Bảo bối kỳ dị của thầy mo danh tiếng bậc nhất xứ Mường

Jolie

Member
Bảo bối kỳ dị của thầy mo danh tiếng bậc nhất xứ Mường

Không chỉ nghe truyền miệng mà thuộc nằm lòng hơn 5 vạn câu sử thi "Đẻ đất đẻ nước" (Truyện Kiều cũng chỉ dài 3.254 câu), thầy mo thế truyền Bùi Văn Lựng còn là một nghệ nhân diễn xướng mo Mường danh tiếng vang tận Châu Âu và là một trong số ít người nắm giữ những phong tục tập quán cổ xưa của Mường Bi.


Thầy mo Bùi Văn Lựng có một chiếc chuông đồng cổ, quý giá vô ngần. Chuông to như chiếc chén tống, nặng chừng tám chín lạng, cao chừng 16 phân, màu đồng đen, chỗ quai cầm mòn nhẵn, bóng lên sắc vàng.


Trên đỉnh quai của chuông có đúc một tượng mặt người đội mũ cách điệu, theo phong cách đồ đồng Đông Sơn. Bao nhiêu năm cầm chuông xách gậy đi mo, gần đây thầy Lựng cũng mới biết, món bảo bối gia truyền này có tuổi đời đã 2.500 năm có lẻ.

Chiếc chuông cổ khoảng 2.500 tuổi của dòng họ Bùi

Cứ theo lời thầy Lựng thì từ hàng trăm năm trước, tổ tiên của ông đã dùng chiếc chuông cổ này mà giao tiếp với thần linh ở xứ Mường Bi, đến khi xuôi tay về với Mường Trời thì truyền lại cho con cháu. Đến đời thầy Lựng đã là đời thứ 7 dòng họ Bùi làm chủ nhân vật dụng không thể thiếu của các thầy mo khi hành lễ này.


Đỡ chiếc chuông từ tay thầy Lựng, rung lắc khẽ, giật mình bởi tiếng “đinh đang” lanh lảnh, sắc nhọn. Trả lại vị trí quen thuộc của nó, trang trọng trên chiếc bàn thờ góc cao phía Tây Bắc nhà sàn. Vì thường ngày đi mo, thầy Lựng hay dùng chiếc chuông phiên bản có tuổi đời ít hơn rất nhiều, do ông thông gia tặng.


“Chiếc chuông này đã theo tôi đi đọc mo làm lễ khắp các bản Mường, từ bên Hòa Bình sang Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa. Nó cũng đã sang tận châu Âu rồi đấy, khi người ta mời tôi qua Phần Lan diễn xướng mo Mường suốt cả gần chục ngày đêm…” - Giọng thầy mo Lựng nhẹ nhàng chậm rãi, nhưng không giấu nổi sự hãnh diện trong đôi mắt chợt ngời sáng lên.


Rằng, đến nay ông là thầy mo đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đã “đem chuông đi đánh xứ người”, thú vị là cả hai nghĩa của từ “chuông” đều đúng, tại Liên hoan diễn xướng và âm nhạc dân gian do Trung tâm Thông tin về Kalevala và Văn hóa Karjala của Phần Lan tổ chức vào năm 2011.
Thầy mo Bùi Văn Lựng đang diễn xướng mo Mường ở Sommelo, Phần Lan. Ảnh: Lê Hoa Lam

Thầy mo Lựng còn có một chiếc gậy quý dùng để trừ tà, được làm từ một thân cây rất hiếm gặp. Không phải thầy mo nào cũng may mắn có một cây gậy tương tự. Loài cây đó có tên là lụi, thường chỉ mọc trên chót vót đỉnh cao của núi đá hoang vu.


Thân cây lụi dài chừng 3m, gầy nhỏ khẳng khiu nên phải nép mình hoặc trườn rạp trên vách đá mà tránh gió. Gióng cây thẳng tròn, ruột đặc, không có cành, lá phủ tán như lá cọ, nói chung khá giống cây cau. Để ý tìm tòi suốt nhiều năm trời, run rủi thế nào mà gặp, mo Lựng đem về tạo nên cây chiếc gậy quý, cầm rất vừa tay.


Chất gỗ lụi cứng rắn, nhưng rất dẻo dai và nhẹ, như cau già vậy. Sống lâu năm trên đỉnh núi, chịu nắng mưa sương gió khắc nghiệt, chắt chiu dinh dưỡng mà sinh trưởng, nên gỗ lụi được cho là có rất nhiều linh khí.


