T
T$
Guest
epa
Image caption
Một gia đình người tỵ nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ
Các nhà lãnh đạo châu Âu sắp nhóm họp tại Brussels để bàn biện pháp giảm khủng hoảng di cư trong khu vực, tập trung vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Gần 600.000 người đã đến EU bằng đường biển trong năm nay, hầu hết thông qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) cho hay.
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang nhận hai triệu người di cư, hầu hết trong số họ chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở nước láng giềng Syria.
Các nhà lãnh đạo EU đang tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Họ mong muốn chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia kế hoạch hành động chung gồm:
- Trợ giúp thủ tục và tài chính nhiều hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp nhận người di cư
- Trợ giúp tuần tra bờ biển với sự đồng ý của Thổ Nhĩ Kỳ
- Đấu tranh chống nạn buôn người
- Tăng cường hoạt động hồi hương
Image copyright
AFP GETTY
Image caption
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn đang bị chỉ trích
[h=2]'Khó khăn và rất phức tạp'[/h]Tuy nhiên, Ankara dự kiến sẽ gây sức ép để công dân Thổ mau chóng được đi lại không cần thị thực sang những nước châu Âu trong khu vực Schengen, vốn đã bãi bỏ kiểm soát biên giới.
Trước cuộc họp hôm thứ Năm 15/10 tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nói rằng EU chỉ nhượng bộ nếu Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực giúp giảm bớt dòng người di cư đang ở mức kỷ lục.
Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến đến Ankara để hội đàm vào cuối tuần này.
Chris Morris, phóng viên BBC tại Brussels phân tích:
Hầu hết các nhà lãnh đạo EU tin rằng, nếu không hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ, nỗ lực kiểm soát cuộc khủng hoảng di cư sẽ không thành công. Nhưng đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ muốn nhận được nhiều lợi ích - thêm trợ giúp tài chính, miễn thị thực cho công dân của họ, và thúc đẩy tiến trình gia nhập EU.
Ủy ban châu Âu đang cố gắng chỉ đạo tiến trình, nhưng một số nước EU tỏ ra không hào hứng về việc cho Thổ Nhĩ Kỳ quá nhiều ưu đãi.
Xu hướng chuyên quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn đang bị chỉ trích mạnh. Và cũng có quan ngại thật sự về chuyện Thổ Nhĩ Kỳ nối lại cuộc chiến với phiến quân người Kurd.
[h=2]Di cư năm 2015[/h]
- Hơn 590.000 người đến châu Âu bằng đường biển năm 2015, IOM cho biết
- Năm 2014 chỉ có 282.000 di dân đến châu Âu (thống kê của Frontex)
- 350.000 người được phát hiện đến đảo Hy Lạp trong chín tháng đầu năm 2015, chủ yếu từ Thổ Nhĩ Kỳ (Frontex)
- Hơn 3.000 người tử nạn trong lúc băng qua Địa Trung Hải đến châu Âu trong năm nay (IOM)
Tính đến thời điểm này, 710.000 người di cư đã vào EU so với 282.000 người trong năm 2014, tổ chức kiểm soát biên giới của EU là Frontex cho biết hôm thứ Ba 13/10.
Trong một lá thư gửi các nhà lãnh đạo EU trước hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Năm 15/10, ông Tusk đã cảnh báo rằng tình hình khu vực "khó khăn và rất phức tạp".
"Đơn cử một thí dụ, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi chúng tôi trợ giúp thiết lập một khu vực an toàn ở miền bắc Syria, trong lúc Nga - ngày càng hoạt động mạnh ở Syria - công khai bác bỏ ý tưởng này".
Ông nói thêm: "Chúng ta cần phải tự hỏi liệu những quyết định mình đã làm đến nay và quyết định sẽ đưa ra hôm thứ Năm 15/10, có đủ để kiểm soát một làn sóng di cư mới hay không" - làn sóng mà ông cảnh báo là sẽ bao gồm hàng triệu người mới đến trong mùa xuân 2016.
Theo BBC Vietnamese