Năm 2002, nhóm phóng viên tờ Boston Globe quyết điều tra tới cùng chuyện các linh mục phạm tội ấu dâm tại một nhà thờ Công giáo địa phương. Báo chí và thế giới đã thay đổi nhờ đó.
Cách đây gần 40 năm, bộ phim All the President’s Men ra mắt, biến hai chàng phóng viên trẻ là Carl Bernstein và Bob Woodward, cũng như biên tập viên tờ Washington Post khi ấy là Ben Bradlee, trở thành ngôi sao trong mắt công chúng. Họ chính là những người đã phanh phui vụ Watergate, truyền cảm hứng cho một thế hệ người trẻ tuổi theo đuổi nghiệp viết lách tại xứ sở cờ hoa.
Tác phẩm điện ảnh của Alan J. Pakula có 8 đề cử tại giải thưởng Oscar 1977. Tuy trượt giải Phim truyện xuất sắc, nhưng All the President’s Men vẫn mang về tổng cộng bốn tượng vàng. Giờ thì một tác phẩm điện ảnh khác mang đề tài báo chí là Spotlight đang đứng trước cơ hội lặp lại, hay thậm chí là tiến xa hơn, thành công ấy.
Nhóm điều tra Spotlight trên màn ảnh. Biên tập viên Marty Baron (thứ hai bìa trái) do Liev Schreiber thể hiện.
Spotlight đồng thời là tên một nhóm phóng viên điều tra của tờ Boston Globe năm 2002. Họ muốn tìm hiểu xem tại sao hệ thống nhà thờ Công giáo trong thành phố lại làm ngơ hay thậm chí cho phép các linh mục lạm dụng tình dục trẻ em. Sau khi tham gia hàng loạt các liên hoan phim danh tiếng, từ Venice, Telluride cho tới Toronto, Spotlight nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu cho giải thưởng Oscar 2016.
Có một điều thú vị là sự kiện bắt nguồn cho toàn bộ Spotlight cũng diễn ra vào năm 1976, tức thời điểm All the President’s Men chính thức ra mắt công chúng nước Mỹ. Đó là một đêm lạnh giá tại sở cảnh sát Boston, khi một linh mục có tên John Geoghan được chính quyền âm thầm phóng thích.
Mãi cho tới 27 năm sau, câu chuyện mới được đưa ra ngoài ánh sáng. Ở thời điểm tháng 7/2001, gã bị tước bỏ áo thầy tu, nhưng dính nghi vấn là đã lạm dụng tình dục hơn 80 cậu bé trong thời gian làm linh mục. Cũng năm 2001, biên tập viên hàng đầu Marty Baron đặt chân tới tờ Boston Globe và câu chuyện khiến cả thế giới rúng động bắt đầu từ đó.
Spotlight theo sát những sự kiện xảy ra ở ngoài đời thực với đội phóng viên điều tra bốn người cùng “người chỉ huy” Marty Baron. Họ không chỉ muốn theo đuổi tới cùng câu chuyện đen tối hay các tội ác mang tính cá nhân, mà còn muốn thách thức hệ thống quyền lực đã làm ngơ trước những kẻ pham tội.
Marty Baron là "linh hồn" của cuộc điều tra tại tờ Boston Globe năm 2001. Ông hiện công tác tại tờ Washington Post.
Linh hồn của cuộc điều tra, biên tập viên Marty Baron, do tài tử Liev Schreiber thể hiện. Những người quen biết Baron ở ngoài đời khi xem phim đều cảm thấy sửng sốt trước cách ngôi sao của series Ray Donovan tái hiện sự thông minh, tinh tường và ý chí quyết tâm của bạn mình trên màn ảnh.
Trở lại năm 2001, khi Baron đặt chân tới tờ Boston Globe, ông không phải là một “tay mơ” trong làng báo nước Mỹ khi từng có thời gian công tác tại Miami Herald và Los Angeles Times. Đúng một ngày trước khi chính thức nhận việc tại Boston Globe, Baron đọc được một bài báo xoay quanh tay linh mục bị cáo buộc lạm dụng tình dục nhưng thoát tội của họ.
Marty Baron hỏi những người đồng nghiệp mới của ông rằng tại sao vụ án bị khép lại và tờ Globe đã tới đặt câu hỏi cho tòa án để có thể vén màn sự thật hay chưa. “Anh ấy đặt một câu hỏi đơn giản nhưng khiến tất cả những người có mặt ngày hôm đó phải sượng sùng. Đó chính là câu hỏi bắt đầu cho tất cả”, nữ phóng viên Sacha Pfeiffer của nhóm Spotlight, chia sẻ. Trong phim, nhân vật do nữ diễn viên Rachel McAdams thể hiện. “Thế rồi ông ấy tiếp tục hối thúc chúng tôi không chỉ viết về những tên linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, mà cả những kẻ trong giáo hội đã tìm cách che giấu điều đó”, cô nói.
