Bảo lãnh diện vợ chồng, hôn phu/hôn thê

T

T$

Guest
Nhận thấy có nhiều người ở Việt Nam xin thị thực vào Hoa Kỳ diện K-1 hay K-3 (hôn thê/hôn phu của công dân Mỹ) hoặc diện IR-1/CR-1 (diện vợ chồng) bị từ chối thị thực khi phỏng vấn ở Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại TPHCM, tôi cảm thấy cần viết bài này để hy vọng rằng các bạn có ý định bảo lãnh hay xin thị thực diện hôn thê/hôn phu hoặc diện vợ chồng chuẩn bị chu đáo hơn

Xin thị thực diện hôn thê/hôn phu hoặc diện vợ chồng ở Việt Nam khó hơn ở các nước khác. Tiêu chuẩn mà nhân viên lãnh sự ở Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại TPHCM áp dụng khá cao. Họ mong rằng người bảo lãnh phải đi đi về về nhiều lần, có sự cam kết lâu dài và có khả năng liên lạc tốt với hôn thê/hôn phu hoặc người phối ngẫu của mình nếu hai người không cùng ngôn ngữ.

Ngoài ra, họ cũng nghĩ rằng tất cả người bảo lãnh phải tổ chức một bữa tiệc đính hôn lớn theo thủ tục, nhưng không phải trong chuyến về đầu tiên.

Sau đây là một vài lý do từ chối của nhân viên lãnh sự :

Hình nộp làm bằng chứng quan hệ cho thấy người bảo lãnh và hôn thê/hôn phu chỉ ở chung với nhau bốn hoặc năm ngày.

(Đó "mật mã" của họ. Điều này có nghĩa rằng chỉ có một chuyến đi thì không có thị thực. Nếu chỉ có một chuyến về Việt Nam, số hình ảnh mà bạn nộp không quan trọng đối với họ). Không phải những cặp vợ chồng nào kết hôn ngay lần đầu tiên gặp gỡ cũng bị từ chối thị thực. Nếu họ có con sau khi kết hôn thì khả năng được cấp thị thực sẽ rất cao, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt,

Hình như quan hệ khai ra không liên tục và không đang xảy ra. Thí dụ, người bảo lãnh không về thăm hôn thê/hôn phu của họ trong vòng một năm.

Người hôn thê/hôn phu nộp bằng chứng chỉ có nghi lễ đính hôn nhỏ, không quan trọng và không có một người khách nào ở Hoa Kỳ tham dự. Điều này trái với những chuẩn mực xã hội và tiêu chuẩn văn hóa địa phương theo đó nhiều thành viên gia đình và bạn bè được mời, kể cả những người ở Hoa Kỳ, được mời dự lể đính hôn, lên đến cả trăm người ngay cả trong những gia đình với phương tiện phải chăng.

Trái với những chuẩn mực xã hội và văn hóa Việt Nam đòi hỏi một thời gian chuẩn bị trước hôn nhân lâu dài và thận trọng, người bảo lãnh và hôn thê/hôn phu đính ước với nhau trước khi gặp mặt nhau.

Thông thường, nhân viên lãnh sự có sẵn quyết định chấp thuận hay từ chối trước khi gặp người hôn thê/hôn phu, trước khi phỏng vấn. Do đó, việc bạn nỗ lực hơn thường lệ để làm một đơn bảo lãnh đầy đủ và thuyết phục ngay từ đầu quan là một việc cần thiết cho sự thành công của bạn. Nếu nhân viên lãnh sự đã có quyết định từ chối, họ sẽ đặt những câu hỏi chi tiết về việc cầu hôn, về quê hương của người bảo lãnh và về những kế hoạch đám cưới trong tương lai. Tất cả câu trả lời của người hôn thê/hôn phu sẽ không “đáng tin”.

Tiến trình quan hệ khai ra của người thừa hưởng không đáng tin. Thí dụ, người hôn
phu/hôn thê không nhớ thời điểm người bảo lãnh cầu hôn.

Người hôn thê/hôn phu không có những hiểu căn bản về nơi ở và/hay quê hương của người bảo lãnh (điểm đặc trưng, đặc thù, v.v…). Thí dụ, người hôn thê/hôn phu không biết nơi người bảo lãnh sống từ hai năm nay.

