T
T$
Guest
Cánh đồng bất tận
Cánh Đồng Bất Tận là tác phẩm văn học của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư, đã giành được giải thưởng danh giá của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2007, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2008, và từng là chủ đề bàn luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông, các diễn đàn văn học…
Cánh Đồng Bất Tận là câu chuyện về cuộc sống lênh đênh sông nước “theo vịt chạy đồng” của ba cha con ông Tư ( Dustin Nguyễn) và hai đứa trẻ Điền (Thanh Hoà), Nương (Lan Ngọc) thiếu vắng tình thương của người mẹ (Tăng Thanh Hà) và cuộc đời của người phụ nữ Sương (Hải Yến). Những mảnh đời không lành lặn trôi dạt nay đây mai đó theo con nước bị số phận run rủi gặp nhau, tưởng rằng đã có thể nương tựa lẫn nhau nhưng lại không thể ghép lại thành một gia đình trọn vẹn vì những mặc cảm cá nhân và trái ngang của số phận.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã chuyển thể gần như trọn vẹn tác phẩm văn học lên bộ phim của anh. Và gần như kịch bản phim không thay đổi gì nhiều so với cấu trúc của truyện ngắn, chỉ thay đổi chút ít ở đoạn kết để không khí phim được nhẹ nhàng và cuộc đời các nhận vật được ấm áp hơn. Những cuộc đời trôi dạt lênh đênh vô định không tương lai, Điền và Nương lớn lên trong sự căm giận đàn bà của ông Tư vì mối thù bị vợ phản bội. Sự cay nghiệt của cuộc đời đã khiến cho cả 3 nhân vật đều có những tính cách bất bình thường trong suy nghĩ, hành xử và lối sống. Cũng giống như truyện ngắn gốc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gặp khá nhiều sóng gió và kén chọn đối tượng bạn đọc, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cũng sẽ khiến khán giả phải suy tư nhiều mới có thể thấu hiểu câu chuyện và cảm thông nhận vật. Bộ phim cũng có nhiều khoảng lặng nhưng khiến khán giả luôn phải rùng mình xót xa cho số phận của nhân vật.
Chính vì bám khá sát với tinh thần của tác phẩm gốc nên không khí chung của bộ phim khá nặng nề. Những nhân vật với tâm lý bị đè nén cảm xúc không nói nên lời với cuộc đời tận cùng vùng quê sông nước. Phim sử dụng lời tâm sự của cô bé Nương như lời dẫn cho cả câu chuyện phim, lời thoại của Lan Ngọc khiến không ít khán giả phải dùng khăn ngăn lệ. Dường như cả bộ phim chỉ có hai nụ cười hiếm hoi của nhân vật Sương, khi lần đầu nhìn thấy ông Tư, và lần ông Tư đưa tiền: "Ba mấy cưng xộp ghê". Nhưng nụ cười đó mà mặn chát biết nhường nào bởi khi đó, mọi hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc đã bị đổ sập trong Sương.
Sương, người đàn bà có số phận như cái tên của mình, trôi dạt từ đất Sài Gòn về vùng sông nước "làm gái" nuôi thân. Hải Yến đã hoá thân và lột tả xuất sắc được hình ảnh một phụ nữ thân phận tận cùng của xã hội nhưng sâu thẳm tâm hồn vẫn chỉ là người phụ nữ bình thường. Bị đánh ghen một cách kinh khủng nhất nhưng vẫn biết thân biết phận mà im lặng vì biết lý do chính đáng. Vẫn là một người phụ nữ đơn giản mơ ước một người đàn ông và một tổ ấm cho riêng mình với những đứa con, Sương của Hải Yến yêu ông Tư trong từng ánh mắt trìu mến, cử chỉ trong mâm cơm, hay cách gục đầu tìm đôi vai nương tựa. Và đoạn ái ân khá tạo bạo giữa hai người, cũng là một hình ảnh tượng trưng đẹp nhất trong tình yêu, Sương nhất quyết chỉ cho ông Tư tiếp tục nếu ông chịu hôn môi cô. Nụ hôn hụt mấy lần, cuối cùng chạm ngõ, đẹp và tràn đầy cảm xúc khiến khán giả như muốn vỡ oà hoà theo cảm giác của nhân vật. Xem và cảm nhận mới thấy được những lời khen dành cho Hải Yến là hoàn toàn chính xác, cũng như thán phục những hy sinh mà cô đã dành trọn cho vai diễn. Sau gần 2 tháng quay phim, sống cùng nhân vật nơi đồng quê xa xôi, nhiều người đã nhận xét Hải Yến đã trở thành phụ nữ nông thôn thật sự, da đen nhèm và mái tóc cháy nắng xơ xác khiến cô phải cắt bỏ hoàn toàn.
