T
T$
Guest
Reuters
Image caption
Các nhà lãnh đạo EU hy vọng thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp ngăn dòng chảy di dân
Các quốc gia EU đã thống nhất kế hoạch hành động cho Thổ Nhĩ Kỳ mà họ hy vọng sẽ giảm bớt dòng người di cư đến châu Âu.
Gần 600.000 người đã đến EU bằng đường biển trong năm nay, hầu hết đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp trước khi tìm đường lên phía bắc.
Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một số yêu cầu để đổi lại việc giúp ngăn dòng di dân.
Trong cuộc họp báo ở Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết ông ‘lạc quan một cách thận trọng’ về thỏa thuận này.
Trong khi đó, tin cho biết một người đàn ông Afghanistan đã bị bắn chết trong khi tìm cách từ Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh vào Bulgaria tối thứ Năm 15/10.
Người đàn ông này nằm trong một ‘nhóm lớn’ người di cư đang tìm cách vào Bulgaria, AFP dẫn nguồn Bộ Nội vụ cho hay.
Trong hội nghị thượng đỉnh Brussels, các quan chức châu Âu thống nhất:
- sớm miễn thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ sang các nước châu Âu trong khu vực Schengen, vốn đã bãi bỏ kiểm soát biên giới
- xúc tiến đàm phán gia nhập EU cho Thổ Nhĩ Kỳ
Image copyright
AP
Image caption
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker
[h=2]'Còn rất nhiều việc cần làm'[/h]Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu viện trợ 3 tỷ euro (3,4 tỷ đôla). Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các quốc gia EU đang cân nhắc yêu cầu này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết sẽ tiếp tục hội đàm với quan chức Thổ Nhĩ Kỳ về số tiền viện trợ cho Ankara trong những ngày tới.
Bà Merkel sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ để hội đàm vào cuối tuần này.
"Hiện còn rất nhiều việc cần làm. Nhưng không thể nói rằng chúng ta chưa đạt được điều gì cả", bà Merkel nói.
Các nguồn tin từ EU cho hay một số quốc gia tỏ ra thận trọng, không muốn đạt thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ quá nhanh chóng.
Trong số những nước này có Hy Lạp, Cyprus và Pháp.
Chris Morris, phóng viên BBC tại Brussels, phân tích:
“Tôi nghĩ rằng hầu hết các nhà lãnh đạo EU biết rằng, việc châu Âu hợp tác chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ là rất cần thiết trong việc đưa cuộc khủng hoảng di dân vào tầm kiểm soát”.
Hội nghị thượng đỉnh này đã đưa ra thỏa thuận sơ bộ thế nhưng mọi việc còn tùy thuộc vào việc áp dụng nó trên thực tế.
Chủ tịch của hội nghị thượng đỉnh vừa rồi, Donald Tusk, nói ông biết rõ là tất cả phụ thuộc vào liệu dòng chảy của người tỵ nạn vào châu Âu có được ngăn chặn nhưng phải nhiều tuần nữa chúng ta cũng chưa chắc đã biết Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng làm điều đó hay không”.
Image copyright
AFP
Image caption
Người tỵ nạn Syria tại đảo Kos
[h=2]‘Rất mất trật tự’[/h]Hôm thứ Năm 15/10, bà Merkel tuyên bố tất cả các nước EU cần chuẩn bị điều nhân viên an ninh đến biên giới bên ngoài châu Âu.
Bà nói rằng sẽ là không công bằng khi đòi hỏi những nước đã phải tiếp nhận phần lớn người nhập cư ban đầu cũng phải thắt chặt an ninh biên giới.
"Hiển nhiên là chỉ một vài quốc gia chịu nhận phần lớn người tỵ nạn và nếu những nước này còn bị yêu cầu đảm bảo an ninh biên giới bên ngoài, tôi không nghĩ đó là sự phân bổ di dân công bằng", bà nói.
Bà mô tả tình hình hiện nay ‘rất mất trật tự’.
Trong một diễn biến khác:
- Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho hay nước này sẽ quyết định liệu có nên đóng cửa biên giới với Croatia hôm thứ Sáu 16/10
- Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini kêu gọi các nước thành viên giải quyết tận gốc vấn đề di cư bằng cách rót thêm tiền cho những người tỵ nạn Syria ở Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ và giúp phát triển châu Phi
- Năm thành viên trong một gia đình người Lebanon bị chết đuối sau khi một chiếc tàu chở họ từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp bị lật úp, người thân của họ cho biết. Bốn người khác bị mất tích.
Image copyright
AFP
Image caption
Người tỵ nạn tại bờ biển Hy Lạp
Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận khoảng hai triệu người di cư, hầu hết trong số họ chạy trốn cuộc nội chiến ở nước láng giềng Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã kêu gọi thành lập một ‘vùng an toàn’ quốc tế cho những người tỵ nạn bên trong miền bắc Syria - nhưng ông Tusk nói việc Nga hoạt động mạnh tại Syria làm ý tưởng này khó thực hiện hơn.
Ngoài ra tại Brussels, Thủ tướng Anh David Cameron cho hay ông sẽ đưa ra bốn yêu cầu chính để thay đổi trong EU vào tháng 11/2015. Việc này sẽ diễn ra trước cuộc trưng cầu dân ý trong nước Anh về sự tham gia EU của nước này dự tính tổ chức năm 2017.
Ông Tusk hoan nghênh tuyên bố của ông Cameron và nói thêm rằng ‘các cuộc đàm phán thực sự’ có thể bắt đầu từ tháng 11/2015.
Theo BBC Vietnamese