Các cảnh báo mới về tương lai sông Mekong

T

T$

Guest
Ở miền bắc Lào, chính phủ dự định xây đập thủy điện Xayaburi, có công suất điện 1260 megawatt - trên dòng chính của hạ nguồn sông Mekong.

Đây là đập đầu tiên trong 12 đập dự định được xây cho sông Mekong.

Các chính phủ ở đông nam châu Á có liên quan nói rằng những đập nước này sẽ là một nguồn năng lượng sạch cho khu vực đang phát triển nhanh chóng và sẽ giúp cắt giảm tình trạng nghèo khó.

Dự án Xayaburi 3 tỷ 500 triệu đôla đang được xây cất với sự hợp tác của Thái Lan, là nước sẽ mua gần như toàn bộ khối điện do đập này sản xuất.

Đây là dự án đầu tiên đòi hỏi có sự chấp thuận của 4 chính phủ dọc theo hạ nguồn sông Mekong là Lào, Thái Lan, Kampuchea và Việt Nam - theo một tiến trình tham vấn dưới sự giám sát của Ủy ban Sông Mekong.

Các chính phủ có thể trình bày quyết định của mình vào cuối tháng này.

Theo một thỏa thuận năm 1995, 4 nước vừa kể sẽ hợp tác để bảo đảm sự phát triển bền vững dọc theo hệ thống sông Mekong dài 4.900 kilomet.

Các chuyên gia về môi trường nói rằng các cuộc tham vấn đã không được minh bạch và các kế hoạch xây đập đã không được đưa ra thảo luận hay nghiên cứu ở địa phương.

Bà Ame Trandem thuộc tổ chức môi trường International Rivers. Bà nói rằng các chính phủ đã không đi tới một điểm mà họ có thể thực hiện các quyết định đúng đắn:

“Đây là lý do vì sao có đề nghị hoãn các quyết định trong 10 năm tới. Và chúng tôi cảm thấy rằng tiến trình tham vấn về đập Xayaburi ngay lúc này cũng nên đình lại cho phù hợp với đề nghị hoãn 10 năm này để dân chúng có thể hiểu rõ sông Mekong hơn.”

Ủy ban sông Mekong, được sự tài trợ của các nước trong đó có Australia, New Zealand, Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ, đề nghị hoãn dự án đập Xayaburi.

Ủy ban cho rằng cần phải làm việc thêm để đánh giá tác động của việc xây 12 đập thủy điện.

Nhưng chính phủ Lào nói rằng họ không thấy có lý do để đình hoãn, và chính phủ đã thỏa mãn tất cả các yêu cầu về pháp lý, môi trường và xã hội.

Nhà khí hậu học Anond Snidvongs thuộc trường Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan cho rằng tuy các đập điều hành lượng nước chảy, chúng có thể gây thiệt hại cho sự đa dạng sinh thái và nền kinh tế:

“Điều đó rất rõ ràng và đã được chứng minh. Cá trong sông Mekong, vừa là thực phẩm vừa là kinh tế. Khoảng 1/3 nền kinh tế của Kampuchea vào lúc này lệ thuộc vào việc xuất khẩu số cá này sang các nước khác, đặc biệt là Thái Lan.”

Các chuyên gia về môi trường như bà Trandem thuộc tổ chức International Rivers cho rằng hàng triệu người sẽ bị tác động:

“Khi nhìn vào tương lại khi những đập này được xây lên thì tương lai đó sẽ rất u ám. Dân chúng sẽ nghèo khó bởi vì họ mất đi nguồn lợi tức chính là ngư nghiệp. Dân chúng còn không có đủ thực phẩm để ăn nữa. Đây là một mối lo to lớn.”

Các chuyên gia môi trường đang hối thúc 4 chính phủ dọc theo sông Mekong đình chỉ chương trình xây đập Xayaburi để đánh giá thêm các tác động dài hạn đối với cả sông Mekong lẫn người dân sống dọc theo con sông này.
 
Back
Top