EU cam kết viện trợ cho di dân Syria

T

T$

Guest



150924010524_migrants_624x351_reuters_nocredit.jpg
Image copyright
Reuters



Image caption

Khoảng nửa triệu người di cư đến châu Âu năm nay khiến EU chia rẽ sâu sắc


Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cam kết thêm một khoản viện trợ 1,1 tỷ đôla cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc đang trợ giúp người tỵ nạn Syria ở Trung Đông.
Đây được coi như là một phần của nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư sang EU.
Việc trợ giúp sẽ được mở rộng đến các nước láng giềng của Syria, nơi hàng triệu người chạy trốn kể từ khi cuộc xung đột của nước này diễn ra.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí về việc tăng cường biên giới bên ngoài EU.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo ‘làn sóng lớn nhất của những người tỵ nạn và di cư vẫn còn phía trước’.
Khoảng nửa triệu người di cư đã đến châu Âu năm nay khiến EU chia rẽ sâu sắc.
Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp tại diễn ra trong bối cảnh bất đồng về việc tái định cư 120.000 di dân.
Một số nước phản đối kế hoạch này, vốn quy định hạn ngạch bắt buộc cho các thành viên EU; Slovakia thậm chí khởi kiện.
Mặc dù vậy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker mô tả các cuộc đàm phán là ‘tuyệt vời’, diễn ra trong ‘bầu không khí tốt hơn so với dự kiến’.






Image copyright
REUTERS



Image caption

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói: "Các biện pháp không kết thúc cuộc khủng hoảng nhưng đúng hướng''

Những gì các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí
  • Ít nhất 1,1 tỷ đôla bổ sung được trao cho cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc và chương trình Lương thực Thế giới
  • Giúp đỡ thêm cho Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác
  • Đẩy mạnh hợp tác và đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ
  • Trợ giúp các nước vùng Balkan, nơi trở thành con đường chính cho người di cư đi về hướng bắc
  • Tăng cường kiểm soát biên giới, rót thêm kinh phí cho các lực lượng an ninh biên giới
Ông Tusk cho biết mục tiêu của cuộc họp tại Brussels là ‘chấm dứt việc đổ lỗi cho nhau’ giữa các thành viên.
Ông cho biết khoảng bốn triệu người Syria đã chạy sang các nước láng giềng, nghĩa là "chỉ riêng Syria đã có hàng triệu người tỵ nạn có khả năng sẽ tìm đến châu Âu, chưa tính đến Iraq, Afghanistan, Eritrea và những nước khác".






Image copyright
Reuters



Image caption

Di dân tại Croatia hôm 23/9

Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí thiết lập các trung tâm xử lý nhanh tại các quốc gia tuyến ngoài châu Âu để sàng lọc những người mới đến.
"Các biện pháp mà chúng ta đã nhất trí ngày hôm nay sẽ không chấm dứt được khủng hoảng. Nhưng đó là các bước cần thiết và đúng hướng'', ông Tusk phát biểu kết thúc cuộc họp kéo dài bảy giờ đồng hồ.
Một hội nghị thượng đỉnh khác dự kiến diễn ra tháng 10/2015. Ông Tusk và ông Juncker cũng đã lên kế hoạch hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Đức là quốc gia mà hầu hết người di cư muốn xin tỵ nạn. Thủ tướng Đức Merkel cho biết bà "hài lòng" với kết quả đạt được và "có cảm giác rằng chúng ta muốn giải quyết khó khăn này cùng nhau".
Bà cũng nói rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad cần tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại nước ông trong khi đang có các nỗ lực ngoại giao mới.


Theo BBC Vietnamese
 
Back
Top