'Bật mí' tin đồn 'có cánh' về cháo dương vật cọp

Jolie

Member
[h=2]Nhiều người tin vào món cháo Dương vật cọp (Pín cọp) có tác dụng thần kỳ, hãy cùng điểm xem món đó hiệu quả thực là đến đâu?[/h]
pin-cop.jpg

Thần dược từ món cháo Pín cọp chỉ là lời đồn đại
Cọp chỉ đứng hạng 3 trong 12 con giáp, thua hẳn con chuột nhắt bé tí teo. Nhìn từ khía cạnh y khoa, nhất là y học Đông phương từ xưa luôn đặt nặng vấn đề duy trì nòi giống thì trong tình dục học, con cọp quả thua xa con chuột. Nhưng người ta vẫn tin vào món cháo Dương vật cọp có tác dụng thần kỳ của nó. Hiệu quả thực là đến đâu?
Bạn có nghe đến món Cao hổ cốt trị đau nhức gân, xương? Bạn có nghe đến món Râu cọp trị nhức răng? Nhất là món cháo Dương vật cọp để trị liệt dương nơi đàn ông? Và gần đây khi rộ lên lời kháo nhau là trong một số tour đi Hồng Kông của một số công ty du lịch, có chương trình đưa du khách tới thưởng thức món cháo Dương vật cọp tại khu chợ “Gent Market” (chợ Đàn ông) cùng món Lẩu sữa cọp tại khu chợ “Lady Market” (chợ Đàn bà) ở đó, sự thực thế nào?
Món Cao hổ cốt và Râu cọp
Cao hổ cốt là một môn thuốc có từ xa xưa trong Đông y, các thầy thuốc Bắc đều biết đến. Người ta lấy xương cọp nấu với các vị thuốc như Ngư tất, Đỗ trọng, Xuyên mộc quả, Xuân căn đặng, vv. Thường thì việc nấu nướng rất công phu, như lửa phải giữ riu riu, không được nóng quá, không được nguội quá, cứ canh như vậy liên tục trong suốt một tuần lễ. Mùi hôi của xương cọp quyện với mùi thuốc Bắc bay xa cả cây số; nơi nào có nấu Cao hổ cốt là cả xóm làng đều bịt mũi. Nấu xong, người ta đổ chất lỏng này vào trong những khuôn to nhỏ khác nhau để cho cao đông lại thành một chất màu nâu đen, nửa dẻo nửa cứng như lốp xe và chừng vài ngày sau, sẽ cắt nhỏ thành những cục vuông vuông khoảng 2 x 4 x 4 cm để đem ra bán tại các tiệm thuốc Bắc. Nhưng cũng ít khi có cao hổ thật 100%, ít ra là đã từ mấy chục năm trước; vì thường pha phách ít nhiều và có khi, đó còn là… cao mèo, như trong thời buổi này.
anhcop1jpg1352529429.jpg

Cọp mẹ và cọp con sắp trưởng thành
Người bệnh sẽ mua cao này về ngâm rượu đế, hoặc chưng với các vị thuốc Bắc khác – tùy nhu cầu - cho tan ra mà uống, và dùng để trị đau nhức khớp xương, đau lưng, trật gân. Ngày nay, cọp gần bị tuyệt chủng nên trên khắp thế giới, nó được bảo vệ tuyệt đối, cấm săn bắt và món Cao hổ cốt hiển nhiên cũng không còn. May mắn thay, hiện nay cả thuốc Tây lẫn thuốc Bắc đã có những dược liệu để điều trị các bệnh kể trên còn hay hơn Cao hổ cốt rất nhiều.
Còn về món Râu cọp, khi xưa, người ta từng biết chuyện đem nướng râu cọp rồi nhét vào chỗ bị răng sâu để trị nhức răng. Thực hư đến đâu, chưa có ai kiểm chứng.
Món cháo Dương vật cọp
Tiếng Quảng Đông gọi là “phủ pín tành liễu”. Món này chỉ có ở Đài Loan, Hồng Kông, Quảng Châu. Người ta không bán trong các nhà hàng lớn mà chỉ có ở các quán nhậu nhỏ nằm trong khu thịt rừng – người viết bài này từng 2 lần đến đó để thưởng thức khi theo chân một đoàn bác sĩ sang đất Hương Cảng để dự hội nghị.
Khi màn đêm buông xuống, khu phố chật chội, ồn ào này lại rực rỡ dưới muôn vạn ánh đèn, với tiếng nói cười, dứt lác hòa lẫn với tiếng phổ ky gọi vọng vào nhà bếp đặt hàng. Ai nấy cũng đều thấy bận rộn, lăng xăng, đứng xa trông vào như một tổ ong mật lúc nha lúc nhúc trong mùa cao điểm lấy mật. Tiếng chén đũa va chạm nhau kêu lẻng kẻng, và thực khách cứ say sưa thưởng thức những món sơn hào hải vị của vùng này, mà món cháo trên thực chất chỉ là một phần rất nhỏ.
anhcop3jpg1352529429.jpg

