[h=2]Tại khu vực chợ biên giới Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, An Giang) có hàng chục điểm mua bán động vật hoang dã như: Mối chúa, ngô công (rết), bửa củi, bò cạp, tắc kè…[/h]Được bày bán dưới nhiều hình thức: tươi sống, ngâm rượu và chế biến thành món ăn… ngay những vị trí "hot" lại được kèm theo khuyến cáo: Bổ thận, cường dương, khôi phục lại bản lĩnh đàn ông, nên chợ không chỉ thu hút quý ông mà còn được nhiều quý bà tìm đến. Chỉ tính riêng mặt hàng bò cạp, mỗi điểm có thể bán ra đến 500 – 600 con.
Theo đánh giá của ngành chức năng đa số động vật này là loài có ích và sống tại các khe núi, hoặc lòng đất vì vậy săn bắt để bán với quy mô lớn đã trực tiếp tàn phá môi trường, tiêu diệt môi sinh… Do đó mà thời gian qua các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt truy bắt, thế nhưng khi lực lượng thi hành công vụ vừa đi thì mọi chuyện lại "vũ như cẩn".
Chợ côn trùng…thập thò
Chợ côn trùng ở chợ biên giới Xuân Tô, H. Tịnh Biên, tỉnh An Giang là chợ côn trùng lớn nhất miền Tây quanh năm bán các loại côn trùng từ hiền tới dữ như mối chúa, bổ củi, rết, bù kẹp…
Tồn tại nhiều năm nay chợ côn trùng trở thành chợ …thập thò từ khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnhAn Giang nghiêm cấm mua bán các loại côn trùng, động vật hoang dã không có giấy chúng nhận vật nuôi hợp pháp. Nếu trước đây côn trùng bày bán tràn lan thì ngày này chỉ trưng bày lác đác vài keo rượu côn trùng. Người bán côn trùng thì ngồi núp ở nơi khuất quan sát, nếu thấy người lạ coi mòi không phải cán bộ ngành kiểm lâm mới chịu ra chào hàng. Chị L. một người bán côn trùng chuyên nghiệp cho giá mối chúa 10.000-15.000đồng/con, bò cạp 3.000-5.000 đồng/con, rít 15.000-20.000đồng/con. Thấy khách ngần ngừ chị L. giải thích do gần đây bị kiểm soát gắt gao quá nên côn trùng khó bắt, cho nên giá cả hơi tăng. Khi khách mua số lượng lớn, những người bán dẫn khách ra chỗ “ém” côn trùng. Còn các keo rượu trưng bày trong chợ nếu người bán côn trùng thấy cán bộ tới tịch thu ai lấy kịp thì chạy, không thì bỏ.
Những mặt hàng côn trùng này được quảng cáo là món ăn bổ dưỡng, còn nếu ngâm rượu thuốc có tác dụng cường dương. Một nhân viên Ban quản lý chợ Xuân Tô cho biết không biết rượu côn trùng có tác dụng tăng lực tới mức nào nhưng gần đây khi xảy ra mấy vụ ngộ độc rượu ở Đồng Tháp, Hậu Giang các nhân viên phải tốn công đi thu gom rượu côn trùng tại sợ khách du lịch uống bị ảnh hưởng sức khoẻ. Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng phòng Nông nghiệp Tịnh Biên cho biết do săn bắt ráo riết nên côn trùng trên vùng Bảy Núi hiện còn rất ít, hầu hết những người bắt côn trùng đều khó khăn cho nên rất khó quản lý, ngăn cấm. Hiện nay, côn trùng được bài bán ở các chợ vùng Tịnh Biên là côn trùng được đánh bắt từ Campuchia.
[h=2]Xẻ thịt, lột da, tận diệt thú vật - thực trạng kinh sợ ở châu Á[/h]Mẹ thiên nhiên cho chúng ta nơi ăn chốn ở, đất đai để canh tác, thức ăn và các sản vật… Thế nhưng, cuộc sống càng phát triển, xã hội càng văn minh thì chúng ta lại càng xa rời “mẹ”, thậm chí tàn phá, hủy hoại “mẹ” không thương tiếc. Mỗi ngày, có hàng trăm, hàng vạn những loài động vật hoang dã bị săn bắt, buôn bán phục vụ lợi ích bất chính của con người. Trớ trêu thay, thực trạng đáng báo động ấy lại đang diễn ra ở châu Á - châu lục có thiên nhiên phong phú nhất, trong đó bao gồm Việt Nam...
