Chuyện cảm động của 'Bồ Tát dưới chân đèo Ngang'

Jolie

Member
[h=2]Một đêm, sau khi cứu thành công nạn nhân, Thời trở về nhà khi đồng hồ đã điểm qua ngày mới, mở cửa ra anh thấy bánh sinh nhật của con vẫn còn nguyên, mấy mẹ con gục ngủ trên ghế. Anh ứa nước mắt...[/h]

Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng
Trong chuyến công tác cuối năm đi qua đèo Ngang, ngồi ở quán nước nghỉ chân chúng tôi được nghe vị chủ quán này kể về anh, một con người được dân sống ở hai bên đèo Ngang gọi với cái tên rất trìu mến: “Thời cứu nạn”. Tò mò, tôi hỏi đường tìm đến nhà, theo chỉ dẫn, chúng tôi chui qua khỏi hầm, phía bên kia dốc, một ngôi nhà nhỏ hiện lên. Đó là tư dinh của anh Phạm Xuân Thời, người mà chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết.
Khi biết ý định cuộc viếng thăm của chúng tôi, anh Thời nở nụ cười hiền nói: “Việc tôi làm cũng bình thường chứ có chi mà viết hả chú? Đặt vào trường hợp đó tôi nghĩ ai cũng làm vậy thôi, cứu người trong lúc hoạn nạn là bổn phận của mỗi con người mà ông cha ta đã dạy mà”.
Phạm Xuân Thời (SN 1977), sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Từ mấy đời nay, gia đình anh sinh sống ngay dưới chân dốc đèo Ngang. Cuộc sống khó khăn nên Thời không được ăn học đến nơi đến chốn.
1-22.jpg
Chân dung "kẻ gàn" cứu người gặp nạn trên đèo Ngang Phạm Xuân Thời.
Tuổi thơ của Thời gắn với con trâu, đèo Ngang, với những con dốc, khúc cua tử thần. Cơ duyên với việc cứu người gặp nạn đến với Thời từ khi còn tóc để chỏm. Nhiều lần, Thời cùng đám bạn lên đỉnh đèo chăn trâu, kiếm củi chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn kinh hoàng. Mỗi lần thấy như vậy là cậu bé Thời lại không hoảng sợ mà xắn tay vào cõng người bị nạn chạy băng băng hàng cây số đến trạm y tế xã Quảng Đông để sơ cứu.
Có những lần, Thời giúp người ta, máu thẫm vào áo quần ướt sũng, lúc chạy về nhà để thay thì bố mẹ bắt gặp. Thấy con mình máu đầm đìa, ai cũng phát khiếp, hoảng sợ và dặn em không được làm những chuyện đó nữa, kẻo vạ lây vào thân.
Nhưng rồi, khi thấy tai nạn, nạn nhân nằm vật vã đau đớn dưới vũng máu, lý trí bắt anh phải hành động cứu giúp họ, thế là riết dần rồi quen, việc cứu người gặp nạnnhư là bổn phận phải làm của Thời dưới chân đèo Ngang này.
Anh Thời nhớ lại một lần mình cứu người trên đèo: “Năm đó tôi 17 tuổi, vào giờ giữa trưa khi tôi đang đi trên rừng về thì chứng kiến một thanh niên đi xe máy tự gây tai nạn nằm bất tỉnh dưới mương thoát nước, máu chảy đầm đìa.
Không chần chừ, tôi vội vàng sơ cứu vết thương và cõng nạn nhân chạy thẳng đến trạm y tế. Cũng may mà sau đó nạn nhân được cứu sống. Sau này tôi mới biết anh ta là sinh viên quê ở Nghệ An, trên đường đi về nghỉ hè thì gặp nạn.
7a.jpg
Đèo Ngang - nơi từng xảy ra nhiều vụ tai nạn kinh hoàng.
Tình yêu bắt đầu từ việc cứu người
Thật tình cờ, trong một lần hăng hái xông vào cứu người gặp nạn, anh Thời đã tìm được bạn đời của mình, đó là cô thôn nữ xinh đẹp Hà Thị Lan nhà ở bên kia đèo thuộc xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Chị Lan thời đó đang là sinh viên của một trường đại học ở Huế. Khi đang trên đường đi xe đò về quê, đến đỉnh đèo Ngang thì xe phải dừng lại vì phía trước xảy ra môt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Vốn cũng có tính hay xúc động khi thấy người gặp nạn, Lan xuống xe chạy tới hiện trường tai nạn. Mọi người tập trung xung quanh rất đông, thế nhưng tuyệt nhiên không có ai lao vào cứu nạn nhân đang nằm sõng soài dưới vũng máu cả. Bỗng nhiên từ đâu một nam thanh niên rẽ người nhảy vào sơ cứu cho nạn nhân, Lan cũng xúm giúp nam thanh niên kia một tay.
