Gái bán hoa tìm về 'nơi bình yên' (Kỳ 2)

Jolie

Member
[h=2]Đường về của những cô gái lầm lỡ đầy chông gai, xa ngã bỗng dưng gần lại nhờ ngôi nhà có một không hai ở Hà Nội.[/h]
noi-binh-yen02.jpg

Những cô gái - thành viên nòng cốt của “Nơi bình yên” vẫn làm việc miệt mài vì chị em đường phố dù thu nhập rất thấp.
Những cô gái - thành viên nòng cốt của “Nơi bình yên” vẫn làm việc miệt mài vì chị em đường phố dù thu nhập rất thấp.
Ở nơi bình yên
Nằm sâu trong con ngõ Đê Tô Hoàng, 3 tầng, rộng khoảng 50 mét vuông, thoạt nhìn, ngôi nhà dễ lẫn với bao ngôi nhà khác ở đây. Nhưng đây là ngôi nhà có một không hai bởi nó dành cho chị em làm "gái".
Chiếc ghế dùng để gội đầu ở gian trong, đặt bên cạnh máy giặt. Hằng ngày, chị em đường phố thường gội đầu cho nhau, sơn sửa móng tay trên ghế này. Những bộ đồ cáu bẩn bụi đường được cho vào máy giặt.
Tủ lạnh cũ cũng đủ để bảo quản thực phẩm. Tầng hai là căn phòng rộng không kê bất cứ đồ đạc nào, nền lát gạch hoa trắng được lau chùi sáng bóng.
Ở đây chị em thường có những buổi sinh hoạt nhóm, giao ban hằng tuần, hay múa hát cho quên đi những mệt nhọc ê chề của phận gái mại dâm. Tầng 3 có hai phòng ngủ kê đệm.
Tôi thấy ba cô gái đang ôm gối ngủ, 3 chiếc điện thoại đã tắt máy, túi xách để lộ bao cao su, mấy thỏi son dùng dở.
Trà, 33 tuổi, vừa ngủ dậy, bảo: “Đi làm bị vày vò thân xác mệt lử, về đây nhiều hôm chị em phải mat-xa, tẩm quất cho nhau. Nếu không có Nơi bình yên (NBY), em chẳng biết đi đâu sau những đêm đứng đường”.
Ngọc, 32 tuổi tâm sự: “Em thường đi làm lúc 5-6 giờ chiều, trở về lúc 3, 4 giờ sáng, mệt rã người, chỉ muốn lăn ra ngủ còn hơi sức đâu mà nghĩ đến những chuyện khác. Cuộc sống của em như một vòng luẩn quẩn gồm đi làm - ngủ- ăn- đi làm. Nhưng NBY cho em biết đến một cuộc sống khác, ở đây em nói hết được suy nghĩ của mình, được cười, được lắng nghe và không bị kỳ thị”.
Thuý quê ở Thái Bình, có 2 con, đứng đường chờ khách hằng đêm, không đủ tiền thuê trọ nên mọi ăn uống, ngủ nghỉ đều trên ghế đá công viên. Đồ đạc cũng cất tạm trên nóc trạm gác công viên.
Thỉnh thoảng có tiền, mấy mẹ con lại kéo vào ngủ trong nhà nghỉ. Từ khi biết đến NBY, gia đình bé mọn này đã tìm được một nơi trú chân ấm áp.
Con ngõ ồn ào, nhưng ngôi nhà yên tĩnh đến lạ, chỉ có những lách cách tiếng gõ bàn phím máy vi tính, tiếng cười nói của con gái tạo cảm giác như không khí của một gia đình hạnh phúc.
Đại sứ quán Hà Lan - trong khuôn khổ dự án Tiến lên - thông qua Trung tâm hỗ trợ phát triển Cộng đồng (SCDI) đã tài trợ tiền thuê ngôi nhà này và những chi phí sinh hoạt cho nhóm NBY từ năm 2010.
Từ đó đến nay, mỗi ngày ngôi nhà đón khoảng năm đến mười chị em không chốn nương thân tìm đến. Ở đây, 1.198 lượt chị em được giới thiệu các dịch vụ khám phụ khoa và xét nghiệm HIV.
Những năm qua, ngôi nhà này đã giúp cho rất nhiều cô hoàn lương, tìm được cuộc sống mới.
noibinhyen01jpg1354150891.jpg