Lan Ngọc (vai Nương) và Thành Hoà (vai Điền) đã đảm nhận rất tốt những nhận vật của mình. Nương và Điền lớn lên với tâm lý và hành xử không ổn định vì thiếu sự chăm sóc của cha và tình thương yêu giáo dục của mẹ. Đây là hai vai diễn khá khó khăn với độ tuổi của 2 diễn viên trẻ, đặc biệt là những kinh nghiệm sống và sinh hoạt vùng sông nước. Nhìn Điền thoăn thoắt lùa vịt chay đồng hay bói cá chèo ghe và có tâm lý tình cảm của cậu trai khá phức tạp, khó có thể tin ngoài đời Thanh Hoà lại nhút nhát và điển trai như thế.
Riêng nữ diễn viên trẻ Lan Ngọc có thể nói là một phát hiện xuất sắc. Nương giữ lời dẫn chuyện cũng là nhân vật xuyên suốt phim, thể hiện cái nhìn của chính mình cũng là của chính khán giả. Lần đầu tiên xuất hiện trong một phim điện ảnh lớn và trong một vai khá nặng về tâm lý diễn xuất nội tâm, nhưng Lan Ngọc đã chứng tỏ một khả năng diễn xuất không thua kém đàn chị Hải Yến. Lời dẫn chuyện đầy cảm xúc, diễn xuất nội tâm xuất sắc, Nương của Lan Ngọc chính là nhân vật lấy được lòng thương cảm và nhiều nước mắt nhất từ khán giả. Hy vọng vào một tương lai không xa Lan Ngọc sẽ tỏa sáng.
Góp phần không nhỏ vào sự cuốn hút của bộ phim chính là phần hình ảnh rất đẹp, đẹp đến ngỡ ngàng khiến khán giả tự hỏi làm sao đoàn phim có thể quay được những khung hình đẹp đến thế. Bộ phim được quay trong vòng 45 ngày tại 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ (Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An), đã gặp không ít trở ngại khi phải di chuyển qua nhiều địa phương. Nhưng bù đắp cho trở ngại đó là những khung cảnh của đồng bằng sông nước trong phim đẹp như tranh. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do bộ phim được ủng hộ khá nhiều từ liên hoan phim quốc tế Pusan Hàn Quốc. Tuy nhiên phần dựng phim của chuyên gia dựng phim người Mỹ Folmer Martin Wiesinger lại không được như mong đợi. Khá nhiều đoạn cắt chuyển cảnh thô và vụng, làm hẫng nhịp câu chuyện cũng như ngắt ngang cảm xúc của khán giả đang dâng trào. Đây là điểm đáng tiếc của bộ phim.
Dẫu không phải là một bộ phim hoàn hảo, và cũng có thể chưa thoả mãn được những khán giả trung thành với tác phẩm văn học gốc của Nguyễn Ngọc Tư, Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Phan Quang Bình vẫn là một phim đáng xem của nền điện ảnh Việt Nam đang trong đà phát triển.
kenh 14