Bạn hãy để ý nhìn, nếu có thực khách nào mặt mũi hốc hác, xanh xao, đang cúi đầu xì xụp húp thố bốc hơi nóng bay lên nghi ngút, thì 90% ở khu này là họ đang thưởng thức món cháo Dương vật cọp. Nó có mùi tanh tanh, vị mằn mặn lẫn với vài vị thuốc Bắc đăng đắng và khi chạy theo thực quản, sẽ mang theo hơi nóng ấm lan dần xuống đến bao tử, làm người ta cảm thấy khoan khoái trong một niềm vui tự huyễn hoặc. Bởi, không ai biết món cháo đó có thực sự là được nấu từ pín cọp thật hay không, trừ nhà hàng, và nếu có nấu thật bằng cái “thứ” đó, sẽ có tác dụng tới đâu?
Nên biết, cọp hiện chỉ còn sống ở 2 vùng trên thế giới là ở châu Á và Siberia. Cọp châu Á nặng từ 180 - 250 cân, còn cọp vùng Siberia nặng đến 310 cân, vậy mà “của quý” của nó chỉ nặng khoảng 0,2 - 0,3 cân, có nghĩa cái phần lòng thòng, nhỏ nhít này chỉ là một cơ quan không có lấy gì làm quan trọng đối với chính nó, kể cả về trọng lượng lẫn công dụng. Vì vậy mà khi thẻo được cái “của” này, các tay buôn đều mừng quýnh và vội vã đem về bán lại cho các nhà hàng với giá khoảng 5.000 USD một “củ”.
Tại đây, đầu bếp chuyên nghiệp sẽ cẩn thận lột da cạo lông nó cho thật sạch, rửa cho hết mùi khai nồng nặc cả mấy chục năm trời không tắm rửa của chúa sơn lâm, xong nhúng vào nồi nước đang sôi sùng sục cho cái phần lủng lẳng này co cứng lại rồi lấy ra, cắt thành từng cục nho nhỏ, bỏ hết vào nồi hầm với Thuốc Bắc gồm có các vị Cẩu kỷ, Hoài sơn, Đản sâm, Bá kích thiên, Đỗ trọng, vv. Đến hôm sau, họ lại đổ chung vào nấu với một nồi cháo to tướng để chia ra chừng 300 thố; mỗi thố bán ra khoảng 20 - 25 USD. Có người ăn một thố, có người xơi một lượt 2-3 thố, có người ráng trợn mắt nuốt luôn cả 5 thố, vậy mà đến khi hữu sự thì vẫn... ỉu xìu.
Theo nguyên lý cơ bản của y học Đông phương thì ăn gì bổ nấy. Nếu yếu gan thì ăn gan, nếu yếu thận thì ăn thận, nếu yếu tim thì ăn tim, muốn bổ óc thì ăn óc, còn yếu “chim”… thì ăn “chim” – đây là một niềm tin mà từ lâu, rất nhiều người vẫn quen với nếp nghĩ đó. Y học Tây phương hầu như cũng công nhận điều này, chẳng hạn như đã có thuốc bổ gan làm bằng tinh chất trích từ gan, vv. Với khái niệm tổng quát ấy, cũng với suy nghĩ đơn giản về việc trị liệu như vậy trong đầu, và cả với nhận thức đâu có con vật nào mạnh khoẻ bằng cọp nên người ta đã cố lý luận rằng, nếu đớp được “của quý” của cọp thì mình… sẽ mạnh như cọp trong chốn phòng the. Nhưng thử hỏi, mấy ai – trừ các nhà khoa học - đã biết được “chuyện phòng the” của cọp để tự cảnh báo mình rằng, dù mình có ăn sạch cả nồi cháo ấy thì cũng vẫn không có công hiệu gì!
Cọp là con vật thích sống một mình, mỗi con thống lĩnh một “giang sơn” rộng lớn và ranh giới của nó được đánh dấu bởi mùi nước tiểu nồng nặc của chính nó nơi các bãi cỏ, gốc cây. Dù lãnh thổ của mỗi con đo được từ 65 - 645 km2, nếu có một con nào khác xâm nhập vào thì cuộc chiến cũng sẽ bùng nổ rất khốc liệt, đẫm máu, có khi phải gây tử vong. Cọp thường chỉ ở trong lãnh thổ mình suốt cả đời, kéo dài khoảng 20 năm. Cọp cái mang bầu chừng 100 ngày thì đẻ, mỗi lứa từ 1 - 6 con, thường thì chỉ từ 2 - 3 con. Chỉ phân nửa số cọp con sinh ra là có hy vọng sống được đến một tuổi, phần lớn đều chết vì bệnh tật, đói, lạnh; ngay cả bị mấy con thú khác ăn thịt. Khi được một tuổi, cọp bắt đầu theo mẹ tập đi săn; đến khoảng 18 tháng thì nó có thể tự kiếm ăn một mình được và khi đó là lúc nó bị mẹ đuổi đi. Cọp mẹ ngồi trên mỏm đá cao, gầm gừ từng tiếng như bà mẹ quê hiền lành nức nở tiễn con lên đường. Nhưng cọp mẹ lại không rơi lệ, mà hãnh diện nhìn đứa con khoẻ mạnh, oai hùng của mình đang khuất dần trong lùm cây ngọn cỏ dưới ánh tà dương.
anhcop4jpg1352529429.jpg