Chị em vẫn thường gội đầu, giặt quần áo ở đây sau những đêm đi khách.
Không còn đứng đường đi khách
Đồng tiền kiếm được mỗi lần đi khách như gió vào nhà trống. Họ còn quá nhiều thứ phải lo như chi phí lúc khám chữa, thuốc thang lúc ốm đau, trả tiền nhà, nộp tiền học cho con, hay đơn giản là tiền son phấn quần áo cho nó tươm tất như một thứ “đầu tư” vào nghề.
Những thành viên nòng cốt của nhóm NBY trong nhiều lần gặp Huệ - người chuyên “tác nghiệp” bên hồ Thiền Quang – thấy lần nào cô cũng mặc chiếc váy đen, ngắn cũn.
Đêm hôm ấy bên hồ Thiền Quang, tôi cũng thấy Huệ mặc chiếc váy đen ấy, dù trời Hà Nội đã sang đông, gió mùa đông bắt lạnh căm căm. Huệ không dành dụm được tiền, hỏi vì sao, Huệ chỉ cười: “Chẳng biết tại sao?”.
Lan, 31 tuổi, thở dài: “Em không biết làm việc gì có thu nhập ngoài việc "đứng đường". Để đủ chi tiêu, em phải làm ngày, làm đêm với nhiều dạng khách. Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ, chỉ mỗi dịch vụ của chúng em là rẻ thôi”.
Theo thống kê, có tới 26% chị em thuộc đối tượng này sử dụng ma túy, 15% có tiêm chích. Con số đó cũng phần nào lý giải vì sao nhiều người trong số họ luôn trong tình trạng “tiền khô cháy túi”.
Bị bảo kê chăn dắt ăn chặn tiền, đốt tiền vào ma tuý, hay phải bao người yêu nghiện hút, chu cấp cho cha mẹ già yếu...trăm thứ “ăn” vào số tiền bán thân nhỏ nhoi của họ.
Khoảng một nửa chị em mà nhóm NBY tiếp cận được có con nhưng nhiều người phải bỏ con lại cho gia đình chăm sóc.
Nhiều chị em có chút tiền nhưng không có chỗ cất giữ, có người bị chồng lấy trộm đánh bài, cá độ bóng đá. Một số chị em luôn mang theo trong người lại bị chính khách hàng cướp mất...
Tình trạng này khiến nhóm NBY thành lập mô hình tiết kiệm. Hằng ngày, các thành viên nòng cốt của nhóm đến tận nơi làm việc của chị em để nhận những món tiền mà chị em dành dụm được.
Những món tiền gửi của chị em mỗi lần có thể từ 30 nghìn cho đến vài trăm nghìn đồng. Bất cứ lúc nào cần tiền, chị em có thể đến rút. Nhóm cho chị em vay vốn để chuyển đổi sang công việc khác.
Quán nước nhỏ bên vỉa hè hồ Thiền Quang, có trà đá, hoa quả, thuốc lá bán cho khách qua đường.
Tuệ - chủ quán nói: “Quán của em mở được là nhờ số vốn 3 triệu nhóm cho vay. Dạo này em có thể kiếm được một ngày 50- 70 nghìn đồng đủ trang trải cuộc sống. Từ ngày có hàng nước, em không phải đi khách nữa”.
Chỗ Tuệ bán nước trước đây vào ban đêm cũng là nơi mà cô đứng đường chào mời khách. Bên cạnh quán nước chè, Tuệ còn chạy thêm xe ôm để có thêm thu nhập.
Trong những năm tháng đứng đường, Ly không bao giờ mơ mình sẽ có chiếc xe máy. Đi khách toàn ngồi xe ôm, có lúc kẹp ba kẹp bốn.
Nhưng nhờ món tiền tiết kiệm ở NBY, cộng với vốn vay từ nhóm, Ly đã mua được chiếc xe Air Blade gần 40 triệu đồng. Có xe máy, Ly từ bỏ đứng đường chuyển sang làm nhân viên tiếp thị dầu gội đầu, nước giải khát.
Lê nghiện ma túy bị đưa lên trung tâm cai nghiện, khi được ra, thấy bơ vơ, chẳng biết đi đâu, lại toan trở về nghề cũ.
Nhưng may thay, Lê gặp được NBY: “Nếu không có NBY thì em sẽ lại đúng đường, lại nghiện hút. Nhóm đã cho em ở tạm trong văn phòng hai tháng. Ngoài ra, hằng tháng em cũng có một ít tiền trong việc tham gia hỗ trợ nhóm. Từ khi ở đây em hay đón con về chơi để được gần con nhiều hơn. Sự giúp đỡ này đã cho em có thể bắt đầu một cuộc sống mới”.
Tôi từng thấy bên cạnh một cô gái đang đứng đường chờ khách ở hồ Thiền Quang là chiếc nôi trẻ con sau gốc xà cừ khuất gió. Thái- tên cô gái- không có ai trông con, phải đưa đứa bé mới một tuổi theo, bỏ vào nôi, nhờ bà bán trà đá trông hộ lúc đi khách.
Có những lúc, Thái vừa đưa nôi, vừa chào mời khách mà nước mắt rơi lúc nào không hay. Nhưng NBY đã xây dựng một nhóm liên kết giữa chị em, như “tổ đổi công” của HTX, kể từ đó con Thái được trông giúp.
Nhờ đó, cộng với vốn vay của NBY, Thái đã có được một gánh hàng để bán trứng vịt lộn và xôi sáng mà xa hẳn cái nghề đứng đường.
Nhờ NBY, nhiều chị em vẫn tiếp tục bám lề đường, nhưng không đứng đường đi khách nữa mà chuyển sang nghề khác như bán nước, làm xe ôm...
Chị em vẫn thường gội đầu, giặt quần áo ở đây sau những đêm đi khách
Bà Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Cộng Đồng (SCDI) - tổ chức hỗ trợ nhóm NBY, cho biết: “NBY đã có nhiều sáng kiến để hỗ trợ các chị em muốn thay đổi phương thức kiếm sống hoặc muốn giảm dần tần suất bán dâm.
Hoạt động giới thiệu việc làm đã giúp một số chị em tìm kiếm được công việc phù hợp. Hoạt động cho vay vốn nhỏ đã giúp một số chị em bắt đầu kinh doanh nhỏ như bán nước, làm xe ôm...
Tôi muốn nhấn mạnh là tất cả các hoạt động kể trên đều do nhóm đề xuất và thực hiện dựa trên nhu cầu thực tế của chị em vì vậy mà hoạt động không mang tính khiên cưỡng để báo cáo thành tích, thực sự phù hợp với chị em.
SCDI chỉ xem xét, phê duyệt, cấp kinh phí hỗ trợ, và giám sát việc thực hiện theo kế hoạch do nhóm tự đề ra”.
Tên các cô gái trong bài đã được thay đổi


TP






 
Back
Top