Người hôn thê/hôn phu không biết rõ kế hoạch đám cưới, nhà thờ nào, hay tòa án nào, khi nào tổ chức đám cưới.

Sau đây là danh sách những yếu tố mà nhân viên lãnh sự dựa vào đó để quyết định rằng hai người kết hôn nhằm qua mặt luât di trú:

- Sự việc diễn biễn nhanh chóng (kết hôn, ly hôn, v.v…).

- Khoảng cách tuổi – cách nhau từ 10 tuổi trở đi.

- Những cuộc hôn nhân trước của người bảo lãnh với người nước ngoài hay của người được bảo lãnh với công dân Mỹ hoặc thường trú nhân Mỹ. Nếu bạn đã kết hôn và bảo lãnh một người trước đó, bạn phải viết tờ tường trình và nộp bằng chứng chứng minh hôn nhân trước của bạn là thật. Tôi biết có trường hợp hai vợ chồng có con chung rồi mà Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại TPHCM vẫn không cấp visa cho người vợ mặc dù người con đã được cấp giấy bảo sanh lãnh sự ngoài nước. Mãi cho đến khi người chồng bổ sung thông tin về người vợ cũ và ngay người vợ cũ cũng nộp một tờ giấy tuyên thệ cho Tổng Lãnh Sự Quán thì lúc đó Tổng Lãnh Sự Quán mới đồng ý cấp thị thực cho người vợ mới.

- Hôn nhân khác chủng tộc, khác tôn giáo và nhất là khác ngôn ngữ. Nếu bạn quen một người chỉ nói tiếng Anh thì bạn nên đăng ký học tiếng Anh cho giỏi để tránh bị nghi ngờ khi nhân viên lãnh sự thấy bạn yếu tiếng Anh trog cuộc phỏng vấn.

Nếu những vấn đề trên áp dụng cho trường hợp của bạn, bạn phải cứu chữa vấn đề trước khi nộp đơn bảo lãnh để có thể thành công. Bạn phải nộp những giấy tờ hỗ trợ để chứng minh một cách mà không ai có thể bác được rằng bạn đã cứu chữa vấn đề. Nhiều người bảo lãnh đi đi về về nhiều lần và tổ chức tiệc đính hôn hay tiệc cưới sau khi đã nộp đơn xin bảo lãnh diện hôn thê/hôn phu hay diện vợ chồng, và đem bằng chứng về những chuyến đi, v.v… đến buổi phỏng vấn của người hôn thê/hôn phu hay người phối ngẫu ở Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ. Họ rời Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ, điếng cả người, khi thấy rằng người hôn thê/hôn phu hay người phối ngẫu của mình dự cuộc phỏng vấn một mình với tất cả giấy tờ nhưng không được phép đưa ra bằng chứng, bị hỏi một vài câu hỏi và rời buổi phỏng vấn bị từ chối do thiếu nhiều giấy tờ lúc ban đầu mở hồ sơ bảo lãnh.

Bạn hãy nộp đơn bảo lãnh kèm với nhiều bằng chứng quan hệ thật. Trái với những lời khai báo chính thức, nhân viên lãnh sự thường có quyết định chấp thuận hay từ chối đơn bảo lãnh trước khi phỏng vấn. khi họ duyệt xét đơn bảo lãnh. Sau đó, trong thời gian phỏng vấn, nhân viên lãnh sự đặt những câu hỏi nhằm biện hộ cho quyết định có sẵn của họ. Do đó, hãy cung cấp tất cả bằng chứng quan hệ thật của bạn trước cùng lúc với đơn bảo lãnh.

Để đơn bảo lãnh thành công, bạn hãy nỗ lực để bảo đảm rằng giấy tờ của bạn vững chắc và bạn nên về Việt Nam ít nhất hai lần và tổ chức lễ đính hôn hay lễ cưới trong thời gian về Việt Nam của một trong những chuyến đi đó.

Về phần những bằng chứng, bằng chứng thuyết phục nhất là giấy khai sanh của đưá con có tên cha mẹ trên đó. Bằng chứng thuyết phục kế đó là giấy tờ chứng minh hai vợ chồng có đời sống tài chánh chung với nhau như tài khoản ngân hàng đứng tên hai vợ chồng, thẻ tín dụng đứng tên hai vợ chồng, giấy tờ bảo hiểm v.v... Thư từ và hình ảnh là bằng chứng kém thuyết phục nhất tuy rằng trong hình ảnh cũng có những mức độ thuyết phục khác nhau. Do đó, bạn phải chọn những tấm hình có sức thuyết phục mạnh nhất.

