N
nikki
Guest
Cả cái xóm ấy là đại gia đình nhà ông Lai. Ông ấy có 4 vợ, nhiều bồ và đến 70 đứa cháu. Vợ chồng, con cái, cháu chắt sống ở đó, tạo ra cái xóm ấy, nên gọi là “xóm ông Lai”.
Gần 10 năm, tôi mới trở lại xã Thượng Cửu, vùng đất sâu và xa nhất của huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). 10 năm trước, để vào được xã, chỉ có cách duy nhất là cuốc bộ 20km, sau khi đã mất cả ngày đánh vật với chiếc xe máy và những con đường nhỏ xíu, trơn trượt, dốc ngược. Khi đó, rừng rú hoang rậm lắm.
Giờ, tuy núi non vẫn trùng điệp, song con đường trải nhựa đã vào đến tận xã. Cũng vì đường phẳng phiu, mà rừng đã sạch trơn nhẵn bóng. Những đại ngàn gỗ nghiến hút tầm mắt giờ chẳng thấy bóng dáng cây nào.
Đang lang thang dọc con suối ô nhiễm đỏ lòm vì mấy nhà máy khai thác quặng sắt trên đầu nguồn đào bới tung tóe núi non, thì đến một bản, mà người dân gọi là “bản ông Lai”. Nghe cái tên bản thật lạ, tôi hỏi, thì mấy anh đang quăng chài kéo cá bảo: “Cả cái xóm ấy là đại gia đình nhà ông Lai. Ông ấy có 4 vợ, nhiều bồ và đến 70 đứa cháu. Vợ chồng, con cái, cháu chắt sống ở đó, tạo ra cái xóm ấy, nên chúng tôi gọi là xóm ông Lai”.
Nghe chuyện thấy kỳ dị, tôi liền rẽ vào “xóm ông Lai”. Đi qua đập tràn, gặp người đàn ông đang rửa xe máy dưới suối, tôi hỏi, thì anh tủm tỉm cười, bảo: “Đúng là có chuyện đó thật, cả xóm ấy, mấy chục nóc nhà, toàn là vợ và con cháu ông Lai. Cái xóm ấy tên là Pu Cáp vì nó nằm dưới chân núi Pu Cáp, nhưng ở xã chúng tôi cũng toàn quen miệng gọi là xóm ông Lai thôi”.
Hóa ra, người tôi hỏi thăm là Chủ tịch xã Thượng Cửu, anh Hà Văn Nhận. Tôi hỏi anh Nhận: “Ở vùng Thanh Sơn này, chủ yếu là đồng bào Mường, Dao, giỏi bùa, ngải, nèm, chài, vậy liệu có phải ông Lai dùng bùa ngải để lấy vợ không?”. Anh Nhận bảo: “Cái này thì không rõ lắm, nhưng ở xã kế bên, có ông thầy bùa lấy mấy chục vợ cơ. Không hiểu ông thầy bùa kia có làm phép để lấy nhiều vợ không, chứ ông Lai này là người Kinh đàng hoàng, không phải thầy bùa, cũng không biết cúng bái gì cả”.
Anh Hà Văn Nhận nhắc đến ông thầy bùa lấy mấy chục vợ, khiến tôi chợt nhớ ra. Đó là ông Hoàng Văn Nhẻo, ở bản Dùng, xã Thạch Kiệt, cách xã Thượng Cửu 40km đường rừng núi.
Cách đây 5 năm, tôi cùng nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn (Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ) đi tìm hiểu văn hóa của người Mường ở Thanh Sơn, đã ở nhà ông Nhẻo mấy ngày liền. Ông Nhẻo là pho sử sống của vùng đất cổ Thanh Sơn.
Nhà ông Nhẻo nằm bên bờ sông Bứa, giữa đồi chè mênh mang. Năm ấy, 75 tuổi, song ông Nhẻo vẫn cực kỳ tráng kiện. Mắt sáng, mày rậm, tướng đẹp. Ông Nhàn hỏi: “Sao 10 bà vợ của ông đâu, mà lại ở một mình thế này?”. Ông Nhẻo ngồi bên cửa sổ, cười buồn, ánh mắt mơ màng nhìn ra dòng sông Bứa bảo: “10 bà vợ là chuyện của chục năm trước rồi nhà văn ạ. Tính đến năm vừa rồi, tôi có tổng cộng 20 vợ cơ. Các cụ nói chẳng sai, lắm mối tối nằm không. Giờ thì không còn vợ nào nữa rồi”.
