Các chuyên gia, nhà làm phim đến từ Đan Mạch, Hàn Quốc, Philippines, Canada, Anh, Mỹ làm nóng hội thảo Các chính sách và biện pháp ưu đãi phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Đây là hội thảo quốc tế trọng tâm trong khuôn khổ Liên hoan phim VN (Việt Nam) lần thứ 19.
Kinh phí làm phim và doanh thu phòng vé của một số phim được Nhà nước đặt hàng – Đồ họa: Tấn Đạt
Ưu đãi cho điện ảnh là lợi nhuận cho xã hội
Đến từ Hiệp hội Điện ảnh quốc tế châu Á – Thái Bình Dương, đại diện cho tám công ty phim Hollywood, bà Susan Lee chia sẻ rằng hầu hết các dự án phim thường tìm kiếm những ưu đãi để giảm thiểu rủi ro về vốn sản xuất càng nhiều càng tốt.
Bà Susan cho rằng các chính sách ưu đãi sản xuất phim thường mang lại những lợi ích kinh tế, tài chính ngắn hạn và cả dài hạn, tạo ra việc làm (tạo thu nhập cho người dân bản địa), tăng lượng khách du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng cho công nghiệp điện ảnh và thu hút các hoạt động sản xuất khác.
Thậm chí việc làm phim có thể kích hoạt cả một nền kinh tế địa phương trong và sau khi phim làm xong. Các ví dụ nổi tiếng có thể kể ra: Cô gái có hình xăm rồng cùng một số phim bom tấn khác đã tạo ra doanh thu hơn 100 triệu USD ở Stockholm; Chúa nhẫn đã tạo được thêm cho New Zealand 42 triệu USD doanh thu nhờ du lịch; bộ phim Người Mohican cuối cùng đã giúp cho lượng khách đến Chimney Rock Park ở Bắc Carolina (Mỹ) tăng 25% khi phim này ra mắt…
Bà Susan cũng nói thêm rằng: “VN có nhiều tài năng điện ảnh, có nhiều câu chuyện hay có thể kể bằng phim với thế giới, bối cảnh của VN cũng rất đẹp, vì vậy việc hợp tác làm phim bây giờ đang là yếu tố cần khuyến khích hơn. Hãy đơn giản quy trình cấp phép quay phim, hay dễ dàng hơn với visa làm phim…”.
Ông Niv Fichman – nhà sản xuất phim Vĩ cầm đỏ (Oscar 2000 cho nhạc phim) – tỏ ra rất hào hứng, bật mí rằng “năm sau sẽ có một phim hài hành động khởi quay mà chúng tôi hợp tác sản xuất ở VN.
Tôi thích thú khi biết rằng doanh thu phim Việt hiện chiếm đến 30% doanh thu chung ngoài rạp, hệ thống rạp của VN còn nhỏ nhưng tuần nào các bạn cũng có phim Việt.
Khán giả Việt rất thích phim Việt, đây là điều chúng tôi còn phải ghen tỵ vì ít thấy nước nào mà khán giả nội địa yêu phim nội địa như thế. Đây là cơ hội để các bạn có thể sản xuất những phim thật tốt vì khán giả đang hỗ trợ các nhà làm phim, sản xuất phim không chỉ cho VN mà còn đến với các nước Asean và cả thế giới.
Tôi ở đây không phải vì tình thân mà còn vì quyền lợi của mình nữa. Canada có nhiều hiệp ước về đồng sản xuất phim, cho phép hai quốc gia ký vào hiệp ước đó có thể sản xuất phim có yếu tố nội địa của cả hai bên để hưởng các quyền lợi ưu đãi từ cả hai bên.
Các bạn nên ký hiệp ước với chúng tôi vì qua tôi, các bạn có thể làm việc với khoảng 57 nước cùng hệ thống!”.
Băn khoăn về quỹ phát triển điện ảnh
Ông Yun Ha – giám đốc nhóm phát triển dự án mới, Ủy ban chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc – chia sẻ những con số đáng nể khi cho biết trung bình một người Hàn mỗi năm đến rạp 4,9 lần – tỉ lệ cao hơn cả Mỹ.
Số lượng phim Hàn chiếu ở rạp Hàn là 50%. Tỉ lệ xem phim Đại thủy chiến là 1/2 dân số, Hàn Quốc là nước trong top 10 doanh thu phòng vé thế giới, top 10 về lượng khán giả.
Những con số đó có được một phần là bởi từ rất sớm họ đã chú trọng vào việc duy trì hệ thống thông tin phòng vé trên mạng, để ngoài nhà đầu tư, nhà sản xuất, nhà phát hành thì khán giả cũng có thể bấm vào để xem phim nào đứng thứ nhất, thứ hai phòng vé, hệ thống không chỉ cung cấp thông tin rõ ràng mà còn để khuyến khích khán giả đến xem phim…
Ông Briccio Santos – chủ tịch Hội đồng Phát triển phim Philippines – nhấn mạnh vào kinh nghiệm nước sở tại khi chia sẻ:
“Chúng tôi khuyến khích phim độc lập, xây rạp chiếu – thậm chí có rạp chiếu 700 chỗ ở trung tâm – để chiếu phim độc lập Philippines, ban đầu có thể chưa có nhiều khán giả nhưng việc kiên trì đầu tư và tạo điều kiện cho phim độc lập chính là yếu tố tạo ra nền tảng phát triển của tài năng điện ảnh nội địa!”.
