Dj có tiếng ở hà nội và cuộc chơi thâu đêm suốt sáng

Jolie

Member
Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 6 Hà Nội thường gặp cảnh trong giờ nghỉ, một học viên trầm ngâm ngồi ôm cây đàn ghi ta gảy bập bùng trước hiên nhà khu cai nghiện.

bay-trong-bar-copy.jpg

DJ có tiếng ở Hà Nội và cuộc chơi thâu đêm suốt sáng (ảnh minh họa)


Hỏi ra mới biết cậu trai đàn hay hát hay giỏi ấy trước khi nhập trại cai nghiện đã từng là một DJ (Disc Jockey – người chỉnh nhạc) có tiếng trong một số vũ trường ở Hà Nội và Sài Gòn. Sau nhiều năm quay cuồng trong ảo giác của ma túy, trong đèn màu, rượu mạnh và tiếng nhạc chát chúa, đích đến của cậu trai được “dân chơi” một thời mệnh danh là “linh hồn của vũ trường” ấy nay là trại cai nghiện.


1. Huy kể lại, anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc. Cha là giáo viên dạy nhạc nên anh được cha truyền cho niềm đam mê âm nhạc, được làm quen với các loại nhạc cụ từ bé. Ngay từ khi lên lớp 4, ngoài giờ học chính khóa, anh đã được cha đưa vào học lớp sơ cấp âm nhạc tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.


Sáng học ở lớp, chiều ở nhà được cha kèm cặp, Huy tiến bộ trông thấy. Suốt bảy năm học sơ cấp âm nhạc, cậu bé luôn đạt điểm ưu. Tốt nghiệp sơ cấp, cậu học tiếp 4 năm hệ trung cấp và 2 năm hệ cao đẳng âm nhạc.
Năm 13 tuổi, cậu còn từng được tuyển vào đội guitar tứ tấu chuyên đi biểu diễn nghệ thuật phục vụ cho các Hội nghị lớn tại các điểm biểu diễn ở Hà Nội. Huy nhớ lại: “Có lẽ đó quãng thời gian đáng nhớ nhất trong suốt 13 năm học nhạc của tôi. Có những khi để biểu diễn chỉ một bài, chúng tôi đã tập luyện miệt mài trong 3 tháng. Nghệ thuật không như học văn hóa. Nếu có niềm đam mê, người học lớp trung cấp có thể đánh bài của giáo trình đại học”.


Năm 1996, Huy ra trường. Cậu xin đi làm ở những quán cà phê, quán hát nhạc “sống” để kiếm sống, cũng là cách thỏa mãn nhu cầu được sống với âm nhạc.


Niềm đam mê ghi ta với Huy dường như không có giới hạn, tháng 9/1998, Huy xin sang Nhật du học ngành cầu đường trong dự án của một công ty, thế nhưng thực chất của việc sang nước ngoài này theo Huy kể, chỉ là “muốn được tiếp cận với những tay ghi ta nổi tiếng của Nhật Bản”. Một năm vừa học kỹ thuật cầu đường, vừa bỏ tiền túi đi học thêm tại những câu lạc bộ guitar ở Nhật, Huy học hỏi được rất nhiều tính kỷ luật và khắt khe trong công việc của người Nhật.


Trở về Việt Nam với những kiến thức học được, Huy tích cực tham gia thiết kế nhạc cho những sự kiện. Huy được nhiều người đánh giá là một tay ghi ta cự phách, thường xuất hiện trong những sự kiện đòi hỏi trình độ guitar cao và khả năng độc tấu. Anh liên tục được mời biểu diễn ở các trường, công ty, nhà hàng.


Ước mơ mua được các nhạc cụ đắt tiền để lập một ban nhạc riêng, trong một lần được bạn rủ đến vũ trường, Huy lần đầu được tiếp xúc với các tay DJ và biết đây là một nghề có thể kiếm ra tiền. Anh quyết định rời Hà Nội để vào Sài Gòn đầu quân chơi nhạc cho những quán bar, vũ trường. Và vũ trường, sàn nhảy đã biến một tay chơi đàn ghita thuần túy thành một tay chỉnh nhạc cự phách, nhưng cũng kèm điều kiện nghiệt ngã: phải dùng ma túy để có sức chỉnh nhạc.



2. Huy nhớ lại, những ngày đầu mới đặt chân đến Sài Gòn, anh chơi cho một quán bar. Sau vài tháng, anh đã được mọi người trong giới chỉnh nhạc vũ trường đánh giá cao vì có sức khỏe tốt, có thể chỉnh nhạc suốt đêm mà không biết mệt. Thời gian ấy, thu nhập mỗi tháng của anh có thể lên tới 12 triệu. Huy định sau khi gom góp được một món tiền, thì sẽ bỏ nghề DJ để thực hiện ước mơ lập ban nhạc riêng.