Lần đó cũng may có bàn tay cứu nạn của Lan và Thời nên nạn nhân được cứu sống. Cảm phục tấm lòng thương người như thể thương thân của Thời, cô sinh viên xinh đẹp Hà Thị Lan đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ chàng trai quê chân chất này.
Cũng từ đó, hai người thường xuyên thư từ, qua lại với nhau. Năm 1998, đám cưới đôi bạn trẻ được tổ chức dưới sự chứng kiến của hai họ, bạn bè, làng xóm. Đó cũng làm một đám cưới đặc biệt vì có nhiều người lạ ghé thăm, họ là những ân nhâncủa chú rể, nghe tin, có người về dự, người bận thì gửi thư chúc mừng.
4a.jpg
Anh Thời tâm sự: Cứu người là trách nhiệm và nghĩa vụ mỗi con người khi thấy người gặp nạn.
Dựng nhà dưới chân đèo để tiện cứu người
Cưới xong một thời gian, hai người xin gia đình ra ở riêng, họ vứt bỏ tất cả, dựng một căn nhà nhỏ, một quán cà phê được mở ra ngay sát dưới chân đèo Ngang. Ngày ngày vợ chồng họ chí thú làm ăn nuôi 3 đứa con đang tuổi cắp sách đến trường. Đồng thời, họ vẫn âm thầm làm việc thiện, cứu người lúc hoạn nạn, khó khăn.
Hơn 10 năm qua, vợ chồng Phạm Xuân Thời đã giúp đỡ hàng trăm người không may bị tai nạn trên đèo Ngang. Trước đây khi hầm đường bộ đèo Ngang chưa có, tai nạn xảy ra thường xuyên, có những hôm giữa khuya trời đông buốt giá, đôi vợ chồng trẻ này vẫn miệt mài đi cứu người không may gặp nạn.
Anh Thời cho biết, có tuần anh đã tự tay vuốt mắt lần cuối cho 4 trường hợp chết vì tai nạn trên đèo. Năm 2004, hầm đèo Ngang được đưa vào sử dụng, số phương tiện đi qua đèo có giảm, nên số vụ tai nạn cũng đỡ hơn.
Tuy nhiên, xe tải không được lưu thông qua hầm nên tai nạn trên đỉnh đèo vẫn xảy ra. Có những trường hợp xe từ ngoài vào và từ trong ra, khi vừa chui ra khỏi hầm đã bất ngờ đâm sầm lấy nhau, làm xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm.
Trong số những vụ cứu nạn mà anh đã trực tiếp tham gia, cho đến bây giờ anh vẫn còn nhớ mãi diễn biến chi tiết của một vụ việc xảy ra cách đây chưa lâu.
"Đó là vào một đêm mùa đông rét như cắt da cắt thịt, trời lại mưa lây rây, vợ chồng tôi chuẩn bị nằm ngủ thì bỗng nhiên có người đập cửa sầm sầm hốt hoảng kêu có vụ lật xe thương tâm trên đèo, tài xế đang trong cơn nguy kịch. Tôi và vợ vội vàng chui ra khỏi chăn lấy đèn pin theo người đó chạy lên đèo, quên cả mang áo mưa.
Đến nơi tôi thấy một người nằm sấp dưới vũng máu loang lổ khắp nơi, bên cạnh là chiếc xe máy đã bẹp rúm. Khi tôi quay lại định nói người báo tin giúp mình một tay thì chẳng thấy anh ta đâu nữa, sau đó tôi mới biết hóa ra chính anh ta là người gây ra tai nạn. Có lẽ vì quá hoảng sợ nên khi tìm được người cứu giúp nạn nhân, anh ta đã trốn mất", anh Thời nhớ lại.
Không chần chừ, anh Thời và vợ vội vàng anh lao đến bế thốc ngược người này lên rồi cứ thế nhằm hướng trạm y tế xã mải miết chạy trong đêm mưa rét. Cũng may, nhờ sự kịp thời cứu giúp của vợ chồng anh mà người bị nạn đã được cứu sống. Đó là anh Trần Giang Châu, người ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, hôm đó anh Châu đang trên đường vào cơ quan ở Quảng Bình để kịp cho buổi họp sáng hôm sau.
3a.jpg
Căn nhà anh Thời nằm ngay dưới chân đèo Ngang, được xem là trạm cấp cứu dã chiến cho những người gặp nạn
Một lần khác, cũng một đêm mưa, nạn nhân là nhà báo H.N, làm thường trú ở Quảng Bình. Anh N. hôm đó đang trên đường ra Hà Tĩnh thăm người yêu, khi qua đèo thì bị tai nạn. Lúc đó cả nhà anh Thời đang quây quần bên nhau, chuẩn bị tổ chức sinh nhật cho đứa con trai đầu lòng và cũng là kỷ niệm ngày cưới của hai vợ chồng thì bất ngờ nhận được tin báo.
