Chuyện "dị nhân" dùng mắm để vớt xác người phân hủy

Jolie

Member
[h=2]Xahoi - Để tiếp cận những thi thể thối rữa, nồng nặc mùi tử khí, gã bôi mắm lên mũi, nhúng đầy luôn cả khẩu trang. Thế là dân làng gắn cho gã biệt danh: Tây “mắm”.[/h]
di-nhan.jpg

Một trong những ngôi mộ do tự tay gã chôn cất.
Gã bảo, đời gã gắn liền với nghiệp… vớt xác. Âu đó cũng là duyên trời định. Gặp rồi không lẽ lẳng lặng bỏ đi? Thế là gã ôm, xốc, vác lên vai đưa vào đồi cát an táng, xây mộ hẳn hoi. Để tiếp cận những thi thể thối rữa, nồng nặc mùi tử khí, gã bôi mắm lên mũi, nhúng đầy luôn cả khẩu trang. Thế là dân làng gắn cho gã biệt danh: Tây “mắm”. Tên đầy đủ của gã là Lê Hữu Tây, ngụ tại thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, Thừa Thiên - Huế.
Khi tôi tìm được đến nhà Tây "mắm" thì cô con gái bảo gã đang chăn dê ngoài lùm dương dọc bờ biển. Khác với tưởng tượng của tôi về một người đàn ông to lớn, lầm lì, thậm chí là bặm trợn, hợp với nghề vớt xác, Tây "mắm" nhỏ thó, da đen xạm vị mặn mòi của dân miền biển, đôi mắt sắc, lanh lẹ. Khuôn mặt gã đăm chiêu có vẻ như nghiêm khắc, nhưng khi nói chuyện thì khẩu khí dõng dạc mà chân tình, dễ gần.
Cái nghiệp trời định
Gã bảo gã không nhớ nổi số xác chết trôi vào bờ đã gặp, áng chừng 50 hay 60 mạng người gì đó. Năm nay gã 53 tuổi, nhưng đụng phải xác chết đầu tiên vào năm 24 tuổi. Lần ấy, mải nhậu với đám bạn, gã sực nhớ là quên đưa chiếc ghe đánh cá vào bờ. Ra đến biển thì hoảng hồn khi thấy ba xác người dạt vào, đồng phục vẫn còn trên người nhưng thi thể thì trương phình, thối rữa. Gã hô hoán đám bạn nhậu ra phụ giúp nhưng ai nấy khi ngửi thấy mùi tử khí thì nôn ọe, tháo chạy, bỏ gã loay hoay với ba thi thể ấy. Không đành bỏ đi, gã tay cuốc, tay đào, khâm liệm, hương khói, chôn cất. Lúc phát hiện là 12 giờ khuya, đến 6 giờ sáng hôm sau gã mới hoàn thành công việc.
Năm nào bờ biển làng gã cũng có xác chết trôi dạt. Năm 2011, một anh bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đi du lịch tắm biển tại Lăng Cô, bị sóng đánh chìm, dạt vào Thuận An. Không ai khác, cũng là gã đưa vào bờ. Sau đó, thông qua báo chí, người nhà từ Hà Nội vào đem ra án táng.
Đúng 3 ngày sau, một đoàn người ở Hải Phòng, giới thiệu là làm việc ở bộ hay trung ương gì đó, vào tìm gã. Ba người chết ấy - một người là con, hai người kia là cháu của họ - đi tàu viễn dương gặp sự cố không may bỏ mạng. Họ năn nỉ nhờ gã đào lên, nhận diện rồi đưa vào nghĩa trang an táng cho tươm tất, đàng hoàng. Xong xuôi đâu đấy, họ bồi dưỡng cho gã một số tiền lớn (số tiền mà gã cho rằng nếu tính giá trị hiện nay đủ xây một ngôi nhà khang trang) nhưng gã nhất quyết không nhận. Dù họ năn nỉ kiểu nào, gã vẫn không lấy.
Gã bảo: “Mình làm phúc làm phước, nhận tiền hóa ra mình làm ăn trên xác chết người ta à? Sau đó, họ cũng để lại địa chỉ và cho xe đón ra Hải Phòng chơi ngót 1 tháng đấy. Bữa nay vẫn còn liên lạc qua điện thoại. Họ bảo, hễ ra Bắc là nhất định phải điện để họ còn biết mà đưa rước, thăm chơi”. Và gã cho rằng, cái nghiệp vớt xác gắn với đời gã từ đấy.
Rồi năm sau, có anh thanh niên người huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế nổi lập lờ ở chân cầu Thuận An. Người dân báo cho gã. Gã lao đến, nhảy ùm xuống nước kéo lên. Người thân đến nhận mặt, mếu máo rằng vì bị bệnh xơ gan cổ trướng, người thanh niên này có ý nghĩ tiêu cực nên tự tử. Nghe đến bệnh tật, ai cũng hoảng, tránh xa vì sợ lây nhiễm. Thế là lại chỉ mình gã mượn xe bò, chở về tận nhà tắm rửa, mặc áo quần rồi bỏ vào quan tài giúp thân nhân người chết.
Có lần, gặp vụ hai thanh niên bị chết, da dẻ bong tróc, thịt lở từng mảng khiến gã ớn đến tận cổ. Chẳng có đồ bảo hộ, gã xé ngay cái áo đang mặc trên người quấn mấy vòng ngang mũi nhưng xem ra chẳng át nổi cái mùi tởm lợm ấy. Nghĩ ngợi một lúc, gã chạy phăng phăng về nhà, vớ ngay hũ mắm, bôi lên mũi, mặt, nhúng đầy khẩu trang để “làm việc”. Biệt danh Tây “mắm” ra đời.
Lấy tiền nhà chôn thiên hạ
Gã sống cạnh biển nên chuyện cứu người sắp chết cũng không phải là hiếm. Tháng 6/2010, bốn sinh viên người Quảng Trị rủ nhau tắm biển. Chẳng hiểu thế nào, một anh chới với ngộp nước, ba người xông ra cứu bị sóng cuốn theo. Đang chăn dê, nghe tiếng ú ớ kêu cứu, một mình gã hì hục mãi mới kéo được cả bốn lên bờ. Người dân đứng xem bảo nên đưa ngay vào bệnh viện.
Gã quát: “Điên, chở đi là sốc nước, có mà chết không kịp ngáp”. Là dân biển, gã thừa biết nên làm gì. Được hô hấp nhân tạo và làm các thủ thuật để nước trong người trào ra, bốn thanh niên hồi tỉnh. Rồi cũng là gã đưa họ về nhà thay áo quần, rồi sai vợ nấu cháo cho họ ăn.
040313thoisuvotxac2danvietjpg1363229323.jpg

