Công nghệ “thổi” tê tê kiếm bạc tỷ

Jolie

Member
Sau khi tê tê (trút) được cửu vạn vận chuyển từ cửa khẩu Cầu Treo về nơi tập kết bí mật của các chủ lớn thì các chủ nhỏ được thông báo để đến “bắt” hàng. Công việc mua bán giống như một cái chợ thu nhỏ, chỉ có điều không công khai.
Bơm tê tê bằng bột gạo
Khu nhà tập kết tê tê nằm cạnh một quả đồi trong thị trấn. Trước đó, các "trùm" nhỏ đã gọi điện đặt số lượng tê tê muốn mua. Người 2 - 3 tạ, người 50 - 60 kg. Việc lựa chọn tê tê cũng cần những người thật thông thạo về nó.
Chọn tê tê phải chọn những con khỏe, không bị thương, loại đuôi ngắn, đuôi dài, màu vàng, màu đen… Lựa chọn xong số lượng hàng mong muốn, nữ "trùm" tên Hường hồ hởi bảo mấy người thanh niên kiểm cân cho mình. Hường tự hào: “Chị là người lấy hàng nhiều nhất nên luôn được chủ hàng ưu tiên khi hàng về. Mỗi lần, chị lấy tầm 5 tạ trút”. Theo tìm hiểu của phóng viên, một tạ tê tê mua tại thị trấn có giá 370 triệu đồng. 5 tạ cũng ngót nghét 2 tỷ. Cân tê tê xong xuôi, Hường trả tiền rồi gọi điện điều xe chở hàng về nhà.
2131608599-2-040313-phap-luat-te-te-dan-.jpeg
Tê tê đang được bơm bột hồ.
Theo chân "trùm" Hường và tốp xe lai chở tê tê về kho, chúng tôi đã được chứng kiến một ê-kíp "bơm" tê tê có một không hai. Bốn xe lai ập vào sân, đã có gần chục người chờ sẵn. Dưới sự chỉ huy của "trùm" Hường, công việc nhanh chóng được triển khai. Người cho tê tê vào chuồng, người đi nấu hồ, người đi lấy túi lưới, bao bì, dây buộc, đá lạnh…
Hồ nấu chín xong, công nghệ "bơm" tê tê bắt đầu. Trên một nền giếng rộng, 6 người chia ra làm 2 nhóm đã sẵn sàng. Bơm tự chế được làm đủ to để đổ hồ vào. Tê tê được lấy từ chuồng ra, một người đàn ông vạm vỡ giữ cho tê tê nằm ngửa để người khéo léo nhất trong đám cho vòi vào trong cổ họng tê tê. Đầu vòi kia được nối vào ống bơm đã cho sẵn hồ (nấu bằng bột gạo). Công việc khó khăn nhất là cho vòi vào cổ họng tê tê vì cần sự chính xác tuyệt đối. Nếu đút nhầm sang khí quản, bơm hồ vào tê tê sẽ chết ngay.
Thanh, một phụ nữ chuyên làm công việc đưa vòi vào họng tê tê, chia sẻ: “Lúc cho vòi vô cổ trút cần lựa chính xác vì mồm trút nhỏ nên chỉ có thể đưa vô bằng cảm tính. Nếu sai phải đưa ra ngay không trút chết thì mất mấy triệu liền”. Trong ê-kíp, Thanh là người thành thạo và khéo léo nhất. Ai cũng tin tưởng và giao trọng trách này cho chị. Khi vòi cho vào trong mồm tê tê rồi thì mới đẩy hồ từ từ vào. Đến lúc bụng tê tê vừa no thì dừng lại, không được bơm no quá sẽ khiến tê tê nôn.
Hoàn tất quá trình bơm, một thanh niên khác có nhiệm vụ rửa sạch hàng và cân lại. Sau khi bơm, ít nhất một con cũng tăng được 2kg, thậm chí có con tăng tới 5kg so với ban đầu. Trùm Hường bảo muốn có lời nhiều thì phải bơm cho tê tê nặng thêm vì giá mua của chủ ở thị trấn là 37 triệu/yến, ra Hà Nội chỉ bán được 36,9 triệu, chưa tính phí vận chuyển và các chi phí khác. Tê tê bơm được càng nặng thì càng lời. Mỗi chuyến cũng được 50 - 100 triệu (đã trừ các chi phí). Hàng tạ tê tê no căng được cho vào túi lưới, bao bì chuẩn bị cho quãng đường dài ra Hà Nội.
Những chuyến xe đêm
Khoảng 7 giờ tối, trùm Hường gọi điện thông báo cho một người nào đó là hàng chuẩn bị đi và bảo đến chỗ hẹn trước. Năm tay xe lai đã ngồi sẵn trên xe máy, trước và sau xe buộc 2 bao bì với 80kg tê tê. Những tay lái này trang bị cho mình nước, kiếm, đèn pin phòng trên đường gặp bất trắc. Những kẻ được chọn thuê vận chuyển cũng là những tay lái có tiếng, xử lý ở tốc độ cao tốt - khi bị phát hiện công an không thể đuổi kịp, nên người dân trên quốc lộ 8A đặt cho biệt danh “những đứa con của thần gió”. Các “quái xế” thường đầu tư cho mình những chiếc xe phân khối lớn, mỗi chuyến chở hàng họ được trả 300 nghìn đồng

