Binh sĩ Thái Lan, Campuchia tiếp tục giao tranh

T

T$

Guest
Quân đội Thái Lan ngày hôm nay cho hay các binh sĩ Campuchia đã tấn công một chốt biên giới vào lúc sáng sớm làm 5 binh sĩ bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng.

Người phát ngôn quân đội Thái Lan Đại tá Werachon Sukondhapatipak nói rằng ít nhất một quả lựu đạn đã được ném vào chốt này và các binh sĩ Thái Lan đã bắn trả bằng súng trường.

Ông cho hay họ đã dự báo về vụ tấn công này sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bác bỏ đề nghị của Campuchia yêu cầu điều động binh sĩ hòa bình tới khu vực này.

Đại tá Werachon cho biết: “Chúng tôi tin rằng giới lãnh đạo Campuchia không hài lòng với kết quả đó và họ sẽ tìm cách làm bất cứ điều gì để gây hấn nhằm khiến binh sĩ Thái Lan trả đũa.”

Tuy nhiên, ông Phay Siphan, một người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia đã bác bỏ tin nói rằng binh sĩ của nước ông đã hành động trước.

Ông nói rằng binh sĩ Thái Lan đã tấn công trước.

Người phát ngôn Kampuchea nói rằng đêm qua, trong khoảng từ 10:30 cho tới 5:20 sáng nay, các binh sĩ Thái Lan đã ném 11 quả lựu đạn.

Ông Phay nói rằng không có binh sĩ Campuchia nào bị thương và họ đã không trả đũa.

Các vụ giao tranh bùng nổ hai tuần trước đây tại một khu vực biên giới có tranh chấp gần một ngôi đền Ấn giáo đã 900 năm tuổi mà người Campuchia gọi là Preah Vihear và Thái Lan gọi là Phra Viharm.

Quân đội của Thái Lan và Campuchia đã giao tranh bằng trọng pháo và súng máy, khiến một số người thiệt mạng và hàng ngàn người phải bỏ chạy khỏi khu vực biên giới.

Cả hai bên đã đổ lỗi lẫn nhau vì đã khơi mào cuộc giao tranh. Campuchia muốn quốc tế giúp ngăn chặn các vụ giao tranh trong tương lai trong khi Thái Lan nói rằng vấn đề này nên được hai nước tự giải quyết.

Hôm qua, các bộ trưởng ngoại giao của hai nước đã họp với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã hối thúc họ thực hiện một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á để chấp dứt vụ xung đột.

Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ thảo luận về vấn đề này vào tuần tới ở Jakarta.

Căng thẳng ban đầu đã nổ ra vào năm 2008 khi ngôi đền, vốn nằm ở phía Campuchia nhưng lối vào chính lại nằm bên phía Thái Lan, được đưa vào danh sách di sản Thế giới của Liên Hiệp Quốc.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc của Thái Lan đã lên tiếng phản đối, một số người nói rằng ngôi đền nằm ở bên phía Thái Lan, và kể từ đó cả hai bên đã tăng cường lực lượng quân sự ở khu vực này, dẫn đến những vụ giao tranh lẻ tẻ.
 
Back
Top