T
T$
Guest
AP
Image caption
Hàng trăm người đang đợi ở bên ngoài hàng rào mới được dựng lên
Hàng trăm di dân đang mắc kẹt tại biên giới giữa Serbia-Hungary sau khi chính phủ Hungary đóng cửa đường biên bằng hàng rào thép gai mới.
Động thái trên nhằm ngăn chặn di dân tiến vào các nước trong khối Liên hiệp châu Âu (EU).
Cảnh sát đã đóng cửa tuyến đường sắt mà hàng chục nghìn di dân sử dụng trong những ngày qua sau khi các luật mới phát huy hiệu lực.
Một số người đã tìm cách trèo qua hàng rào, trong khi một số khác vứt đồ ăn và nước uống xuống đất để biểu tình.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã đề nghị chính quyền nước ông thiết lập rào chắn dọc biên giới với Romania, một nước thành viên EU, nhằm ngăn chặn dòng di dân.
EU đang đối mặt với dòng di dân khổng lồ. Nhiều người trong số này chạy trốn xung đột và nghèo đói ở các nước như Syria, nơi bị tàn phá bị cuộc nội chiến nổ ra hồi năm 2011.
Cơ quan biên giới của EU cho biết hơn 500.000 di dân đã đến biên giới EU trong năm nay, so với con số 280.000 của năm 2014, đa số dùng thuyền vượt qua Địa Trung Hải.
Bộ trưởng lao động và chính sách xã hội của Serbia Aleksandar Vulin, người đứng đầu ủy ban công tác của chính phủ Serbia về vấn đề di dân, cho rằng động thái đóng biên giới của Hungary là không bền vững.
Ông cũng nói với BBC rằng giới chức Serbia và Hungary không thường xuyên liên lạc.
"Chúng tôi đã đàm phán, nếu có thể gọi là như vậy, với những người đồng cấp Hungary, và với một cảnh sát hữu trách qua rào chắn".
Chúng tôi cũng đề nghị họ tìm một nơi để nói chuyện mặt đối mặt, những họ từ chối và đề nghị nói chuyện qua hàng rào".
Một số diễn biến khác hôm 15/9:
- 22 người, trong đó có bốn trẻ em, đã chết đuối sau khi một chiếc thuyền gỗ bị chìm trên tuyến đường biển giữa Thổ Nhì Kỳ và Hy Lạp, vốn được nhiều di dân sử dụng trong thời gian gần đây. 249 người khác trên thuyền đã được giải cứu.
- 179 người tỵ nạn đã rời khỏi một con tàu từ Munich đến Berlin ở bang Saxony sau khi tàu kéo phanh khẩn cấp, truyền thông Đức cho biết.
Bất cứ ai vượt biên bất hợp pháp sẽ bị truy tố, và 30 thẩm phán đã được huy động để xét xử những người vi phạm.
Các luật mới cũng quy định bất cứ ai làm hư hại hàng rào chắn mới, với độ cao 4m và trải dọc biên giới dài 175km giữa Hungary với Serbia, có thể bị trừng phạt bằng án tù hoặc trục xuất.
Các xe buýt của cảnh sát giờ đây sẽ đưa những người xin tỵ nạn đến các trung tâm đăng ký, nhưng nếu bị từ chối, họ sẽ phải quay đầu về phía Serbia, thay vì được phép đi xuyên qua Hungary.
Tình trạng khẩn cấp cũng tăng quyền cho cảnh sát và có thể cho phép triển khai quân đội dưới sự cho phép của quốc hội.
Image copyright
Reuters
Image caption
Cảnh sát Hungary đã bắt đầu thực hiện các vụ bắt giữ
Chính quyền Hungary nói hơn 9.000 người, mức kỷ lục mới, đã đi qua nước này trước khi biên giới bị đóng lại.
Khoảng 20.000 người đã đi qua Áo từ Hungary.
Cảnh sát cho biết đã bắt giữ 60 người bị cáo buộc tìm cách vượt rào chắn ở biên giới với Serbia.
Phát ngôn viên chính phủ Zoltan Kovacs nói: "Những cách chính thức và hợp pháp để vào Hungary và từ đó đến EU vẫn mở rộng. Đó là tất cả những gì chúng tôi yêu cầu từ các di dân - tuân thủ luật pháp quốc tế và châu Âu".
Ủy ban châu Âu nói cơ quan này đang làm rõ một số luật di dân mới của Hungary để xem chúng có phù hợp với các luật tỵ nạn của EU hay không.
[h=2]Tranh cãi về hạn ngạch[/h]Bắt đầu từ ngày 15/9, EU đã đồng ý đưa 40.000 di dân từ Hy Lạp và Ý đến các nước EU khác.
Tuy nhiên khối này vẫn chưa đồng ý về hạn ngạch bắt buộc để tái định cư 120.000 di dân khác.
Trong cuộc họp tại Brussels hôm 14/9, đa số các nước EU đã đồng ý về nguyên tắc việc đón nhận thêm 120.000 di dân thông qua hạn ngạch bắt buộc, và cũng đã có hy vọng rằng đề xuất này sẽ được thông qua trong cuộc họp ngày 8/10.
Đức và Áo đã kêu gọi triệu tập một cuộc họp bất thường các lãnh đạo EU vào tuần sau để thảo luận về khủng hoảng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trong một cuộc họp báo rằng 'vấn đề này chỉ có thể được giải quyết cùng nhau. Đó là trách nhiệm của toàn bộ EU".
Tuy nhiên Cộng hòa Czech, Slovakia và Hungary đã phản đối hạn ngạch này.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere nói hôm 15/9 rằng cần phải có cách để 'gia tăng áp lực' lên các nước từ chối hạn ngạch bắt buộc, có thể là bằng cách giảm viện trợ từ EU.
Tuy nhiên Bộ trưởng Ngoại giao Vụ châu Âu của Cộng hòa Czech, ông Tomas Prouza, gọi những lời đe dọa này là "trống rỗng và gây tổn hại đến tất cả các bên".
Một phát ngôn viên của cơ quan tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, bà Melissa Fleming, nói bà dự đoán khủng hoảng di dân sẽ tiếp tục vì sự thiếu vắng một hành động dứt khoát từ phía EU.
Đức đã tiến hành các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời hôm 14/9.
Động thái trên đã làm chậm dòng người tỵ nạn từ Áo, nơi khoảng 2.000 người đã qua đêm tại các ga tàu.
Áo, một trong vài nước EU đã tuyên bố sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới, đang bắt đầu triển khai hàng trăm binh sỹ để giúp cảnh sát đối phó với dòng di dân.
Các động thái này cũng thách thức Hiệp ước Schengen của châu Âu về tự do đi lại, mặc dù quy định này vẫn cho phép có các biện pháp kiểm soát tạm thời trong những tình huống khẩn cấp.
Theo BBC Vietnamese