Các bộ phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung (phần 1)

Jolie

Member
“Ỷ Thiên Đồ Long ký”, tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Kim Dung từng rất nhiều lần được chuyển thể thành các phiên bản truyền hình. “Ý Thiên Đồ Long ký 2009” đã chính thức ra mắt khán giả, tạo được sự quan tâm rất lớn của khán giả, đồng thời cũng đón nhận không ít những ý kiến trái chiều và sự so sánh với các phiên bản cũ.
Hãy cùng điểm lại những nét chính của các phiên bản “Ý Thiên Đồ Long ký” đã phát hành.​
Ỷ Thiên Đồ Long ký” 1978 do TVB sản xuất với các diễn viên chính: Trịnh Thiếu Thu (vai Trương Vô Kỵ), Uông Minh Thuyên (vai Triệu Mẫn), Triệu Nhã Chi (vai Chu Chỉ Nhược), Trần Ngọc Liên (vai Tiểu Chiêu). Phiên bản đầu tiên, không có quá nhiều khen chê. Dàn diễn viên chính đều là các diễn viên tên tuổi, “làm mưa làm gió” màn ảnh nhỏ những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80.

Y-thien-nam-1978.jpg

Ỷ Thiên Đồ Long ký” 1986 do TVB sản xuất, cho đến nay vẫn được nhiều nhà phân tích điện ảnh đánh giá là phiên bản toàn diện nhất. Kịch bản tuy có một vài sửa đổi nhưng nhìn chung vẫn trung thành với nguyên tác, thay đổi lớn nhất là một kết thúc có hậu cho Chu Chỉ Nhược. Phục trang và cách trang điểm trong phim thể hiện rõ sự hạn chế về tạo hình. Ngoại cảnh quá đơn giản, các cảnh võ thuật chưa nhiều kĩ xảo nên còn thô. Tuy nhiên, diễn xuất của các diễn viên chính lại được đánh giá cao.
Về vai diễn Trương Vô Kỵ (Lương Triều Vỹ đóng): khá tốt, cách thể hiện nhân vật chính rất chân thực, điểm trừ lớn nhất của anh là ngoại hình hơi nhỏ con.

Y-thien-nam-1986.jpg

Triệu Mẫn (do Lê Mỹ Nhàn đóng) của phiên bản 1986 được giới phê bình đánh giá là Triệu Mẫn xuất sắc nhất. Diễn xuất của cô rất tinh tế, làm nên một nàng quận chúa Mông Cổ như từ trong truyện bước ra: thông minh, sắc sảo nhưng không kém phần lém lỉnh, dễ thương. Điểm trừ duy nhất của nhân vật này là cách tạo hình cổ trang những năm 80 khá hạn chế, làm giảm ấn tượng đối với khán giả.
Chu Chỉ Nhược (do Đặng Tụy Văn đóng) được ưu ái có nhiều đất diễn. Nhân vật này vốn được các nhà làm phim “giảm nhẹ” sự độc ác vốn có như trong nguyên tác, khiến nàng Trưởng môn Nga My phái dễ dàng đi vào lòng khán giả. Tuy nhiên, ngoại hình sắc sảo cùng lối diễn xuất hơi cứng của Đặng Tụy Văn lại làm nên một Chu Chỉ Nhược bị đánh giá là hơi phản cảm.
“Ỷ Thiên Đồ Long ký” 1994 do Đài Loan sản xuất, bị đánh giá là phiên bản tệ nhất. Các tình tiết và tính cách nhân vật bị nhà biên kịch can thiệp vào quá sâu, cốt truyện gần như thay đổi hoàn toàn. Vai diễn Trương Vô Kỵ của Mã Cảnh Đào ngờ nghệch đến lố bịch, ngoại hình của anh cũng bị chê là xấu. Diệp Đồng trong vai Triệu Mẫn khá hơn, đoạn đầu được đánh giá khá tốt, tiếc rằng càng về sau càng rời xa nguyên tác và gây phản cảm. Tuy diễn xuất của Châu Hải My trong vai Chu Chỉ Nhược nhận được nhiều lời khen, nhưng nhân vật này lại bị biến thành quá độc ác và tham vọng. Bên cạnh đó, phục trang rườm rà, kĩ xảo võ thuật kém cũng là những điểm trừ “chết người” của bộ phim.

Y-thien-nam-1994.jpg

“Ỷ Thiên Đồ Long ký” 2000 do TVB sản xuất, với dàn diễn viên chính Ngô Khải Hoa, Lê Tư và Xa Thi Mạn, là những cái tên “rất hot” vào thời điểm đó. Tiết tấu phim khá chậm, nhiều tình tiết được thêm vào. Trang phục trong phim được đánh giá cao, là bước tiến lớn trong khâu tạo hình của hãng TVB. Tuy nhiên, phần ngoại cảnh của phim lại bị chê rất nhiều: khung cảnh sơ sài, trình độ xử lý lồng ghép trên máy tính còn kém, trong khi đó các cảnh quay võ thuật lại vận dụng quá nhiều kĩ xảo trông không thật.
Ngô Khải Hoa bị đánh giá là quá già so với nhân vật Trương Vô Kỵ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình tượng (khi đóng vai này, Ngô Khải Hoa đã 35 tuổi trong khi Trương Vô Kỵ mới gần 20). Tuy nhiên, diễn xuất vững chắc, hài hước của anh đã “vớt vát” lại khá nhiều.