Giờ G đã đến, "trùm" Hường cùng 2 xe dò đường bắt đầu xuất phát để cảnh giới trước, nếu phát hiện công an sẽ lập tức báo về cho các xe chở hàng tránh đi. Sau khoảng 30 phút, đoàn xe lai cũng lên đường. Tốc độ của những chiếc xe này rất lớn, chỉ có những người dũng cảm mới dám ngồi sau xe họ. Quốc lộ 8A khá hẹp nhưng họ đều chạy với tốc độ trung bình là 80km/h.
Chị Bình - nhà gần quốc lộ 8A - cho biết: “Chỉ cần nghe tiếng xe rú ga là tôi biết đoàn xe chở tê tê đi qua. Xe chạy bạt mạng, nghe tiếng máy, ngẩng đầu lên nhìn đã thấy xe vọt qua mất rồi. Có những hôm, đoàn xe rú ga chạy lúc nửa đêm làm cả khu phố tỉnh giấc”.
Rất nhanh, các “quái xế” đã vào đường mòn Hồ Chí Minh thuộc địa phận thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn) để sang đất Nghệ An. Tốc độ xe chở tê tê càng được đẩy lên cao khi các đối tượng cho rằng rất dễ bị kiểm lâm, công an mật phục trên quãng đường này. Tất cả các xe bám theo xe dẫn đầu chạy vù vù trong đêm tối. Đến đoạn đường rừng thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An), các quái xế chạy chậm lại, tắt đèn và bất ngờ rẽ xuống con đường đất dẫn vào rừng.
"Trùm" Hường đã có mặt ở đây từ bao giờ bên cạnh chiếc ô tô sang trọng. Trong bóng tối, các đối tượng nhanh nhẹn xếp tê tê vào cốp, vào gầm ghế ô tô. Tê tê không chịu được nhiệt độ quá nóng trong cốp xe nên phải cho nhiều đá lạnh chèn vào giữa để làm mát cho nó, tránh bị chết.
Trước khi chuyển bánh, tài xế lái chiếc ô tô sang trọng vội vã thay biển số để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng. Trong xe còn rất nhiều biển số của các tỉnh khác nhau, đủ các thể loại trắng, xanh, đỏ. Hoàn tất mọi công việc, "trùm" Hường đi theo xe ra Hà Nội bán hàng, các xe lai đi áp tải một quãng đường không thấy động tĩnh gì thì rút lui.
VN là cửa ngõ buôn lậu tê têThức ăn chủ yếu của tê tê là côn trùng nhưng để có lợi nhuận, các đối tượng buôn bán đã bơm hồ vào tê tê để làm tăng cân. Tê tê buôn bán qua cửa khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc chủ yếu từ các nước Lào và Campuchia. Ngoài ra, các nước xa hơn như Indonesia, Myanma, Malaysia… cũng có nhiều tê tê được đưa vào Việt Nam. Theo đánh giá của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, Việt Nam là cửa ngõ buôn lậu tê tê sang Trung Quốc.

BÀI 3: Các chiêu trò qua mặt công an của quái xế chở lậu tê tê
(Theo Dòng đời)



 
Back
Top