Một thời gian sau đó, phong trào “dân chơi” tìm đến các sàn nhảy vũ trường đã lan từ miền Nam ra đến ngoài Bắc. Nhận thấy ở Hà Nội đã có “sân chơi” cho mình thử sức, Huy rời Sài Gòn về Hà Nội.


Vài năm làm DJ, nếu ngày đầu tiên vào nghề, Huy có thể thức trắng vài đêm mà không cảm thấy mệt mỏi, thì nay có thể chỉ một đêm thiếu ngủ cũng khiến anh rã rời. Ở các công việc khác, người ta làm ngày ngủ đêm nhưng trong nghề DJ thì ngược lại, ban đêm chính là ban ngày. Huy cho biết, ở các sàn nhảy, người DJ thường phải làm việc liên tục từ 21h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Từ năm 2004, Huy tìm đến ma túy để giải quyết vấn đề thức đêm không mệt, đặc biệt là thường dùng các loại ma túy tổng hợp như thuốc lắc, tài mà…
toi-pham-ma-tuy-71.jpg

Thông thường, khi chơi heroin, các con nghiện thường chọn không gian tĩnh để “thưởng thức”, còn các con nghiện ma túy tổng hợp lại cần nhạc sôi động để quay cuồng trong ảo giác. Huy ngày càng lún sâu vào con đường nghiện ngập. Ban ngày, trước khi vùi đầu vào giấc ngủ, Huy thỏa mãn cơn nghiện bằng cách hít heroin. Khi màn đêm buông xuống, để có sức làm việc, Huy lại tìm đến những viên thuốc lắc. Cứ như thế, hết ngày đến đêm, Huy triền miên trong các cơn nghiện.


Càng hút càng hăng, Huy làm việc điên cuồng không biết mệt. Huy công khai giở thuốc ra “phê” ngay giữa vũ trường. “Các con nghiện đều tập trung về sàn nhảy nên các loại ma túy ở đây cũng đa dạng. Hầu hết các loại ma túy gây nghiện tôi đều đã được dùng”, Huy nhớ lại.


Đêm lao vào cuộc vui chỉnh nhạc cho dân chơi lắc lư, hát hò, rú rít… Ngày Huy lại vùi đầu vào giấc ngủ, chẳng có thời gian tập nhạc cổ điển như ngày xưa. Nhờ nghề DJ, Huy đã đủ tiền mua những nhạc cụ ngày xưa mình mơ ước, nhưng khi mua về thì nay cũng chỉ xếp xó nhà. Lúc này, điều quan trọng nhất với Huy là những liều ma túy để thỏa mãn cơn nghiện, là chiếc dàn chỉnh nhạc giúp Huy có tiền hút hít.


3. Những vũ trường nơi Huy làm việc đã lọt vào tầm ngắm của các trinh sát phòng chống tệ nạn ma túy. Một đêm giữa tháng 5/2009, khi Huy đang tai đeo tai nghe, tay liến thoắng quay đĩa, cùng với hàng trăm “dân chơi” khác trong vũ trường lắc lư theo tiếng nhạc, miệng rú rít kích động do ảo giác ma túy thì công an ập vào kiểm tra hành chính. Kết quả xét nghiệm các đối tượng ở đây cho thấy hàng chục “dân chơi” sử dụng chất ma túy, trong đó Huy là một trong những con nghiện có thâm niên dùng ma túy trái phép lâu nhất. Huy bị buộc phải đi cai nghiện.


Không còn ma túy, không còn tiếng nhạc, không còn đèn màu, rượu mạnh và những váy ngắn lả lơi hàng đêm, chàng trai có giấc mơ trở thành một nhạc công nổi tiếng ngày nào, nay đã nhận ra mình chỉ là một con nghiện thân tàn ma dại. Huy kể: “Ngày đầu mới nhập trại, khi vẫn chưa dứt được cơn nghiện thì vẫn còn than thân trách phận, chửi bới cuộc đời. Thế nhưng khi đã dứt cơn nghiện, đã có thể đi lao động, ăn ngủ điều độ thì những suy nghĩ như thế nay đã không còn. Tự mình đã đưa mình vào con đường nghiện ngập, nên mình không trách ai được. Điều quan trọng là phải dứt nghiện hoàn toàn để làm lại từ đầu, bắt đầu một cuộc sống mới”.


Trả lời câu hỏi anh có thấy môi trường ở những tụ điểm chơi bời như vũ trường, quán bar cũng là nơi có thể dễ khiến người ta sa ngã hay không? Huy cho biết: “Không phải cứ ai làm nghề DJ là dính đến ma túy. Thế nhưng nếu thời gian quay trở lại, tôi chắc chắn sẽ không làm nghề DJ, hay làm việc ở vũ trường”.

Please support the charity: ==>> [url]http://charity4nhatrang.com[/URL]

[video=youtube;syCQtBjE3Hg]https://www.youtube.com/watch?v=syCQtBjE3Hg[/video]


 
Back
Top