Bà Ngô Phương Lan – cục trưởng Cục Điện ảnh – băn khoăn về quỹ phát triển điện ảnh: “Đây là điều chúng tôi mơ ước, nhất là khi đã luật hóa nhưng hai lần dự thảo vẫn chưa tìm được sự đồng thuận từ Bộ Tài chính hay Bộ Kế hoạch – đầu tư.
Thông lệ quốc tế thì các quỹ điện ảnh thường được trích từ doanh thu chiếu bóng nhưng ở VN thì thuế đã tận thu với doanh thu chiếu bóng nên không thể thu thêm của họ.
Từ chính sách đến khi thực hiện cũng mất nhiều thời gian, mà để xây dựng chính sách cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt rất khó khăn và điều này cần nhiều bàn tay từ các bộ ngành liên quan nắm lấy bàn tay điện ảnh thì chúng ta mới phát triển được”.
Ông Jakob Krirstein Hogel – nhà sản xuất, đạo diễn, giám đốc nghệ thuật của Học viện phim Đan Mạch – khẳng định trong tham luận của mình rằng một nền điện ảnh phát triển thông thường phải hội đủ các yếu tố: nhân tài, đào tạo chuyên nghiệp và đầu tư.
Việc lập quỹ hỗ trợ điện ảnh là quan trọng nhưng việc xây dựng các trường dạy làm phim còn quan trọng hơn. Dạy làm phim, theo quan điểm của ông Jakob, không chỉ là kỹ thuật với biên tập hay quay phim mà còn cần tìm ra những người có kỹ năng kể những câu chuyện của bản thân họ, nếu không sẽ rơi vào lối mòn của thị trường điện ảnh là những phim hay nhất thường là copy của những người khác, nghĩa là những phim phái sinh!
Chúng tôi đang chuẩn bị phát hành Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Tôi thích thú và chúc mừng điện ảnh Việt đã có phim này. Các bạn đang phát triển nên nguồn lực tài chính hạn chế để phân bổ ngân sách quốc gia cho văn hóa.
Vậy thì mục tiêu tiềm năng vẫn ở đó nhưng cần nhìn mục tiêu ngắn hạn. Tôi muốn bán được phim VN tốt ra thế giới, khi đó tôi cũng có lợi mà VN cũng có lợi. Bài học qua Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là gì?
Theo tôi là cần có nhiều người làm phim tốt như Victor Vũ, cần sự đầu tư mạnh dạn như Cục Điện ảnh, cần nhà sản xuất và phát hành tốt như Galaxy, chúng ta cũng cần các giải ở các liên hoan phim. Chúng ta cần không chỉ một nhà sản xuất mà một hệ thống sản xuất chuyên nghiệp.
Ông MICHAEL WERNER (chủ tịch Hãng Fortissimo Films Hong Kong).
210 phim ra rạp Việt trong năm 2015
Ông Đỗ Duy Anh – phó cục trưởng Cục Điện ảnh – trong tham luận về chính sách và thực trạng ngành công nghiệp điện ảnh VN đã cung cấp những con số đáng chú ý về điện ảnh năm 2015:
- VN sản xuất 40 phim truyện, 53 phim tài liệu, 50 phim hoạt hình. Kinh phí phim truyện trung bình khoảng 300.000 USD/phim, tài liệu và hoạt hình trung bình 25.000 USD/phim. Kinh phí cho phim truyện cao nhất là 1,2 triệu USD/phim.
- Cho phép phát hành ở VN 170 phim nước ngoài.
- Có 20 phim truyện và 5 phim tài liệu nước ngoài quay tại VN, kinh phí trung bình phim truyện khoảng 500.000 USD/phim, cao nhất là 1,5 triệu USD.
- Có 140 cụm rạp tiêu chuẩn (470 phòng chiếu phim với 82.470 ghế ngồi) ở VN với 85 cụm rạp digital (409 phòng chiếu với 65.150 ghế ngồi) và 55 rạp chưa có digital (61 phòng chiếu với 17.320 ghế ngồi).
- Dự thảo phân loại độ tuổi phim đã được trình bộ trưởng, hi vọng nếu thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3/2016, dự thảo này sẽ có ba độ tuổi dán nhãn cho phim gồm C13, C16 và C18.
- VN hiện tại mỗi năm chi khoảng 50-70 tỷ đồng cho việc đặt hàng phim hoặc mua thiết bị sản xuất phim.
Theo Cát Khuê/Báo Tuổi Trẻ