Chợ Jatinegara ở Jakarta, Indonesia - một khu chợ buôn bán động vật hoang dã khá nổi tiếng. Ở đây có đủ loại mặt hàng là các loài động vật từ côn trùng như dế trong các ống tre cho tới những loài hoang dã, quý hiếm. Những loài động vật bị cấm không được săn bắt cũng “sẵn sàng” trở thành vật nuôi như chú cú trong hình ảnh.
Một trong những loài bò sát bị săn bắt nhiều nhất vì bộ da bạc triệu đó là trăn hoa. Đối với ngành công nghiệp thuộc da may mặc, những sản phẩm được chế tác từ loài động vật này đứng đầu bảng xếp hạng về chất lượng cũng như giá thành. Một chiếc túi thời trang, đôi giày da trăn có thương hiệu sẽ được bán với cái giá trên trời, gấp hàng trăm lần so với khi nó chỉ là những tấm da thô ở các xưởng sản xuất nhỏ.
|
Trên đây là hình ảnh một lò mổ trăn ở Indonesia. Sàn nhà la liệt những tấm da trăn đã được lột. Những con trăn hoang dã sau khi được bắt về sẽ bị giết chết, bơm đầy nước và không khí vào trong người. Theo các thợ lột da chuyên nghiệp, việc làm này là để da trăn dễ lột hơn.
|
Sở dĩ các động vật hoang dã bị săn bắt vô tội vạ là bởi chúng thường sở hữu những bộ phận có thể dùng làm thuốc bổ, chữa bệnh cho con người. Vây cá mập trong y học phương Đông và phương Tây đều được coi là loại dược phẩm cực kì bổ dưỡng, quý hiếm. Vì thế, cá mập luôn là loài động vật nằm trong mục tiêu của những ngư dân châu Á. Một con cá mập như thế này được bán với cái giá hàng trăm USD tại chợ biển. Ở Đài Loan và Hồng Kông, vây cá mập còn trở thành mặt hàng được bày bán hợp pháp và công khai.
|
Ở Tây Tạng, loài báo cũng đứng trước tình trạng bị săn bắt ghê gớm. Đối với người dân nơi đây, mặc những chiếc áo truyền thống (chubas) có may lông báo ở cổ ống tay áo sẽ tượng trưng cho sự thịnh vượng và quyền quý. Truyền thống này đã tồn tại từ lâu đời nên đã có không biết bao nhiêu con báo bị săn bắt, xẻ thịt lột da. Mãi cho tới năm 2005, một Lạt ma có tiếng đã lên án hủ tục này và nhiều người sau đó đã thiêu bộ quần áo chubas của mình trên ngọn đồi thiêng ở Lhasa.
|
Ông Chen Jipin (83 tuổi) là một nghệ nhân điêu khắc tranh vẽ trên ngà voi ở Trung Quốc. Ông tâm sự đầy tự hào rằng mình đã bắt đầu công việc từ khi còn là một thiếu niên và giờ đây đã có tới hai người học trò thành danh. Ông đâu có để ý rằng, hàng trăm chiếc ngà voi mà ông cố gắng khắc lên những tác phẩm nghệ thuật lại chính là những bản án lương tâm về tội trạng thảm sát voi của con người. Năm 1989, người ta đã cấm việc điêu khắc trên ngà quý song thực tế, thị trường châu Á vẫn có những cuộc mua bán ngà voi đáng kể từ những thợ săn ở châu Phi.
|
Đông trùng hạ thảo - một loại thuốc quý trong y học cổ truyền Trung Quốc có tác dụng bồi bổ sinh lực. Để khai thác được nó, người ta phải tìm kiếm trên cao nguyên Tây Tạng từ giữa tháng 4 tới tháng 7. Việc khai thác này để lại nhiều hệ quả xấu, ảnh hưởng lớn đến nguồn thức ăn của các loài vật được chăn thả trên cao nguyên. Hình ảnh trên chụp tại thị trấn Xiaojin, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ghi lại khung cảnh những khách hàng đang lựa chọn các con đông trùng hạ thảo tốt nhất trên giá.
