Sự khởi đầu của vaccin là ngày 14/5/1796 khi Edward Jenner chủng đậu cho James Phipps, một đứa bé trai 13 tuổi với loại virut đậu bò lấy từ một phụ nữ trẻ tên là Sarah Nelmes, người mà đã tình cờ bị nhiễm bệnh từ 1 con bò. Sau đó, James Phipps được coi là “an toàn” (có miễn dịch) đối với đậu mùa do không mắc bệnh đậu mùa khi tiến hành thử nghiệm với virut đậu mùa ở người vài tháng sau đó.
Ngay sau đó, vào năm 1798, Jenner dự đoán rằng sẽ dùng vaccin để phòng bệnh ở người. Khái niệm vaccin này được Louis Pasteur đưa ra khi ông mô tả lại phát minh của Jenner, vaccin sẽ gây ra miễn dịch đối với đậu mùa. Dự đoán của Jenner cuối cùng đã thành hiện thực vào tháng 9/1979 khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận rằng đã thanh toán được bệnh đậu mùa nhờ loại vaccin phát minh từ gần 200 năm trước. Ngày nay, khoảng hơn 26 bệnh đã dự phòng được bằng vaccin.
Dựa theo tính chất cũng như xuất xứ của vaccin có thể chia ra thành những loại sau:
Vaccin độc tố: Vaccin được chế từ độc tố của vi khuẩn: tiêu biểu cho loại này là vaccin uốn ván, bạch hầu, ho gà vô bào.
Vaccin bất hoạt (vaccin chết): Sử dụng hóa chất để bất hoạt virut rồi từ đó sản xuất vaccin. Tiêu biểu cho loại này là vaccin bại liệt tiêm IPV.
Vaccin sống giảm độc lực: Giảm tính gây bệnh của virut thông qua việc cấy truyền trên các tế bào khác dòng tế bào virut gây bệnh được. Tiêu biểu cho loại này là vaccin bại liệt uống (OPV), sởi, rubella.
Vaccin tái tổ hợp: Gắn đoạn gen mô gả kháng nguyên của virut vào loại tế bào khác như nấm men để tế bào này sản xuất ra kháng nguyên virut. Từ đó tách chiết, tinh khiết để sản xuất vaccin. Tiêu biểu cho loại này là vaccin phòng bệnh viêm gan B.
Ngoài cách phân loại trên, người ta có thể còn phân loại vaccin thành:
Loại đơn: Chỉ dùng để phòng một bệnh: Vaccin BCG phòng lao, AT phòng uốn ván, vaccin dại phòng bệnh dại...
Loại phối hợp: Kết hợp nhiều loại vaccin (trên 2 loại, có thể tới 6 loại) để giảm bớt số mũi tiêm trong khi vẫn bảo đảm tính sính miễn dịch của từng loại. Ví dụ vaccin DPT phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván. MMR phòng sởi, quai bị, rubellla.
ThS. Phạm Quang Thái
Theo SK & ĐS