Y-thien-nam-2000.jpg

Lê Tư có rất nhiều đất diễn với vai Triệu Mẫn. Nàng quận chúa Mông Cổ của cô cũng được đánh giá là sinh động, sắc sảo nhất, thể hiện rõ cái “tà” và bản lĩnh của nhân vật, tuy nhiên lại hơi thiếu đi sự lém lỉnh ngây thơ cần thiết. Nhìn chung, Triệu Mẫn là vai diễn thành công của Lê Tư, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhiều khán giả màn ảnh nhỏ.
Chu Chỉ Nhược của Xa Thi Mạn cũng là một vai diễn đọng lại rất nhiều. Điểm nhấn của vai diễn nằm ở diễn xuất tinh tế của nữ diễn viên tài năng này. Xa Thi Mạn có gương mặt rất hiền, nhưng cô lại thể hiện rõ được sự độc ác cùng dã tâm to lớn của nhân vật.
“Ỷ Thiên Đồ Long ký” 2003 giành được nhiều thiện cảm của người xem bởi dàn diễn viên trẻ đẹp cùng ngoại cảnh hùng vĩ. Phục trang rất đẹp, diễn xuất của các diễn viên phụ vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, phiên bản này vẫn bị chê là làm nhạt đi chất võ hiệp vốn có của nguyên tác.
Trái ngược với Ngô Khải Hoa, gương mặt của Tô Hữu Bằng bị đánh giá là hơi “non”. Tuy nhiên, nhân vật Trương Vô Kỵ của anh vẫn khá thành công.
Hai nhân vật nữ chính đều được các nhà làm phim chỉnh sửa lại khá nhiều so với nguyên tác, làm nên rất nhiều những ý kiến trái chiều. Nhân vật Triệu Mẫn của Giả Tịnh Văn bị nhận xét là vai diễn “thần tượng cổ trang”: tinh nghịch, nhí nhảnh, đáng yêu, chất sắc sảo rất nhạt. Tuy nhiên, với tính cách “dễ đi vào lòng người”, cùng khuôn mặt khả ái, diễn xuất tự nhiên, Triệu Mẫn của Giả Tịnh Văn vẫn được rất nhiều người yêu thích.

Y-thien-nam-2003.jpg

“Ngọc nữ” Cao Viên Viên cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi với vai diễn Chu Chỉ Nhược. Nàng Chu của phiên bản 2003 khác hoàn toàn với một Chu Chỉ Nhược độc ác đầy tham vọng trong nguyên tác. Chu Chỉ Nhược của Cao Viên Viên bản chất thiện lương, tất cả những hành vi dã tâm đều được đổ cho hoàn cảnh. Vai diễn này bị khá nhiều người hâm mộ tiểu thuyết Kim Dung chỉ trích, tuy nhiên vẫn nhận được sự đón nhận từ nhiều khán giả dễ tính khác.
“Ỷ Thiên Đồ Long ký” 2009 là một cái tên rất “hot” trong thời gian gần đây. Đây là bộ phim cuối cùng chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung của đạo diễn nổi tiếng Trương Kỷ Trung. Phim gây ấn tượng với dàn diễn viên trẻ đẹp, đặc biệt là các diễn viên nữ. Nội dung phim bám sát với nguyên tác, các cảnh quay vô cùng hoành tráng, tuy có hơi lạm dụng kĩ xảo. Phim có sự góp mặt của khá nhiều diễn viên gạo cội.
Từ sau khi đạo diễn Trương Kỷ Trung công bố hai diễn viên chính cho vai Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn là Đặng Siêu và An Dĩ Hiên, rất nhiều người quan tâm đã tỏ ra nghi ngờ tính sáng suốt trong quyết định của ông. Đặng Siêu bị chê về ngoại hình, còn An Dĩ Hiên vốn bị đóng mác với những vai diễn thần tượng. Nhưng sau khi phim ra mắt, cả hai đã nhận được rất nhiều lời khen.

Y-thien-nam-2009.jpg

Trương Vô Kỵ của Đặng Siêu được đánh giá là rất có thần. Diễn xuất tuyệt vời của anh đã thực sự để lại ấn tượng sâu sắc.
Vai diễn Triệu Mẫn của An Dĩ Hiên được nhận xét là “rất có bản sắc”: có sắc sảo, có tinh nghịch, cũng có ngây thơ. Tuy diễn xuất của cô nhiều trường đoạn còn chưa “tới”, nhưng không thể phủ nhận được cố gắng của nữ diễn viên vốn được coi là “bình hoa di động” này.
Điểm trừ lớn nhất của phim theo nhận xét của khán giả là vai diễn Chu Chỉ Nhược. Ngoại hình của Lưu Cạnh bị chê là quá già so với nhân vật và so với các bạn diễn. Diễn xuất của cô cũng không gây được ấn tượng.

Mup Mip​
 
Back
Top