|
Những kẻ táng tận lương tâm sát hại voọc không hề nhận thức được sai lầm của mình. Trái lại, nhiều kẻ còn vỗ ngực tự hào về thành tích hạ gục hàng trăm con voọc của bản thân. Voọc mẹ chết để lại những đứa con mồ côi chưa lớn. Chúng phải đối mặt với biết bao khó khăn, kẻ thù trong rừng rậm mà nguy hiểm nhất lại chính là con người. Nhiều trường hợp đã ghi nhận, những người đi rừng sau khi bắn chết voọc mẹ đã tìm cách bắt nốt voọc con và đem bán làm thú cảnh.
|
Tại một chợ ở Bangkok, Thái Lan, những chiếc hộp này trông đẹp nhưng bên trong lại chứa động vật hoang dã. Nó được ngụy trang, đóng gói cẩn thận, chuyển sang Nhật và Nga với giá bán không tưởng lên tới 1.000USD (khoảng 20,8 triệu VNĐ) mỗi con. Lợi ích quá lớn khiến không ít người sẵn sàng làm điều phạm pháp, bất chấp một hiệp ước quốc tế cấm kinh doanh động vật hoang dã đã được ban ra trước đó.
|
Trước khi bị đem bán làm vật nuôi tại chợ Jatinegara, những chú khỉ đuôi dài nhỏ bị vặt bỏ răng nhọn để đề phòng trường hợp chúng cắn chủ nhân mới. Giá của một con như thế này được bán ít nhất vào khoảng 20USD (tương đương 420.000 VNĐ) và hầu hết đều bị săn bắt trái phép trong tự nhiên.
|
Xe tải chở rùa tai đỏ đóng bao tại chợ Qingping, Quảng Châu, Trung Quốc. Loài này vốn là một loài động vật ngoại sinh nguy hiểm, có nguồn gốc từ sông Mississippi, Mỹ. Tuy nhiên, do nhu cầu về các sản phẩm từ rùa lớn nên những nhà kinh doanh đã bất chấp tất cả để nhập loài này về nuôi. Kết quả là chúng phát triển rất nhanh, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng, tiêu diệt những loài rùa bản địa ở Trung Quốc. Tình trạng này đang diễn ra tương tự ở một số quốc gia châu Á khác như Myanmar, Campuchia, Lào, Việt Nam…
|
Một chiếc xe tải chở lậu tê tê bị phát hiện bằng ảnh chụp X-quang trên đường cao tốc ở Thái Lan. Số lượng lớn tê tê sống này khả năng đang được vận chuyển tới Trung Quốc - nơi những sinh vật này sẽ lìa đời để phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm hay dược phẩm.
|
Tang chứng của một vụ án săn bắt trái phép làm đồ nội thất ở Medan, Indonesia: con cọp lớn, rùa, đồi mồi, hươu cùng nhiều dụng cụ dùng để hoàn thành sản phẩm như cưa, xích…
|
Con gấu đen châu Á bị đánh thuốc mê tại một trang trại ở Việt Nam. Nó chuẩn bị đối mặt với những ống xi-lanh để rút mật. Ở Việt Nam, mật gấu là một phương thuốc quý hiếm, cách đây vài năm, giá của nó có lúc cao tới khoảng 250.000 VNĐ/cc. Bởi vậy, dẫu biết đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vì lợi ích trước mắt, hàng ngàn con gấu hoang dã như thế này đã bị bắt và trở thành nguồn cung cấp mật “chui” tại nước ta.
|
Và mới đây, ở Việt Nam:
Chú voọc cái đang mang thai bị chẻ sọ lấy óc và não để ăn, tứ chi bẻ quặt, bụng bị rạch moi bào thai, cuối cùng da bị lột để lấy xác ngâm cùng rượu thuốc làm thành rượu tăng lực.
Phú Sang (t/h)