Thông thường, cọp đực biết người bạn láng giềng của mình là ai và thường thì đó là một cô cọp cái. Cọp cái trưởng thành từ lúc 3 tuổi rưỡi đến 4 tuổi và trong chuyện gối chăn, nó luôn luôn là người chủ động. Chỉ khi nào cọp cái gầm lên lời yêu đương mời gọi, cọp đực mới dám lại gần để tính chuyện mây mưa nhưng với nó, chuyện ái ân cũng sẽ không xảy ra dễ dàng như những loại thú khác mà phải qua nhiều thử thách cam go. Tuy là chúa sơn lâm, nhưng cọp đực cũng không dám sàm sỡ nhảy vào ngay làm càn, vì sức khoẻ của nữ chúa kia cũng không kém mình là bao. Cọp đực phải biết đi vòng quanh, ve vãn, gầm gừ cố thốt ra những lời đường mật yêu thương có khi mất đến cả ngày. Cọp cái thì cứ nằm im, lim dim đôi mắt quan sát, nếu thấy “chàng” quả thật là trai anh hùng, đấng trượng phu thì sẽ ra dấu cho “chàng” tiến lại. Nhưng cọp đực đừng có tưởng bở vì thình lình nàng có thể sẽ gầm lên, quay ngược lại giơ bàn tay đầy móng vuốt sắc như dao tát thẳng vào mặt. Phần lớn cọp đực đều có kinh nghiệm nên đã phòng thủ sẵn, vội vàng phóng chạy vì nếu để bàn tay của người đẹp nựng vào má thì không mù mắt cũng sẽ mang sẹo suốt đời. Và dù là một mãnh tướng, bị tát trúng, cọp đực cũng không bao giờ đánh lại người đẹp và phải cam chịu thử thách như vậy năm lần bảy lượt thì cuối cùng, “nàng” mới chịu trao thân.
Dương vật cọp, bé tí teo, làm sao là “thứ” thần dược?
Vậy đó, đời sống phòng the của cọp nghèo nàn, ỉu xìu, không liên quan gì đến tướng mạo oai nghi, lẫm liệt bên ngoài của chúa sơn lâm. May mắn lắm thì phải 1-2 năm, nó mới có dịp sử dụng “vũ khí” của mình có một lần, thời gian mây mưa thật sự cũng chẳng kéo dài được bao lâu mà lòng thì lúc nào cũng hồi hộp, lo sợ; còn chân cẳng thì cứ sẵn sàng nhảy xa tránh né kẻo bàn tay của “nàng” tát vào mặt thì ân hận suốt đời.
Nên nếu bạn muốn chống liệt dương, mà đi ăn cháo Cu cọp thì kể như trao duyên nhằm tướng cướp. Vì nếu ăn xong mà giống được như cọp trong việc ái ân thì mỗi 1-2 năm, bạn… cũng chỉ được phép sử dụng cái “vũ khí” rỉ sét đó có một lần. Đứng về phương diện y khoa, cách ăn cháo này không ích lợi gì cả vì chất kích thích tố sinh dục đực (testosterone) là được tổng hợp từ 2 dịch hoàn, mà nếu trụng nước sôi hay nấu lên thì nó sẽ bị phá hủy ngay và đâu có còn tác dụng. Nếu bạn có nuốt được tí chất testosterone nào còn sót lại của cọp vào trong bụng thì nó cũng bị chất acid trong bao tử phân hủy tiêu tan thành những phân tử amino-acid nho nhỏ, không có công hiệu gì!
Box 1: Muốn hiệu quả, phải tính cách khác!
Theo Đông y sĩ Trần Phước Thăng tại Trung Hoa dược hãng ở HayMarket, Sydney, muốn chữa bệnh liệt dương, người ta phải dùng các vị thuốc bổ thận tráng dương như Cam kỳ, Cẩu kỷ, Phục thận, Ngọc tùng dung, Quang diễn liên, Kim anh tử, Hoài sơn, Lão thục địa. Nên món cháo Cu cọp cũng phải dùng vài vị thuốc này chứ thực sự, cái của quý của cọp chỉ là “đòn tâm lý”, dụ khị người ta.
Box 2: Chuột mới thực là “sư phụ”!
Khi so sánh với chuột, cọp quả thật thua xa trong việc truyền giống vì chuột nhắt chỉ sau khi chào đời có 45 ngày là đã biết mùi ân ái. Chuột cái cứ khoảng 20 - 30 ngày là sinh ra thêm một lũ nhóc tì 7-8 mạng nên bổn phận chuột đực là phải phục vụ liên tục, không kể đêm ngày. Làm việc quá độ như vậy, cơ quan sinh dục của chuột đực rất to, chiếm gần 5% trọng lượng cơ thể, có nghĩa nếu con chuột nặng bằng con cọp 200 cân, “súng” của nó phải nặng khoảng 10 cân!








 
Back
Top