Hình được dùng để chứng minh hai người đã gặp mặt nhau và cũng để chứng minh quan hệ thật. Do đó hai người nên có mặt trên mỗi tấm hình nộp cho Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại TPHCM.

Hình chụp phải thân mật. Hai người phải tươi cười, cầm tay nhau và ngã người vào nhau. Tuy nhiên, trong những tấm hình đầu tiên chụp lúc bạn với tư cách người bảo lãnh về Việt Nam lần đầu, hai người phải có vẻ xa lạ, e dè và giữ khoảng cách. Chỉ trong những tấm hình chụp lúc bạn về Việt Nam lần thứ hai thì hai người mới nên có vẻ càng lúc càng thân mật với nhau hơn và có vẻ hạnh phúc khi ở bên cạnh nhau. Tuy nhiên, bạn không nên nộp những tấm hình hai người hôn nhau, âu yếm nhau hay ôm chặt lấy nhau. Những tấm hình như vậy không có gì là khiêu dâm cả, Song có nhân viên lãnh sự sẽ không bằng lòng.

Hình chụp gần chỉ thấy mặt hai người dễ gây nghi ngờ nơi nhân viên lãnh sự. Hình nên chup ở một khoảng cách nào đó để người ta có thể thấy ngoại cảnh phía sau. Ngoại cảnh nên thay đổi. Có lúc chụp ở trung tâm thành phố, có lúc chụp trước nhà thờ Đức Bà, có lúc chụp ở núi Bà (Tây Ninh), v.v… Những người kết hôn giả nhằm mục đích di dân thường chỉ muốn chụp nhiều hình ở một nơi. Ngoài ra, bạn cũng nên về Việt Nam vào những thời gian khác nhau để ngoại cảnh trên hình cho thấy lúc thì bạn về ngày lễ Giáng Sinh vì có cây thông trang trí sao và đèn nhiều màu, lúc thì bạn về ngày Tết nguyên đán vì nhà nhà trang trí cây mai hoặc cây đào, v.v… Bạn cũng nên thay đổi thời gian chụp hình như lúc thì chụp ban ngày, lúc thì chụp ban đêm. Máy chụp hình có ngày tháng năm là cách tốt nhất để chứng minh những thời điểm bạn chụp hình khác nhau. Bạn cũng nên thay đổi quần áo. Làm như vậy sẽ giúp bạn xóa tan những nghi ngờ cho rằng bạn chụp tất cả tấm hình trong cùng một ngày.

Ngoài ra, để chứng minh quan hệ tình cảm của hai người là thật, hai người cũng nên chụp hình nhóm với bạn bè cùng sở hay cùng trường với người hôn thê/hôn phu hay người phối ngẫu. Nếu bạn là người có ý định đứng đắn, bạn cũng sẽ gặp những người trong gia đình của người hôn thê/hôn phu hay của người phối ngẫu. Những tấm hình chụp chung với gia đình của người hôn thê/hôn phu hay của người phối ngẫu là một sự cần thiết.

Lúc nộp hình, bạn không nên nộp quá nhiều tấm hình chụp ở cùng một nơi. Nhiều tấm hình chụp đi chụp lại ở một nơi sẽ làm cho nhân viên lãnh sự nhàm chán và không có hiệu quả. Ở mỗi nơi, bạn chỉ nên nộp một hay hai tấm hình để nhân viên lãnh sự thấy hai người đi nhiều nơi khác nhau và có nhiều sinh hoạt khác nhau.

Riêng về điện thoại, nếu bạn sử dụng thẻ điện thoại, hãy dùng thẻ có ghi lại chi tiết những cuộc gọi. Đó là bằng chứng tốt nhất để chứng minh hai người liên lạc thường xuyên và đều đặn với nhau. Ngay ở Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Quảng Châu, Trung Quốc, trong bộ thư mời phỏng vấn có ghi rằng họ không chấp nhận những thẻ điện thoại không ghi lại chi tiết của những cuộc gọi.


Nguồn tham khảo:

http://www.expertfianceevisas.com

http://www.vietnamk1visa.com

Và nhiều bài khác ở http://www.visajourney.com
 
Back
Top