Ở ngoài đời, Baron là một người khá nhỏ nhẹ, hoàn toàn trái ngược với Ben Bradlee ngang tàng trong vụ Watergate. Như lời ông nói, “Làm thế nào họ có thể miêu tả một người ít biểu lộ cảm xúc trên màn ảnh đây?”. Nhưng Katherine Weymouth, người nhận Baron về tờ Washington Post vào năm 2013 cho rằng: “Liev Schreiber đã khắc họa hoàn hảo Marty. Thật đáng sợ”.
Pfeiffer thì nghĩ rằng: “Marty rất thông minh, luôn đòi hỏi ở nhân viên rất cao. Ông ấy có phần đáng sợ, nhưng đồng thời khiến chúng tôi muốn làm nỗ lực làm việc hơn. Marty không ngang tàng như Ben Bradlee, nhưng ông ấy rõ ràng là một người sếp, và là một người sếp vĩ đại”.
Tác động xã hội của cuộc điều tra mà nhóm Spotlight thực hiện là rất lớn. Tờ Boston Globe từng được nhận giải Pulitzer nhờ loạt phóng sự của họ.
Bộ phim Spotlight kết lại bằng thắng lợi của nhóm phóng viên: các linh mục bị bắt vì tội lạm dụng, Giáo chủ Hồng y Bernard Law bị phát hiện là đã luân chuyển những kẻ có tội tới các xứ đạo khác nhau, nơi mà tội ác tình dục lại tiếp diễn. Sự thật khiến dư luận phẫn nộ và Law mất chức Tổng giám mục tại Boston rồi bị thuyên chuyển về Vatican. Quan trọng hơn, sự việc khuyến khích những nạn nhân của lạm dụng tình dục trong nhà thờ trên khắp thế giới can đảm bước ra ánh sáng, tố cáo những kẻ có tội.
Loạt bài điều tra đồng thời giúp tờ Boston Globe thắng giải Phục vụ Cộng đồng của Pulitzer, giải thưởng thường được coi là danh giá nhất trong làng báo chí. Marty Baron ra đi trong vinh quang và chuyển tới ngôi nhà mới là tờWashington Post vào năm 2013.
Trong thời kỳ báo chí có nhiều biến chuyển, từ báo giấy sang báo mạng, doanh thu quảng cáo thì trồi sụt, sự xuất hiện của Baron và tỷ phú Amazon là Jeff Bezos giúp Washington Post bước vào “kỷ nguyên phục hưng”. Không lâu sau khi nhận việc, Baron đối mặt với một thách thức mới: hàng loạt thông tin mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ bị phanh phui bởi Edward Snowden.
Đứng trước sức ép của nhà cầm quyền, vị biên tập viên cấp cao tiếp tục đưa toàn bộ câu chuyện ra trước công chúng, đem về cho Washington Post một giải thưởng Putlizer. Mới hồi tháng 9, trang washingtonpost.com cũng được vinh danh bởi Hiệp hội Báo chí Trực tuyến nước Mỹ. Đây hiện là tờ báo mạng hàng đầu nước Mỹ với khoảng 52 triệu lượt ghé thăm mỗi tháng. Họ hứa hẹn sẽ còn tiếp tục gây bão khi Bezos mới quyết định tăng gấp đôi số nhân viên phụ trách đưa tin cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 so với cách đây bốn năm.
Một năm trước, nhà phê bình truyền thông David Carr của tờ New York Timesviết rằng, trong khi tiền của Bezos là một yếu tố quan trọng, thì chính Marty Baron là người “đưa báo chí trở lại với công chúng”. Hồi mùa xuân, Baron mới theo đuổi loạt bài phanh phui những sai sót trong Cơ quan Mật vụ nước Mỹ và giúp tờ báo của mình tiếp tục có mặt trong cuộc đua tới giải thưởng Pulitzer.
Giờ thì con người ấy đang đứng trước cơ hội trở thành ngôi sao nhờ Spotlight.Ông đã có mặt tại ba buổi chiếu của bộ phim. Lần nào, người biên tập viên cũng khóc trước cảnh một độc giả lớn tuổi của tờ Boston Globe đọc bài đầu tiên trong loạt phóng sự và đối diện với sự thật về nhà thờ mà bà hàng tuần đặt chân tới.
"Phá vỡ bầu im lặng" có lẽ là điều Marty Baron theo đuổi trong suốt sự nghiệp của ông.
“Tôi nghĩ bộ phim là một bức thư tình dành cho ngạch báo chí điều tra và giới báo chí nước Mỹ. Nó cho thấy tầm ảnh hưởng mà bản thân có thể tạo ra nếu chúng tôi chịu cống hiến trong những nhiệm vụ khó khăn. Nó giống như một lời nhắc nhở về nhiệm vụ quan trọng nhất dành cho nghề báo chúng tôi”, Baron bộc bạch. “Nhưng có lẽ họ mô tả tôi hơi giống một siêu anh hùng. Một siêu anh hùng người Do Thái! Đó hẳn là điều chưa từng có”.
Giờ là lúc các nhà làm phim chờ đợi phản hồi từ công chúng khi Spotlightchuẩn bị ra rạp từ ngày 6/11. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, sẽ không ngạc nhiên nếu Viện Hàn lâm năm nay quyết định tôn vinh ngành báo chí.
Theo Zing