Chồng Ảo - Khi tình yêu và thời gian được đầu tư hoàn mỹ

Jolie

Member
Khi con người vẫn còn ao ước khả năng du hành xuyên không gian - thời gian thì nhà văn Audrey Niffenegger đã phản bác nhẹ nhàng tham vọng ấy thông qua The Time Traveler’s Wife, cuốn tiểu thuyết đầu tay đầy thành công của bà.
posterChong-Ao.jpg


The Time Traveler’s Wife bán rất chạy và dự án chuyển thể thành phim của nó cũng gây xôn xao từ rất lâu bởi quyển sách đã được Brad PittJennifer Aniston mua bản quyền trước cả thời điểm xuất bản. Quyết định này của đôi vợ chồng nối tiếng nhất Hollywood lúc bấy giờ tạo nên một cơn sóng tiếng tăm cho The Time Traveler’s Wife. Tuy nhiên, cũng vì cuộc hôn nhân tan vỡ của họ mà dự án đã bị chìm vào quên lãng. Mãi đến tận mùa thu năm 2009, khi tiết trời bắt đầu se lạnh, The Time Traveler’s Wife mới chính thức ra mắt công chúng thế giới và nhanh chóng đón nhận nhiều ý kiến trái chiều về nội dung cũng như cách thể hiện cốt truyện của bộ phim.
Có hai điểm nổi bật nhất trong The Time Traveler’s Wife, đó chính là diễn xuất và góc quay. Một chuyện tình thú vị, gai góc sẽ ám ảnh hơn nếu diễn xuất của diễn viên chân thật và đọng lại nhiều ấn tượng. Eric Bana trong vai Henry vô cùng quyến rũ. Anh hấp dẫn không chỉ bởi tạo hình phong trần mà qua từng ánh mắt, dáng đi, cung cách ăn nói, Eric Bana đều cho ta thấy một Henry đa cảm, thổn thức thương tổn sâu tận đáy lòng, từ quá khứ, hiện tại cho đến cả tương lai. Điều này bắt rất đúng huyệt của tín đồ phim tình cảm, đặc biệt là chị em khán giả. Chưa hết, như một người khách trọ chẳng-mấy-lịch-lãm, Henry đến và đi trong tích tắc, hối hả, trần trụi. Như một đứa bé được sinh ra không manh áo, anh phải trốn chui trốn nhủi, thấp thỏm đợi chờ thời gian đưa mình quay về. Và trong nhiều lần di chuyển như vậy, anh còn mang theo vô vàn thương tích. Phải chăng đây là một ẩn dụ về con người của bộ phim? Lúc đến với cuộc sống này, chúng ta chẳng mang theo gì, nhưng khi ra đi, hành trang cuối cùng lại là con tim chai sạn và xây xước. Dù vậy, Henry vẫn cảm thấy mình thật may mắn vì anh đã yêu và được yêu thật lòng bởi một người con gái mang tên Clare Abshire.
Rachel-McAdams02.jpg


Trớ trêu thay lần đầu Clare (khi ấy chỉ mới 6 tuổi) gặp Henry là lúc anh đã kết hôn với cô được hơn 4 năm. Và lần đầu Henry (28 tuổi) gặp Clare lại là lúc cô 20 tuổi. Một bên chứa chan tình yêu thương, một bên mơ hồ và ngờ vực. Làm sao bạn dám yêu những kẻ lạ mặt mà câu đầu tiên họ nói đã là, “Chúng ta sinh ra để có nhau.”? Thử hỏi, có mấy ai đủ can đảm để vượt qua màn sương cám dỗ nhưng cũng đầy rủi ro đó? Câu trả lời chỉ có thể đặt vào sự mạo hiểm, khao khát tình cảm và niềm tin vào con tim của tuổi trẻ. Ở đây, cả Eric BanaRachel McAdams đều thể hiện nhân vật của mình một cách xuất sắc. Họ gặp, yêu và lấy nhau như thể họ sinh ra là để cho nhau, không một ai khác có thể chen ngang vào tình cảm ấy. Chính nhờ diễn xuất của Eric BanaRachel McAdams, câu chuyện của The Time Traveler’s Wife mới trở nên thực tế và dễ chấp nhận hơn bao giờ hết. Điều đáng nói là họ không chỉ thể hiện nhân vật của mình trọn vẹn và đầy cảm xúc mà sự xúc tác của cả hai trong những trường đoạn yêu đương cũng vô cùng toàn vẹn và truyền cảm.

