Café Cộng, Bà Tưng và ‘mất thăng bằng xã hội’

Jolie

Member
[h=2]Liên quan đến café Cộng của ca sĩ Linh Dung và “hiện tượng” Bà Tưng, TS Lịch sử Đảng Ngô Vương Anh đã có cuộc trao đổi với nguoiduatin.vn.[/h]
- Với tư cách một nhà nghiên cứu về lịch sử Đảng, ông nghĩ gì khi câu thơ “Tiến lên, toàn thắng ắt về ta” của Người bị chế thành “Ngồi im, toàn thắng ắt về ta” ?
- Tôi có biết và cũng đã từng đọc được nhiều câu khẩu hiệu “được/ bị” xuyên tạc. Không chỉ khẩu hiệu mà nhiều câu trích trong những văn bản khác cũng có thể “được/ bị” xuyên tạc. Những câu xuyên tạc đó thường ra đời trong một bối cảnh cụ thể, khi người ta muốn phản bác lại những sự không phù hợp của câu “chính thống”... Như kiểu: “Ngực to thì được lái xe/ Ngực lép thì cứ ở nhà đắp chăn”… Đó là một hiện tượng xã hội, một “cách” phản biện xã hội cũng tương đối dễ gặp.
Trong trường hợp này, câu bị xuyên tạc là câu cuối trong bài "Thơ chúc Tết Mậu Thân" (1968) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng biết rằng bài" Thơ chúc Tết Mậu Thân" (1968) đã có tác dụng động viên khá lớn tới ý chí, tinh thần của quân dân cả nước và trong năm 1968 cũng đã diễn ra nhiều sự kiện có tính bước ngoặt thay đổi cục diện chiến trường, thay đổi thế và lực trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam...
Tôi nghĩ rằng câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong bối cảnh lịch sử của nó không chứa đựng điều gì khiến nó “đáng” bị xuyên tạc. Tôi cũng không hiểu chủ quán treo câu xuyên tạc đó như một slogan nhằm mục đích gì, kêu gọi điều gì trong bối cảnh cụ thể của quán?
Tôi chắc rằng nếu được trực tiếp trải nghiệm cảm xúc trong không khí cuả những ngày kháng chiến đó thì Linh Dung sẽ không làm như hiện nay.
NS-5.9-batung-in1.gif

Theo TS Ngô Vương Anh, Bà Tưng và cafe Cộng là sản phẩm của sự mất thăng bằng xã hội.
- Là một người yêu sách, ông có bị sốc khi thấy menu của quán café Cộng chế từ “Lê-nin toàn tập” không, thưa ông?
- Tôi là người yêu và quý sách - với tư cách là một vật phẩm văn hóa. Trong xã hội văn minh, người ta ít chấp nhận việc dùng những vật phẩm có văn hóa tính vào những mục đích thực dụng - dùng sách để kê chân bàn chẳng hạn. Nếu sách đã hết giá trị sử dụng, được đem nghiền để tái chế thì lại là việc khác. Tôi muốn mọi người ứng xử với sách một cách có văn hóa. Nếu chủ quán muốn phản bác Lênin điều gì đó (điều này không mới vì Lênin cũng đã có nhiều kẻ thù tư tưởng phản bác và cho đến nay chuyện này vẫn còn đang diễn ra) thì có thể có nhiều cách khác có văn hóa và khoa học hơn...
- Linh Dung mang những cuốn sách, thơ được trân trọng ra chế thì phải xem lại về phông văn hóa của cô ấy.
- Trong văn hóa, tôi không có thói quen phân biệt cao - thấp. Tôi cũng chưa có dịp đến quán Cộng và xem cách bài trí nên xin không đưa ra bình luận. Tôi chỉ muốn nói rằng: Văn hóa tôn trọng sự đa dạng. Nhưng sự “khác” đó phải ở trong phạm vi của cái “khung” văn hóa chung của xã hội, không xung đột hoặc làm tổn thương những văn hóa khác...
- Café Cộng của Linh Dung khá đông khách và hầu hết là giới trẻ. Họ đến đây vì thấy… thú vị và cho rằng đây là cách thể hiện cá tính.
- Điều này cho thấy trong xã hội, đặc biệt là trong thanh niên hiện nay đã xuất hiện những biểu hiện rối loạn những “chuẩn” giá trị, thậm chí đã xuất hiện những hiện tượng phản giá trị gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Đây là hệ quả trực tiếp của sự chuyển biến mạnh mẽ của đất nước trên mọi mặt kinh tế - xã hội - văn hóa trong những năm qua.
Xã hội biến đổi đã làm cho một số giá trị truyền thống mất dần đi vị trí như nó đã có. Trong khi đó, hệ thống quan niệm mới về giá trị chưa hình thành đồng bộ. Đây là nguyên nhân gây nên những hiện tượng “mất thăng bằng” xã hội, những sự rối loạn về “chuẩn” giá trị đang diễn ra hiện nay.
Những cái gọi là “hiện tượng”, là “hot” là “shock”… trong biểu diễn và trong đời sống xã hội thời gian gần đây như cổ súy cho sự nổi loạn về đạo đức, thẩm mỹ. Giới trẻ lập “hội” tự nhận là “em anh Luyện”, một tên vị thành niên giết người tàn bạo đáng phỉ nhổ và trừng trị. Có những bạn trẻ đã hôn ghế thần tượng ngồi. Thậm chí, một cô gái trẻ tự lấy cho mình một nick name Bà Tưng khiêu khích và hỗn láo. Cô này chưa hề làm mẹ nhưng đã xưng “bà”, cả với những người lớn tuổi rồi tự giới thiệu mình bằng những cách không ai có để nổi tiếng...
Tất cả những điều này đã làm các nhà đạo đức học, các nhà giáo dục, các nhà lý luận và hoạch định chính sách giật mình vì những giá trị chân chính không còn được dùng làm tiêu chí để đánh giá, ca ngợi hoặc phê phán.
- Xin ông nói rõ hơn về điều này.
- Mỗi người trong xã hội hiện đại có thể tìm ra nhiều hướng tiếp cận giá trị trong cuộc sống, có thêm nhiều giá trị đa dạng có thể lựa chọn. Đây là một quan niệm tiến bộ, tích cực, mở hướng rộng rãi cho mọi người tìm kiếm cơ hội để khẳng định những giá trị bản thân.
NS-5.9-batung-in2.jpg

