Bị bắn nếu chống người thi hành công vụ?

T

T$

Guest
(ThuVienBao.com) -
130309152829_vietnamese_police_304x171_getty_nocredit.jpg
Bộ Công an vừa đề xuất Dự thảo Quy định các biện pháp xử lý hành vi chống người thi hành công vụ

Bộ Công an Việt Nam vừa đề xuất cho phép người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm nếu có căn cứ hành động chống người thi hành công vụ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Đề xuất này được đưa ra trong Bấm Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, đang được lấy ý kiến nhân dân trước khi trình lên Chính phủ phê duyệt ban hành.
Theo bản Dự thảo này, "trong trường hợp có căn cứ thực tế rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác; hoặc có dấu hiệu của một tội phạm từ nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đến đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ".
Dự thảo Nghị định còn ghi rõ các biện pháp ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, từ giải thích tới yêu cầu xuất trình giấy tờ, cưỡng chế buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bắt giữ, khám người và phương tiện cũng như tước bỏ vô hiệu hóa vũ khí v.v.
Văn bản cũng nói tới trong trường hợp tụ tập đám đông chống người thi hành công vụ thì có thể sử dụng các biện pháp từ ngăn chặn, tới "bao vây, khống chế, cô lập đối tượng cầm đầu" và "đưa về trụ sở công an hay cơ quan có thẩm quyền xử lý ở nơi gần nhất để giải quyết".
[h=2]Quy định với người thi hành công vụ[/h]Ngoài ra đối với người thi hành công vụ Dự thảo có đề xuất quy định "nghiêm cấm lực lượng này vi phạm điều lệnh, nội quy, quy trình, kế hoạch công tác, vi phạm trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong khi thi hành công vụ" và "không được vi phạm đạo đức nghề nghiệp; tham nhũng, tiêu cực, trục lợi cá nhân, hách dịch, cửa quyền hoặc có hành vi, thái độ, tác phong, lời nói, ứng xử không đúng mực" trong khi thi hành công vụ.
Dự thảo cũng nghiêm cấm người thi hành công vụ không được "xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác" hay "vi phạm các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng..."
Mới đây, cảnh sát giao thông TP Hà Nội cũng vừa đưa ra một số quy định nhằm cải thiện hình ảnh lực lượng này ở thủ đô.
Báo trong nước đưa tin các cảnh sát viên " bụng phệ, hình thức thấp bé nhẹ cân, nói năng không đúng mực sẽ bị điều chuyển sang ngồi bàn giấy, tránh tiếp xúc với dân".
Công an Hà Nội cũng cho hay cảnh sát giao thông thành phố sẽ phải mang theo người khi đi làm một cuốn cẩm nang về cách hành xử với người dân để rèn luyện tác phong.
[h=2]"Diễn biến phức tạp"[/h]Vẫn theo đánh giá của Bộ Công an, thì "tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp" và "gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ", trong đó 90% các vụ vi phạm là chống lại lực lượng công an chủ yếu trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, tội phạm ma túy v.v.
Nguyên nhân được Bộ Công an cho là do "chưa có quy định đầy đủ, đồng bộ về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ".
Theo các số liệu thống kê của Bộ Công an đưa ra thì tính "từ năm 2002 đến tháng 6/2012 cả nước đã xảy ra 8.513 vụ việc chống người thi hành công vụ, với 13.706 đối tượng vi phạm. Trong đó, số vụ việc xử lý hình sự là 6.882 với 11.131 đối tượng; số vụ việc xử lý hành chính là 1.594 với 2.811 đối tượng."
Trường hợp từng bị công an buộc tội chống người thi hành công vụ là vụ việc liên quan tới gia đình ông Đoàn Văn Vươn và em trai ông, ông Đoàn Văn Quý.
Hai ông này từng bị Công an Hải Phòng đề nghị truy tố tội giết người trong khi hai người khác trong gia đình ông bị buộc tội chống người thi hành công vụ bao gồm bà Phạm Thị Báu (tức Phạm Thị Hiền, sinh năm 1982, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1970, vợ ông Vươn).
Gia đình ông Vươn bị tố cáo đã cho nổ mìn và bắn đạn hoa cải vào lực lượng cưỡng chế khu đầm của gia đình ông tại Tiên Lãng, Hải Phòng, làm một số công an và binh lính bị thương.


Theo BBC Vietnamese
 
Back
Top