T
T$
Guest
Bốn năm trước, những ai mong chờ Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã phải thất vọng ê chề vì chất lượng của nó.
Chưa bao giờ World Cup lại nhàm chán đến vậy, bóng đá thực dụng lên ngôi và may mắn được cứu vớt bởi chức vô địch của đội duy nhất đá cống hiến - Tây Ban Nha.
Người ta lại mong chờ đến Euro 2012, giải đấu không quá nhiều sức ép khiến nó luôn sôi động và bất ngờ để rồi một lần nữa thất vọng tràn trề.
Tệ hơn hai năm trước đó, Ukraine & Poland 2012 không còn cứu cánh khi Tây Ban Nha một lần nữa vô địch nhưng bằng lối chơi nhàm chán ru ngủ người xem.
Liệu Brazil 2014 sẽ nối tiếp đà này và tại sao các giải đấu của đội tuyển quốc gia lại ngày càng trở nên nhạt nhẽo?
[h=2]Mất bản sắc[/h] Bóng đá ngày càng bị thương mại hóa. Khi đồng tiền được đặt ở vị trí cao nhất, đương nhiên những thứ khác bị đẩy lại phía sau. Khoác áo đội tuyển quốc gia không còn là nghĩa vụ thiêng liêng nữa, giờ người ta gọi những lần tập trung đội tuyển là về làm nghĩa vụ. Trả lương cho cầu thủ là các câu lạc bộ chủ quản, nếu cầu thủ của họ bị dính virus Fifa (ám chỉ việc bị chấn thương sau khi bị gọi về tuyển), câu lạc bộ thậm chí có thể bắt đền.
"Bản sắc quốc gia không còn, ý nghĩa của Cúp thế giới cũng mất đi. Vòng loại World Cup không còn là chiến dịch sinh tử, người ta cũng không còn phát điên khi giành được quyền tham dự, và nếu chẳng may phải ngồi ngoài thì cũng chẳng phải điều gì quá ghê gớm nữa"
Không còn tình cảm thiêng liêng dưới màu cờ sắc áo, mối gắn kết của các cầu thủ cũng biến mất. Lối chơi truyền thống chỉ còn là hoài niệm. Brazil không nhảy Samba, Argentina không thể gây cảm giác ớn lạnh cho đối thủ bằng lối chơi vừa kỹ thuật vừa ma mãnh dù có cầu thủ số 1 thế giới trong đội hình. Khái niệm hào hoa có lẽ đã quá xa vời với Pháp, hiện giờ người ta không biết Những chú gà trống Goloa chơi theo phong cách gì. Còn những người hâm mộ Premier League – Giải bóng đá sôi động nhất hành tinh có lẽ đã quá mệt mỏi với việc trông chờ đội Anh chơi một thứ bóng đá trong sáng nhiệt tình nên năm nay áo của Những chú sư tử không còn bán chạy nữa.
Sự phát triển của Giải ngoại hạng cũng mang lại hậu quả, cầu thủ của các đội bóng lớn khi lên tuyển không còn muốn nhìn mặt nhau. Đức đã dễ tính hơn xưa, nhưng lối đá của họ chưa thể làm người ta quên đi hình ảnh Cỗ xe tăng lì lợm. Toàn cầu hóa làm nước Đức mất đi những người đàn ông cơ bắp với ý chí sắt đá, thay vào đó là những cậu bé mảnh mai cùng lối chơi mong manh dễ vỡ.
Bản sắc quốc gia không còn, ý nghĩa của Cúp thế giới cũng mất đi. Vòng loại World Cup không còn là chiến dịch sinh tử, người ta cũng không còn phát điên khi giành được quyền tham dự, và nếu chẳng may phải ngồi ngoài thì cũng chẳng phải điều gì quá ghê gớm nữa.
[h=2]Tài năng như là mùa Thu[/h] David Luiz mới trở thành hậu vệ đắt giá nhất thế giới với số tiền chuyển nhượng 40 triệu bảng. Baresi hay Laurent Blanc thời đỉnh cao cũng không có giá đấy. Các trung vệ Brazil trước đây có giỏi mấy thì giá cũng khá mềm vì máu nghệ sỹ làm họ ham tấn công và không chắc chắn bằng các trung vệ châu Âu. David Luiz có đầy đủ các phẩm chất của các hậu vệ Brazil, nhưng dầu gì cầu thủ phòng ngự sáng giá như anh cũng khó kiếm trong thời buổi này, đó là lý do tất cả các đại gia đều giành giật anh bằng được.