“Mỗi dịp chuẩn bị đi lễ lạt, tôi thường thắp hương cho thần linh, làm phép cho gậy tại nhà mình rồi mới đem đi. Dựng cây gậy tại nhà gia chủ, ma quỷ đang ẩn náu đâu đó trên xà nhà, góc bếp, nhìn thấy đều phải kiêng nể chín phần” - thầy Lựng vẫn nói, giọng trầm trầm trang trọng.
Thầy mo Lựng lấy túi phép trên bàn thờ xuống cho khách xem

Bàn thờ ở nhà thầy mo Lựng rất khác với những chiếc bàn thờ quen gặp của người dân xứ Mường. Bàn thờ thần linh ngự trên cao, bàn thờ tổ tiên bên dưới. Ngôi cao nhất, đặt sát mái nhà là chiếc lọng phủ vải trắng để thờ Đức thánh Tản Viên. Tiếp đó là chiếc túi khót (túi phép) giữ “vía” và rất nhiều chuông đồng, kiếm cổ, là những báu vật của người làm thầy mo.


Giắt trên mái nhà và treo xung quanh bàn thờ là rất nhiều gậy, kiếm, dao… trông rất lạ kỳ và cổ kính. Dao kiếm đều có vỏ gỗ bọc lại, mỗi cán chuôi của kiếm dao đều bịt một chiếc sừng linh dương hay hươu, nai, trâu trắng quý giá mà mục đích không chỉ để trang trí cho đẹp đẽ.


Những chiếc túi vải trắng lớn nhỏ cũng được treo cẩn thận phía dưới, mỗi chiếc được dùng đựng đồ vật cho mỗi chuyến đi khác nhau. Những bộ mũ mãng và quần áo lễ chỉ có hai màu đen và xanh, nhưng cũng được xếp vào túi phù hợp cho lần đi đám tang hay đi làm vía, mát nhà…
Các bảo bối gia truyền vô giá của thầy mo Lựng

Nhà thầy mo Bùi Văn Lựng ở trung tâm bản Lầm, lồng lộng gió lùa về từ những ruộng lúa xanh mướt mát của thung lũng Mường Bi cổ xưa. Ngôi nhà sàn gỗ lợp mái ngói nhưng vẫn giữ kiến trúc của người Mường.


Trên các vì kèo của ngôi nhà hai gian hai chái khang trang, sạch sẽ đều chép một vài câu thơ của người xưa, đại loại: “Bần cư trung thị vô nhân vấn”, “Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”, “Phú quý tại gia nhờ tiên tổ”…


Khắp các cột nhà treo đầy những cặp sừng trâu và dã thú, phía ngoài cửa chính đi xuống cầu thang cũng có. Trên khung cửa có bó lá cọ khô và đủ loại các cây gai của rừng nhiệt đới, theo quan niệm mỗi lần người nhà đi qua đều được hưởng những tác dụng bí ẩn nào đó từ bó “oại thắn” này.


Lúc ngồi uống nước bên chiếc bàn gỗ đơn sơ bên góc nhà sàn, thầy mo Lựng nói nhiều về những bảo vật giúp một thầy mo trở nên bản lĩnh cao cường, có uy tín, được đồng nghiệp và bà con trong cộng đồng người Mường kính trọng.
Không chỉ thuộc làu sử thi Đẻ đất đẻ nước và rất nhiều bài mo khác, ông Lựng còn biết rất nhiều về đời sống tinh thần của người Mường Bi cổ xưa

Ngoài những điều tất yếu như thông thuộc các bài mo cổ, biết diễn xướng và “giao tiếp” với thần linh…, thì thầy mo phải biết làm bùa phép, xua đuổi ma tà. Công cụ hỗ trợ đắc lực của việc làm phép chính là “túi phép”.


“Tôi thuộc làu sử thi ‘Đẻ đất đẻ nước dài’ hơn 5 vạn câu cùng hàng chục bài mo dài khác, có thể kể và diễn xướng cả chục ngày đêm không hết. Nhưng túi phép của tổ tiên truyền lại có tác dụng đặc biệt, rất hiệu nghiệm khi trừ đuổi các giống ma tà gây hại và là vía mạnh cho thầy mo tự bảo vệ mình” - thầy Lựng bảo.


Kiễng chân với tay lên sát mái nhà, thầy mo Lựng đem túi phép từ vị trí trang trọng trên bàn thờ xuống. Không thấy mo Lựng mảy may ngần ngại khi đưa chiếc túi vải thưa rộng chừng gang tay chứa đầy bảo vật cổ kim cho khách phương xa khám phá.


Lê Quân



 
Back
Top