Thoáng chút lưỡng lự, nhưng khi nhìn thấy ánh mắt người vợ trẻ của mình như thúc giục, thế là anh vội váng tức tốc leo ngược lên đèo. Tại hiện trường, anh Thời nhận thấy nạn nhân bị thương rất nặng, mất máu nhiều, nếu không sơ cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Không thể một mình xử lý được, anh lại phải chạy trở xuống gọi thêm một người xe ôm lên cùng mình taro các vết thương, cầm máu cho nạn nhân rồi mang đi bệnh viện.
Nhờ tấm lòng nghĩa hiệp của anh Thời mà nhà báo N. đã được cứu sống. Đêm ấy, anh Thời trở về căn nhà của mình khi đồng hồ đã điểm qua ngày mới, mở cửa ra anh thấy bánh sinh nhật vẫn còn nguyên, mấy mẹ con gục ngủ trên ghế. Chứng kiến cảnh đó khiến anh phải ứa nước mắt.
Đó chỉ là những trường hợp tiêu biểu trong vô số nạn nhân được anh cứu sống. Nhưng cũng có những lần anh phải tự tay vuốt mặt cho người bị nạn. Đó là những ca tai nạn mà nạn nhân tử vong ngay lập tức, cũng có trường hợp tử vong chính trên vòng tay của anh. Đó là những khoảnh khắc buồn nhất trong cuộc đời của anh, khi anh phải tận mắt chứng kiến họ trút hơi thở cuối cùng.
Làm việc thiện không mong người trả ơn
Với anh Thời, việc cứu người gặp nạn anh xem như là bổn phận, trách nhiệm của mình phải làm, chưa bao giờ anh nghĩ đến chuyện người gặp nạn phải trả ơn mình. Việc anh làm là hoàn toàn tự nguyện chứ không vì mục đích tư lợi gì khác.
Bà Hòe, chủ quán nước cạnh chân hầm đèo Ngang cho biết: “Cả cái khu vực này không ai không biết chú Thời cả, cứ đâu có tai nạn là chú ấy xuất hiện ở đó. Cũng nhờ chú ấy mà bao nhiêu người được cứu sống. Chúng tôi ở xung quanh đèo này cũng được chú Thời “truyền nghề” cho nên mọi người ở đây ai cũng nhiệt tình cứu giúp người gặp nạn”.
Anh Thời tâm sự, không ít lần anh suýt mang vạ vào thân vì cái nghiệp cứu người này. Nhiều vụ tai nạn họ nghĩ anh đến giả vờ giúp để hôi của, nhưng đó chỉ là những kẻ chưa biết về anh. Anh Thời vẫn còn nhớ như in một lần cứu nạn mà anh bị nghi là “hôi của”.
8a.jpg
"Khúc cua tử thần" trên đèo Ngang đã cướp đi nhiều sinh mạng con người
Hôm đó, khi vừa ra khỏi hầm đèo Ngang thì bất ngờ chiếc xe tải nhỏ chở hàng đông lạnh từ miền Bắc chạy vào va quệt với một chiếc xe tải khác theo hướng ngược chiều. Vụ tai nạn xảy ra tầm 3 – 4h sáng nên ngoài tài xế và phụ xe cùng với vợ chồng anh, hầu như không có ai có mặt tại hiện trường.
Mải miết cứu giúp những người bị thương, rồi bảo vệ hiện trường, đến sáng hôm sau khi cơ quan chức năng đến làm việc, tài xế xe chở hàng đông lạnh khai báo mất một bọc tiền bên trong có 300 triệu đồng. Lúc này, mọi con mắt nghi ngờ đều đổ dồn về phía vợ chồng anh.
Cũng may, khi mở rộng khu vực tìm kiếm, người ta phát hiện bọc tiền văng ra khỏi xe và bay đến nằm bên bụi cây, cách chỗ va quệt cả chục mét. Thế là anh lại được giải oan.
Anh Thời cho hay, có rất nhiều lần anh đã bị đưa vào diện “nghi ngờ” như thế, nhưng không vì thế mà anh nản chí hay từ bỏ việc có mặt tại nơi điểm nóng mỗi khi tai nạn xảy ra. Bởi anh tâm niệm, ở hiền sẽ gặp lành, mặc cho ai nói xỏ nói xiên, việc gì mình thấy chính đáng và đúng với lương tâm thì cứ thế mà làm, đó cũng là phương châm hành động của anh.
Vợ chồng anh Phạm Xuân Thời và chị Hà Thị Lan cùng chia sẻ thêm, trong số những người được anh chị cứu giúp, nhiều người đã quay lại cảm ơn, và có những người đã trở nên thân thiết như người nhà, đi qua về lại họ đều ghé qua.
Nhưng cũng có một số người một đi không trở lại. Dẫu vậy, anh chị cũng không lấy làm buồn lòng. Bởi với họ đó xem như là trách nhiệm của con người, cứu người gặp nạn là một lẽ đương nhiên trên cõi đời này.
Đã nhiều năm trôi qua, anh Phạm Xuân Thời vẫn làm cái việc tự nguyện cứu người không công ấy. Anh thực sự là ân nhân của rất nhiều người, mà nếu lúc đó họ không gặp anh thì cũng có thể đã bỏ mạng nơi ấy.

PHẠM HÒA
Theo Infonet






 
Back
Top