"Đội bóng có vài cầu thủ danh tiếng làm nên đặc trưng và sức hấp dẫn cho chính đội và cho cả giải đấu, nhưng điều này đã trở nên quá xa xỉ với bóng đá hiện đại"
Việc thiếu hậu vệ giỏi cũng khiến Italia đánh mất Catenaccio. Phòng thủ bê tông hoàn toàn không phải kéo hết quân về sân nhà để bịt kín cầu môn như nhiều đội hiện nay đang làm. Những đội bóng có hậu vệ giỏi khiến người ta thấy được nét đẹp của phòng ngự. Để biến việc ngăn cản đối phương ghi bàn trở thành nghệ thuật cần phải có óc phán đoán biết trước đối thủ sẽ làm gì, soặc bóng chính xác, lấy bóng trong chân tiền đạo mà không phạm lỗi. Không có những con người có thể làm những việc này, phòng ngự trở nên xấu xí.
Hiếm nhân tài cũng làm những đội một thời đầy rẫy ngôi sao như Nam Tư (nay là Serbia) hay Croatia không còn nằm trong những ứng cử viên đoạt chức vô địch nữa. Việc có một đội bóng nhỏ như Bulgaria lọt vào đến bán kết USA 94 hay Croatia đoạt giải ba bốn năm sau đó có lẽ là điều quá xa vời ở thời điểm hiện tại. Trước đây dù là đội bóng nhỏ thì ít nhất cũng có một đến hai ngôi sao có thể thay đổi cục diện trận đấu, ngày nay có những đội tham dự World Cup mà khán giả không biết có ai trong đội hình.
Tại France 98, người ta buộc phải xem Đan Mạch vì có anh em nhà Laudrup và thủ môn Peter Schmeichel, xem Chile vì cặp sát thủ Zamorano – Salas có thể thắng bất cứ hàng phòng ngự nào. Bé hạt tiêu như Mexico cũng đáng xem vì bị thu hút bởi thủ môn lòe loẹt Campos, chiêu gắp bóng của Blanco hay dũng sỹ đấu bò Luis Hernandez. Đến Paraguay cũng gây tò mò bởi thủ môn ghi bàn giỏi nhất thế giới Chilavert… Đội bóng có vài cầu thủ danh tiếng làm nên đặc trưng và sức hấp dẫn cho chính đội và cho cả giải đấu, nhưng điều này đã trở nên quá xa xỉ với bóng đá hiện đại. Ít người giỏi cũng làm việc được gọi vào đội tuyển quốc gia mất đi giá trị do thiếu tính cạnh tranh.
[h=2]Bài hát thiếu cảm xúc[/h]
Con người ta thường bồi hồi khi được nhắc lại những kỷ niệm xưa, tính truyền thống luôn làm nên cái thiêng liêng ở mỗi sự kiện. Như dịp đầu năm được nghe Happy new year hay mỗi mùa bóng lại háo hức khi bản giao hưởng của Champions League cất lên vậy.
Việc tổ chức mỗi kỳ ở một quốc gia khiến World Cup không thể có một bài hát truyền thống.
Người ta không biết bấu víu vào đâu khi World Cup đang mất dần bản sắc, nhiều người phải tự lên dây cót tinh thần bằng cách nghe Mùa hè Italia 90 để làm sống lại kỷ niệm một thời đam mê cháy bỏng.
Liệu có cần một cuộc bầu chọn cho ca khúc truyền thống của Mundial bên cạnh bài hát của riêng quốc gia tổ chức?
Khi chúng ta mong đợi quá vào một điều gì đó, kết quả sẽ đi ngược lại. Năm nay ca khúc chủ đề We are one (Ole Ola) bị chê dở cùng với chấn thương của nhiều cầu thủ trước ngày khai mạc khiến sự kỳ vọng vào World Cup không lớn như mọi khi, và như vậy biết đâu nó lại…hay!
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một người hâm mộ bóng đá từ Hà Nội từng theo dõi nhiều giải World Cup.
Theo BBC Vietnamese