Thời đại này còn có người lấy đến 20 vợ! Nghe chuyện đến là khó tin, nên tôi lòng vòng quanh xóm Dùng để tìm hiểu. Nhưng thành tích lấy 20 vợ đúng là thật, ông Nhẻo không khoe khoang tý nào. Cả cái xóm Dùng giữa đồi chè bát ngát, toàn là vợ, con, cháu của ông Nhẻo, mỗi bà một thế giới riêng, vườn tự trồng cây, ao tự thả cả, chè trồng trên nương.
Phần lớn các bà vợ của ông Nhẻo là người Mường, Dao, tuy nhiên, cũng có mấy bà là người Kinh, ở mãi dưới xuôi lên. Có bà lên đây, đẻ con với ông Nhẻo, rồi được ông chia đất, làm nhà cho. Nhưng cũng có bà lên làm cưới hỏi đàng hoàng, rồi mang con bỏ về xuôi, vì không chịu được cảnh rừng rú buồn tẻ.
Lạ nhất là chuyện một bà ở Sơn Tây, lên nhà ông Nhẻo bốc thuốc, đã mê ông, rồi ở lại luôn bản Dùng, gia nhập “tiểu đội vợ” của ông Nhẻo. Thấy chị gái đi bốc thuốc mà đi tuột luôn, cô em gái muộn chồng lên Thanh Sơn tìm chị. Gặp thầy Dùng, cô em gái cũng quên mất đường về.
Hai chị em thương nhau là vậy, chia sẻ từng củ sắn củ khoai để lớn lên, nhưng lại không chịu san sẻ chồng, thế là mâu thuẫn ghê gớm. Kết cục, hai người không nhìn mặt nhau, và cũng bỏ luôn cả ông chồng tham lam.
Ông Nhẻo phân trần: “Tôi cũng chả hiểu được mình nữa. Tôi đĩ tính, nên cứ thấy bà nào thương tôi, là tôi thương lại, không cưỡng được mình”.
Mặc dù có nhiều vợ vậy, số lượng con cháu thì không nhớ nổi, song về cuối đời, ông Nhẻo lại phải sống một mình trong căn nhà thênh thang. Trong số 20 bà vợ, vài bà đã chết già, chết bệnh, bà thì bỏ về quê cũ, những bà vẫn ở xóm Dùng thì ở với con, coi như không có ông chồng đào hoa, bội bạc kia trên đời nữa.
Hồi đó, sau khi chia tay ông Hoàng Văn Nhẻo, người đàn ông có lẽ đạt kỷ lục Việt Nam vì có nhiều vợ, ông Nhẻo nói với nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn: “Tôi có 20 bà vợ, mấy chục đứa con, nhưng tôi sẽ chết một mình trong căn nhà này. Tôi đã làm nhiều việc không hay cốt để kiếm tiền nuôi 20 bà vợ, nên cuối đời sẽ phải trả giá mới là lẽ công bằng”. Ông Nhẻo còn dặn tôi rằng: “Cháu để ông tĩnh tâm làm nhiều việc đức như chữa bệnh để trả nợ cuộc đời. Khi nào ông chết, cháu hãy viết về ông, chứ đừng viết bây giờ nhé!”.
Tôn trọng ý nguyện của ông Hoàng Văn Nhẻo, tôi đã không viết câu chuyện của ông lên báo, mặc dù chuyện của ông quá lạ lùng.
Cuối năm 2009, lang thang nhiều ngày ở huyện Thanh Sơn và Tân Sơn (Phú Thọ), tiện đường, tôi ghé vào bản Dùng thăm ông Hoàng Văn Nhẻo. Thế nhưng, ngôi nhà sàn rộng thênh thang không có người ở, mạng nhện bám kín.
Hỏi một bà vợ của ông Nhẻo ở trong xóm, thì được biết, ông Nhẻo đã “về trời” từ năm trước. Bà vợ này kể, một ngày, ông Nhẻo cứ tiều tụy, không ăn, cũng không nói gì cả, ông đóng cửa không tiếp ai, không cho ai vào. Thế rồi, ông chết không rõ nguyên nhân trên cái giường mà ông đã đầu ấp tay gối với 20 bà vợ. Ông chết một mình, không có ai ở cạnh. Nghe vậy, tôi chợt rùng mình khi nhớ lại lời tiên tri của ông rằng “Tôi có 20 bà vợ, mấy chục đứa con, nhưng tôi sẽ chết một mình trong căn nhà này”.
Câu chuyện của ông Hoàng Văn Nhẻo là câu chuyện của một ông thầy bùa, mang màu sắc huyền bí. Nhưng chuyện của người đàn ông tên Lai này, có gì đặc biệt? Tại sao sống giữa chính quyền, đoàn thể mà ông Lai lại vẫn "tự do" lấy nhiều vợ thế?
(Còn Tiếp)
vtc