Gã Tây “mắm” chỉ về nơi phát hiện nhiều xác chết.
Lòng nghĩa hiệp của gã chưa dừng ở đó. Gặp xác chết vô thừa nhận hoặc không có thông tin về người thân, gã về nhà vét sạch tiền mua quan tài, đồ khâm liệm cho người xấu số. Nghề phụ hồ, gánh cát thuê chỉ đủ nuôi vợ, nuôi con, gã không có sức khỏe nên cũng bỏ nghề đi biển từ lâu. Thế là gã đành đi nhờ dân làng quyên góp, người ít kẻ nhiều để lo hậu sự cho người chết. Nhưng rắc rối cũng từ đó mà ra, kẻ ác mồm ác miệng bảo gã làm thế là kiếm tiền của dân, kiếm tiền trên xác chết. Bực mình, gã không thèm đi xin hàng xóm nữa, chạy thẳng lên chính quyền xã xin hỗ trợ để mua quan tài, hương hoa, áo vải cho người xấu số.
“Thế họ hỗ trợ được bao nhiêu?”, tôi hỏi. Gã đáp: “Cứ gặp xác chết, thông báo cho chính quyền khám nghiệm tử thi, xong xuôi đâu đấy họ hỗ trợ 3 triệu đồng”. Tôi tiếp lời: “Có đủ dư để bác hút thuốc, uống rượu chứ?”. “Chừng đó thì thiếu chứ dư thế nào được? Nhà phải bù thêm tiền đấy”, gã đáp thẳng thừng.
Tiếng tăm gã ngày càng được nhiều người biết đến. Thế là dù gặp người bị tai nạn giao thông, người ta cũng tìm gã nhờ hốt. Những người chết cô quạnh không ai biết, đến khi bốc mùi, vẫn là gã nhận làm. Nhà nghèo thì gã làm phúc không nhận tiền, nhà giàu biếu năm bảy chục ngàn thì gã nhận về dồn lại, rồi dùng số tiền ấy mua xi măng về xây những ngôi mộ mà gã đã chôn cất.
Gã lo mộ bị cát bay, cát nhảy thì tội. Mộ đề vô danh, ngày tháng năm vớt được và phía dưới đề “Lê Hữu Tây phụng lập”. Gã bảo, mộ không dưới 10 cái, ngày tháng chết khác nhau. Cái nào đến ngày giỗ là gã mua hương hoa, cúng kỵ mâm cơm, rượu thịt đàng hoàng. Theo lời gã, nếu chọn một ngày chung, đỡ chi phí thật nhưng vong linh sẽ không nhận được vì sai ngày. Gã cũng buồn day dứt là đến giờ, chưa có ngôi mộ nào được thân nhân đến nhận.
Chia tay tôi, gã bảo để lại cho gã cái “cạc-vi-dít”, lỡ có xác người dạt vào bờ, nhờ báo chí thông tin để thân nhân đến nhận, để họ được gần nhà, gần ông cha, tổ tông, chứ nằm ở biển thì cô quạnh và buồn lắm. Rời thôn Hải Bình trong cơn sóng vỗ bờ, hình bóng gã Tây “mắm” dung dị mà nghĩa hiệp lạ thường như đi theo tôi cả quãng đường dài còn lại.

theo Dong doi



 
Back
Top