Ferguson căng thẳng sau vụ bắn cảnh sát

T

T$

Guest
  • 13 tháng 3 2015
Chia sẻ
150313050643_1_640x360_ap_nocredit.jpg
Hàng chục người đã xuống đường trở lại ở thị trấn Ferguson, bang Missouri, Hoa Kỳ, một ngày sau vụ nổ súng vào hai nhân viên cảnh sát.
Nhà chức trách đang tiếp tục truy lùng các nghi phạm đằng sau vụ nổ súng vào sáng sớm ngày 12/3.
Cả hai nhân viên cảnh sát đã được cho xuất viện.
Các cuộc biểu tình hôm 12/3 đã diễn ra ôn hòa, nhưng nhiều sự kiện tương tự đã leo thang thành xung đột với cảnh sát.
Cảnh sát Ferguson đã bàn giao trách nhiệm gìn giữ an ninh cho các cơ quan bên ngoài.
Vụ nổ súng giết chết Michael Brown, một thanh niên da mầu không mang theo vũ trang, hồi năm ngoái tại Ferguson đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình phản đối cảnh sát bạo hành.
Vụ nổ súng mới nhất nhằm vào hai nhân viên cảnh sát diễn ra sau khi Cảnh sát trưởng Ferguson Thomas Jackson tuyên bố từ chức.
Một cảnh sát bị bắn vào mặt và một người khác bị trúng đạn vào vai trong lúc người biểu tình đang giải tán.
Động thái từ chức của ông Jackson diễn ra một tuần sau khi kết quả điều tra của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho thấy tình trạng thiên vị và phân biệt chủng tộc lan rộng trong cơ quan của ông này, cũng như trong hệ thống tòa án của thị trấn.
Đây là lần thứ sáu một lãnh đạo ngành cảnh sát tại Ferguson bị sa thải hoặc bị buộc từ chức.
Ông này trước đó đã bác bỏ lời kêu gọi từ chức từ phía người biểu tình và một số lãnh đạo tiểu bang.
150313050707_1_640x360_epa_nocredit.jpg
Người biểu tình đã thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân của tình trạng bạo lực hôm 12/3 Căng thẳng lên cao tại Ferguson hồi tháng Tám năm ngoái và sau đó leo thang vào tháng 11 sau khi một bồi thẩm đoàn quyết định không truy tố ông Darren Wilson, nhân viên cảnh sát đã bắn chết Michael Brown.
Hôm 12/3, người biểu tình đã thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân của tình trạng bạo lực.
Đoàn biểu tình sau đó đã diễu hành đến trước trụ sở cảnh sát trong tiếng trống và tiếng hô khẩu hiệu.
Phóng viên của BBC đang có mặt tại Ferguson, Franz Strasser và David Botti, nói cảnh sát đã giữ khoảng cách với người biểu tình và tránh phô trương lực lượng.
Cảnh sát cũng không xuất hiện trong trang phục chống bạo động như trong các đợt biểu tình trước đó.
Các cuộc biểu tình đã kết thúc vào lúc 11 giờ tối, giờ địa phương, mà không xảy ra vụ bắt giữ nào.
Vụ nổ súng mới nhất đánh dấu lần đầu tiên các nhân viên cảnh sát bị tấn công trong tám tháng qua.
"Vụ việc tối qua cho thấy mọi thứ vẫn chưa kết thúc," bà Sonya Roberts, chủ cửa hàng S&K's PX Market ở Đại lộ Tây Florissant, Ferguson, nói.
"Thành phố trước đó đã khá yên ắng, nhưng rồi Bộ Tư pháp công bố về kết quả điều tra, rồi lại còn vụ từ chức", bà Roberts nói với hãng thông tấn Reuters.
Trước đó, hôm 12/3, một đơn vị cảnh sát đặc nhiệm đã bố ráp một ngôi nhà trong thành phố và tạm giữ nhiều người để chất vấn. Toàn bộ những người này sau đó đã được trả về nhà.
Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama đã đề cập đến tình hình tại Ferguson trong chương trình 'Jimmy Kimmel Live' của đài ABC hôm 12/3.
"Tình trạng đàn áp tại Ferguson đáng bị phản đối và biểu tình," ông Obama nói.
"Tuy nhiên không có lời biện hộ nào cho hành động tội ác. Những kẻ nổ súng là tội phạm và cần bị bắt giữ," ông nói.


Theo BBC Vietnamese
 
Back
Top