Theo TS Ngô Vương Anh, nếu Linh Dung được sống trong những năm tháng kháng chiến của dân tộc thì cô sẽ không chế câu thơ nổi tiếng của Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, nhiều tiêu chuẩn giá trị đã không còn là “tuyệt đối” như trước. Lý lịch, thành phần xuất thân đã một thời được coi là những giá trị “tuyệt đối” nhưng nay có thể có cái nhìn cởi mở đa chiều hơn về nhân cách, về giá trị con người nên trong không khí xã hội đã cởi mở, dân chủ, bình đẳng hơn, ai có năng lực và thêm một chút may mắn có thể tìm được chỗ đứng thích hợp cho mình.
Nhưng theo đó những chuẩn mực lý tưởng, đạo đức, niềm tin cũng mất dần đi tác dụng điều chỉnh của chúng. Nhiều biểu hiện tiêu cực đang diễn ra (có thể dễ thấy và gây tâm lý bi quan) là quan chức thoái hóa biến chất mà không hề có cảm giác xấu hổ, kẻ tội phạm không tỏ ra ăn năn hối cải, những thuần phong mỹ tục bị chà đạp để dọn đường cho sự “nổi tiếng”...
Hệ giá trị của một xã hội cũng như của mỗi con người luôn mang tính lịch đại. Các hệ giá trị gắn liền với cơ sở kinh tế - chính trị - xã hội tương ứng của nó. Khi đời sống xã hội vận động và thay đổi, những hệ giá trị tương ứng với nó cũng sẽ vận động và thay đổi theo. Khi một quan niệm giá trị nào đó không còn đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của chủ thể, nó sẽ phải nhường chỗ cho quan niệm mới phù hợp hơn, tương thích hơn với thực tiễn đã biến đổi.
Sự chuyển đổi các quan niệm giá trị là một quy luật xã hội tất yếu, khách quan, cũng như mọi sự vật và hiện tượng khác cũng luôn vận động và thay đổi theo quy luật biện chứng và lịch sử. Trong quá trình chuyển đổi, những quan niệm mới xuất hiện và một số dần được khẳng định nhưng mặt trái của nó cũng đồng thời phát sinh. Chỉ sau một quá trình “kiểm định xã hội” nghiêm khắc, những giá trị mới tốt đẹp sẽ được khẳng định sau khi những cái cũ, những mặt trái tiêu cực đã được phủ nhận và loại bỏ...
- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!
Trường Giang (thực hiện)
Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn



 
Back
Top