EricRachel-dam-cuoi01.jpg

Clare đau đáu hụt hẫng khi chồng thoắt ẩn, thoắt hiện, mới ấm áp bên cạnh tức thì giờ chỉ còn trơ lại bộ quần áo. Henry cũng dằn vặt mình trong những chuyến hành trình mải miết của không gian và thời gian. Như anh nói: ”Tôi ghét cay đắng khi phải xa Clare. Tôi chỉ muốn những gì bình dị, một cuốn sách, một chút kem trong ly café và làn da của Clare. Những thứ đó làm tôi nhức nhối khao khát mỗi khi chuyến hành trình vượt thời gian lôi tôi đi.”
EricRachel06.jpg


Và cũng chính từ những chuyến hành trình này mà góc quay của phim trở nên cực kỳ quan trọng. Đạo diễn hình ảnh Florian Ballhaus đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Nét lãng mạn trong từng khung hình và cách phối màu hoàn hảo đã mang lại cho bộ phim cảm xúc thăng hoa tuyệt diệu. Florian Ballhaus với kinh nghiệm từ bộ phim The Devil Wears Prada đã sử dụng những mảng màu tối nhằm nổi bật hóa sự cô đơn, giá lạnh của Henry trong những chuyến du hành vượt thời gian. Ngược lại, giây phút ClareHenry ở bên cạnh nhau, đặc biệt là trường đoạn cuối phim, màu sắc tươi sáng với hai tông màu chủ đạo vàng và xanh lá mang lại sức sống tình yêu mãnh liệt cho hai nhân vật chính. Bằng cách tung hứng màu sắc và bối cảnh nhuần nhuyễn, Florian Ballhaus đã khiến cho những thước phim của The Time Traveler’s Wife hỗ trợ đắc lực cho diễn xuất của diễn viên cũng như xây dựng nên một chuyện tình viễn tưởng đầy lãng mạn. Tuy nhiên, kỹ xảo khi Henry tan biến trong không gian lại được xử lý có vẻ hơi đơn giản. Điều này làm cho cảm xúc của người xem ít nhiều bị mai một. Việc Henry tan biến rất quan trọng vì trong nhiều trường đoạn, sự tan biến quá nhanh của Henry để lại nỗi trống vắng cho Clare và người xem mong chờ cảm xúc đó để chia sẻ. Ấy vậy mà, như đã nói, việc để Henry ra đi như một thủ thuật xóa hình đã khiến cho sự đồng cảm đáng lẽ phải có này, bị thuyên giảm.
Trong The Time Traveler’s Wife, cách thể hiện “voice over” (giọng độc thoại) như lời dẫn chuyện hay đối thoại nội tâm của nhân vật cũng góp phần nâng cao cảm xúc phim. Khi Henry thì thầm câu chuyện về cuộc đời, người xem như đắm chìm trong những chuyến du hành thời gian cùng anh. Còn trong những đoạn đối thoại nội tâm của Clare, họ lại được chia sẻ sự khắc khoải chờ đợi tình yêu của người vợ. Việc sử dụng voice over trong một bộ phim là rất khó. Bởi sử dụng không khéo sẽ khiến cho nó bị rối, các nhân vật trở nên chồng chéo. Dù vậy, The Time Traveler’s Wife đã thành công với tiểu tiết này.
EricRachel-dam-cuoi02.jpg


Xuyên suốt 107 phút theo đuổi cuộc đời của HenryClare, khán giả được trôi theo dòng cảm xúc một cách chân thực và đầy đặn. Và cũng bởi vì không gian và thời gian của bộ phim rất khó xác định nên các nhà làm phim chỉ chú trọng phát triển mạch phim. Một mạch phim lưu loát và tự nhiên, cộng diễn xuất chín muồi của hai diễn viên chính và những góc quay hoa mỹ đã tạo nên dấu ấn trong lòng khán giả về cuộc sống viễn tưởng mà rất chân thật của The Time Traveler’ Wife.
The Time Traveler’ Wife với tựa Tiếng Việt là Chồng Ảo đã công chiếu ở Việt Nam từ ngày 25/09/2009, tại khắp các rạp trên toàn quốc.
Thanh Tùng
 
Back
Top