉ … 2 tỷ nhân dân tệ."
Tờ báo này cảnh báo các nhà tổ chức có thể sẽ chi vượt mức kinh phi 150 triệu được dự toán
"Nếu đúng quy mô tổ chức, con số sẽ cao hơn nhiều chục lần. Theo thống kê trung bình từ Olympic, Asiad, ngân sách tổ chức (ngoài cơ sở vật chất) chiếm 10-20% tổng ngân sách chuẩn. Nghĩa là dù chúng ta tiết kiệm chi phí cơ sở vật chất xuống còn 150 triệu USD thì các nguồn chi tổ chức (an ninh, giao thông, tình nguyên viên, truyền hình, quảng cáo, phục vụ thi đấu…) không thể tiết giảm.
"Con số này ở Quảng Châu 2010 gần 500 triệu đô-la, tại London 2012 là 400 triệu đô-la. Với đà tăng vật giá hiện nay, 7 năm sau các khoản chi bắt buộc khác khó mà dự báo."
Trước đó, một tờ báo khác, tờ Sài Gòn Tiếp Thị dẫn lời một số đại biểu quốc hội đưa ra các cảnh báo, quan ngại xung quanh việc tổ chức sự kiện, mà một vài trong số các ý kiến cho rằng việc tổ chức có thể chỉ nghiêng về tác dụng chính trị, quảng bá, nhiều hơn là đặt vấn đề hiệu quả kinh tế.
"Khi đăng cai tổ chức ASIAD, phần lớn các nước chủ nhà đều thua lỗ. Việt Nam không khác gì, nhưng có cái này, việc tổ chức ASIAD ít người tính đến kinh doanh lỗ lãi mà là làm chính trị, thương hiệu nhằm vào vị thế của mình trên trường quốc tế, chứ việc kinh doanh lãi cái này là không có đâu," tờ này dẫn lời Đại biểu tỉnh Thái Bình, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Việt Nam nói.
Tiền đâu?
Cũng tờ này dẫn lời một đại biểu quốc hội khác, dân biểu Lê Như Tiến thuộc tỉnh Quảng Trị đề cập vấn đề "thất thoát, lãng phí" trong xây dựng các công trình dự án cơ bản từ ngân sách nhà nước.
"Những mặt cần lưu ý là tham gia đăng cai cần lưu ý xây dựng cơ bản hiện nay mà đại biểu Quốc hội kêu rất nhiều là lãng phí thất thoát. Trong xây dựng cơ bản lãng phí thất thoát thường là lớn, hai là hệ số ECOR (hệ số đầu tư trên tăng trưởng) của mình so với các nước trong khu vực là rất cao, cao gần gấp đôi, cho nên càng đầu tư thì càng dễ dẫn tới thất thoát, lãng phí.
"Thứ ba là các cơ sở vật chất trước đây, qua Sea Games 22 thì để lại rất nhiều phải tận dụng hạ tầng thể thao đã có, nâng cấp lên, tránh xây mới dàn trải nhiều nơi," đại biểu được tờ Sài Gòn Tiếp thị dẫn lời.
Hôm 03/12, một chuyên gia về kinh tế xây dựng thuộc Tổng Hội Xây dựng Việt Nam không muốn tiết lộ danh tính nói với BBC Việt ngữ:
"Hiện ở Việt Nam rất khó đo đếm chính xác tỷ lệ lãng phí, thất thoát vốn xây dựng, hoặc đo hệ số chất lượng tổng thể toàn bộ các công trình bằng ngân sách nhà nước, tuy nhiên đúng là có hiện tượng không ít các công trình có dấu hiệu xuống cấp nhanh do sử dụng sai mục đích, nhiều công trình thể thao không phải là ngoại lệ."
Riêng về huy động tài lực trong các doanh nghiệp và xã hội, chuyên gia này nói: "Kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn, các doanh nghiệp trong nước cũng khó, các doanh nghiệp trường vốn của nước ngoài cũng đang phải xem xét môi trường đầu tư, hoặc tài trợ, 150 triệu đô-la cũng không lớn, nhưng với tổng kinh phí phát sinh lớn hơn, việc kiếm các nhà tài trợ và đầu tư hiện nay cũng không dễ như trước."
Tuy nhiên, bên cạnh bài toàn kinh tế, tài chính, giới hâm mộ thể thao trong nước cũng đặt vấn đề về việc chuẩn bị thế hệ vận động viên đủ năng lực đại diện cho Việt Nam với tư cách chủ nhà Á vận hội cho kịp trong 7 năm tới.
Một cựu quan chức ngành thể thao Việt Nam từng nắm giữ chức vụ lãnh đạo Vụ Thể thao Thành tích cao trước đây đã bày tỏ với BBC về băn khoăn của ông xung quanh công tác huấn luyện, thi đấu và chuẩn bị cho các vận động viên cho nhiều sự kiện khu vực và quốc tế, kể cả Olympics.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Việt Nam không đạt nhiều thành tích cao có thể là do việc đầu tư đào tạo thiếu hệ thống, thiếu thời gian và thiếu các điều kiện đầu tư chuyên nghiệp, điều có thể nhận thấy qua kỳ Thế vận hội mùa Hè vừa qua.
Tại London 2012, cả hai đoàn Olympics và Paralympics của Việt Nam đều không dành được bất kỳ một Huy chương nào và được cho là có thành tích tụt hậu so với hai kỳ Olympics trước đó ở Bắc Kinh và Sydney, tuy Á vận hội rõ ràng là một đấu trường ở mặt bằng khác, dù Việt Nam khi đó sẽ xuất hiện với tư cách và vị thế là chủ nhà.
Theo BBC Vietnamese