Trước nhiều ý kiến khác nhau về câu chuyện điện ảnh Việt Nam có phải đang bỏ lỡ nhiều cơ hội quảng bá Việt Nam qua điện ảnh.
- Thời gian gần đây, có nhiều câu chuyện về hình ảnh VN tươi đẹp trên các phim nước ngoài (mà gần đây nhất là bộ phim "Pan & vùng đất Neverland") song gần như ít khán giả biết đến đây là hình ảnh được các đoàn làm phim thực hiện ở VN. Ý kiến của bà về chuyện này? Liệu có phải điện ảnh đang bỏ lỡ những cơ hội quảng bá hình ảnh VN một cách hiệu quả nhất?
- Về bộ phim Pan & vùng đất Neverland thì chưa hề có một kịch bản nào được trình đến Cục Điện ảnh xin quay phim, vì vậy tôi không thể nói gì về việc bỏ lỡ cơ hội.
Ngô Thanh Vân là người đầu tiên reo lên về việc King Kong 2 có thể sẽ quay ở VN. Ảnh:FB Ngô Thanh Vân
- Là cơ quan quản lý trực tiếp lĩnh vực điện ảnh, Cục Điện ảnh cần làm gì và có những đổi mới như thế nào để đáp ứng được quảng bá VN qua điện ảnh?
- Cục Điện ảnh đã ý thức được tầm quan trọng của việc gắn kết điện ảnh với du lịch và ngược lại, và chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội này. Thế nên từ năm 2013, trong khuôn khổ Liên hoan phim VN 18 tại Quảng Ninh, chúng tôi tổ chức hội thảo quốc tế Điện ảnh với Quảng Ninh và quảng bá du lịch qua điện ảnh được các nghệ sĩ điện ảnh, các hãng phim và doanh nghiệp du lịch tham dự tán thưởng.
Trong Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 3/2014, chúng tôi cũng tổ chức triển lãm Quảng bá du lịch qua bối cảnh quay phim. Ngoài ra, trong Liên hoan phim VN tại Pháp (2014), Tuần phim VN tại Mỹ (2015)…, chúng tôi đều tổ chức triển lãm bối cảnh quay phim và các điểm đến thu hút của VN, chiếu các clip quảng bá du lịch qua tác phẩm điện ảnh…
Cục cũng được bộ giao nhiệm vụ chọn hãng phim làm một số phim tài liệu ngắn, clip quảng bá du lịch và chúng tôi đang tiến hành trong hai năm 2014, 2015.
Mới đây, tôi đọc bài Lại bỏ lỡ cơ hội quảng bá du lịch trên báo Tuổi Trẻ ngày 11/10 thấy có những điểm cần nói lại cho rõ.
Theo quy định của Luật điện ảnh và các văn bản pháp quy liên quan, Cục Điện ảnh là cơ quan được giao nhiệm vụ giám định các kịch bản phim có yếu tố nước ngoài quay tại VN, sau đó trình Bộ VH-TT&DL ra quyết định cho phép quay phim (đối với phim truyện).
Tôi khẳng định là cho đến nay chưa thấy có kịch bản nào gửi đến cục xin quay phim tại VN lại bị gây khó dễ hay làm phiền. Vì vậy, các ý kiến của các giám đốc công ty du lịch hay người quản lý du lịch cần phải xem lại: họ gửi xin phép ai, cơ quan nào?
Lưu ý là chỉ có hãng phim có tư cách pháp nhân mới được phép cung cấp dịch vụ cho đoàn phim nước ngoài quay phim tại VN, còn công ty du lịch không có chức năng đó.
Vì vậy, tôi muốn nhắc những người tâm huyết quảng bá du lịch qua điện ảnh rằng hãy tìm hiểu thật kỹ Luật điện ảnh (ban hành từ năm 2006), làm đúng luật và các quy định, như các đơn vị hay hãng phim khác đã làm tốt nhiều năm nay.
- Theo bà, trong xu hướng kết hợp này, chúng ta cần lưu ý gì khi kết hợp với các đoàn làm phim nước ngoài? Nếu phối hợp thì cần phối hợp ra sao để đạt hiệu quả nhất?
- Những gì Cục Điện ảnh đã cố gắng làm, tôi đã nói ở trên. Tất cả nhằm mục tiêu quan trọng là giới thiệu VN là đất nước cởi mở, cảnh quan tươi đẹp và nhiều sức hút, con người mến khách nhiệt tình.
Tại nhiều hội thảo quốc tế về điện ảnh hay các liên hoan phim quốc tế, cục đã và đang cố gắng giới thiệu các quy định rất căn bản và đơn giản khi các đoàn phim vào quay phim tại VN, cục cũng từng tiếp đón và sẵn sàng tiếp đón đại diện của các hãng phim nước ngoài để họ hiểu hơn và yên tâm vào VN quay phim.
Tôi mong có sự cộng tác tốt hơn từ phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm du lịch với điện ảnh. Du lịch hãy đến với điện ảnh, từ đó vừa có những kế hoạch dài hơn và vừa có những việc làm cụ thể hơn chứ không chỉ dừng lại ở những ý kiến đề xuất với bên du lịch mà các cơ quan, đơn vị điện ảnh, các nhà làm phim đã xới lên trong hội thảo Điện ảnh với du lịch và quảng bá du lịch qua điện ảnh năm 2013 nhưng chưa nhận được sự phản hồi tích cực.
Theo Đức Triết/ Báo Tuổi Trẻ